Cống hiến 2010: Những câu chuyện album

Thứ Hai, 14/3/2011, 7:8 (GMT+7)

(TT&VH Cuối tuần) - 5 người, 5 cá tính âm nhạc và 5 cá tính album. Trong bối cảnh thị trường băng đĩa đang teo tóp với tốc độ…máy quay đĩa, trước sự tấn công của băng đĩa lậu và nhạc mạng, có lẽ chưa bao giờ việc sản xuất album trở nên khó khăn đến như vậy, có thể làm không ít người phải chùn tay, dừng bước. Vượt qua những gian khó đời thường này, 5 ca sĩ, đồng thời là 5 nhà sản xuất (đích thực) của 5 album lọt vào đề cử Album của năm 2010 gửi gắm nhiều điều vào những sản phẩm âm nhạc xuất sắc nhất trong năm qua của mình.

>> Chuyên đề: Giải thưởng âm nhạc Cống hiến 2010

Ca sĩ Tấn Minh: Điều tôi quan tâm nhất là mình muốn làm gì

Nếu bạn hỏi rằng “tại sao quyết định ra album vào thời điểm này khi mà thị trường đang bão hòa và đa số đều ngại làm” thì tôi có thể nói ngay rằng tôi rất quan tâm đến thị trường, quan tâm để biết mọi người đang làm gì, công chúng cần gì nhưng điều tôi quan tâm nhất vẫn là cá nhân mình muốn làm gì, cần gì chứ không căn cứ vào thời điểm. Nói thì hơi cao siêu nhưng là người có trách nhiệm với nền âm nhạc thì trong lúc mọi thứ bão hòa như thế mình phải xắn tay vào làm, chẳng lớn lao gì nhưng tôi cũng muốn góp phần làm gì đó cho công chúng. Ở thời buổi thị trường âm nhạc bão hòa, trong cái dở có cái hay, nó giúp tôi biết tại sao một sản phẩm làm ra có người thích, có người không thích, tôi hay nghe đĩa của các đồng nghiệp để hiểu điều đó. Tuy nhiên, như đã nói, quan trọng nhất là tôi phải làm cái tôi thích.


Xuất phát điểm đầu tiên của album Những tình khúc Phú Quang là… tôi chưa có ý tưởng gì, chỉ là tôi muốn làm với nhạc sĩ Huyền Trung, người tôi đã cộng tác để làm những bài đơn lẻ từ 2 năm trước và thấy ở anh ấy tài năng và triển vọng, một album thôi. Qua thời gian làm việc với nhau, chúng tôi đã có những cuộc bàn bạc. Bản thân tôi từ khi mới vào nghề đã mơ ước có một album về Hà Nội, tôi thấy mình hát những bài về Hà Nội hay và cũng được nhiều đồng nghiệp đánh giá như vậy. Mặt khác, tôi cũng có những kỷ niệm với nhạc sĩ Phú Quang và các bài hát của ông. Nhưng nếu chỉ chọn nhạc Phú Quang chung chung thì có lẽ album của tôi chẳng khác gì những album nhạc Phú Quang khác, nên chúng tôi chọn các bài hát về Hà Nội của ông. Sau đó thì tự Huyền Trung tổ chức và hòa âm - phối khí. Điều trùng hợp là album này lại được hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, mình đã gắn với Hà Nội lâu nay nên điều này rất có ý nghĩa.

Tôi thì không gặp khó khăn mà người gặp khó khăn là Huyền Trung. Làm một album gồm 10 ca khúc với cùng một tinh thần và tình cảm một màu của tác giả thì rất khó cho người hòa âm. Nhưng tôi cũng cảm ơn những cảm xúc, tinh thần và sự giống nhau trong các tác phẩm đó vì điều này đã bắt Huyền Trung phải tạo ra được một album có chung một tinh thần nhưng phải nhiều màu sắc. Và anh ấy đã làm được điều đó, chúng tôi đã có một album khiến mình hài lòng, công chúng đón nhận và những người làm nghề đánh giá tốt.

Ca sĩ Thái Thùy Linh: Thêm một người lắng nghe đã tròn ước nguyện

Cách đây 3 năm, trong một chuyến lưu diễn, tôi tình cờ ở cùng phòng một ca sĩ trẻ chuyên hát nhạc đỏ. Nói chuyện đời, chuyện nghề một hồi, tôi buột miệng hỏi: “Theo em thì dòng nhạc đỏ sẽ đi về đâu?”. Rồi sau một hồi đuối lý trước các câu hỏi vặn vẹo của tôi, cô bé ngượng nghịu chống chế: “Đấy là chị không thích nhạc đỏ thì chị mới nói thế!”.

Lúc ấy tôi cũng tưởng là tôi không thích nhạc đỏ thật. Vì nhiều lúc nghe “ức” lắm! Giữa hàng vạn cơn lốc âm nhạc đủ thể loại, đủ kiểu thể hiện, đủ loại nhạc cụ, đủ các bản phối phức tạp cầu kỳ... thì nhạc đỏ vẫn cứ thế, đều đều, đơn giản, cũ cũ, quen quen… Vào các trường nhạc, bật ti vi lên, thấy các ca sĩ tuổi chưa tròn đôi mươi nhưng cách hát cũng không khác các nghệ sĩ tuổi đời cách vài thế hệ là mấy. Chẳng lẽ con đường của nhạc đỏ là người sau cố gắng giẫm cho trúng vết chân của người đi trước, càng vừa càng tốt? Nói đến đây thì giật mình, thể nào các bậc tiền bối cũng trách, mình có liều mạng quá không khi giãi bày quan điểm quá thật thà như thế? Nhưng các tiền bối ơi, lỗi là ở thế hệ sau, những người đi sau mà chưa biết nối dài con đường của những người đi trước. Những con chim đầu đàn của dòng nhạc này người thì đã già, người đã thành thiên cổ. Làm sao để nhạc đỏ không những sống mãi, mà sống khỏe mạnh, đó là nhiệm vụ của những thế hệ tiếp nối.


Nghĩ, rồi lại bị cơm áo gạo tiền cuốn đi, rồi lại nghĩ, nghĩ... Bức xúc lắm. Cảm giác giống như gặp một người, tưởng là chẳng hợp nổi với mình, tưởng là ghét lắm, thế rồi lại cứ bị hình bóng kia, ánh mắt kia ám ảnh. Đi hát karaoke thì chọn Nổi lửa lên em, chạy xe trên đường thì lẩm nhẩm Cô gái mở đường… dù chẳng bao giờ hát được trọn vẹn một bài. Là sao nhỉ? Nếu mình hát theo kiểu của mình thì sẽ thế nào?

Đến một ngày, tình cờ bật tivi và nghe nhà thơ Nguyễn Thụy Kha chia sẻ về mong muốn được nghe Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam trên nền nhạc rock. Đây rồi! Thế nghĩa là ý tưởng của mình bấy lâu không phải là “dở người”. Nhưng còn dự định làm một album pop - rock thật “chất” và bài vở đang đặt hàng thì sao? Hát nhạc đương thời thì rõ ràng là an toàn hơn nhiều. Lại có khả năng thêm bài “hot” để chạy show. Tôi phân vân lắm. Nhưng rồi cái sự “ức” nó lại trỗi dậy. Vì mở mp3 của các bạn nhỏ lớp 6, lớp 7 trong nhà ra thì toàn nhạc Tàu, nhạc Hàn Quốc, lên mạng thì phát sốt với Da nâu, đứa em đang học cấp ba thấy tôi nghe nhạc đỏ thì ngạc nhiên hỏi “chị đã già đâu mà nghe nhạc này?”. Thế là tôi quyết định lên mạng nghe lại một kho nhạc đỏ khổng lồ, biên tập bài. Google tất cả những thông tin liên quan đến những ca khúc dự kiến nằm trong album để có hiểu biết và cảm nhận đầy đủ nhất. Tìm các tuyển tập ca khúc để có phần văn bản chính xác nhất. Soát lại danh sách các nhạc sĩ phối khí từng biết, dò hỏi tham khảo ý kiến một số bạn thân trong nghề. Gặp một số phản đối quyết liệt, kiểu như “bây giờ làm nhạc đỏ cho ai nghe”, “cẩn thận không em sẽ xúc phạm nhạc cách mạng”... Kệ. Cân nhắc. Phỏng vấn. Rồi chọn Thanh Tâm - nhạc sĩ 8x bằng tuổi - được đánh giá cao ở chương trình Bài hát Việt với alternative rock đồng thời lại có quá trình nhiều năm đệm đàn cho các chương trình nhạc đỏ từ hồi Tâm còn là học sinh, sinh hoạt tại các nhà văn hóa.

Hai năm sau thì Bộ đội ra đời, đủ hình hài, xương thịt, sau rất nhiều chờ đợi, suy ngẫm, quyết tâm, mệt mỏi, kỳ vọng, lo âu… và thậm chí cả những căng thẳng có lúc tưởng phát điên. Giờ thì thở phào rồi, cho dù ai khen hay chê, dù Bộ đội bán được nhiều hay ít thì rõ ràng chẳng ai đang yêu lại quay sang ghét nhạc đỏ chỉ vì Thái Thùy Linh hát cả. Nhưng nếu chỉ thêm một người lắng nghe, hay yêu nhạc đỏ sau khi nghe Bộ đội, thì đối với tôi, vậy là ước nguyện đã tròn.

(Còn tiếp)

Đề cử Album của Năm
(Theo thứ tự a, b, c)

Bây giờ… biển mùa Đông (ca sĩ: Đức Tuấn, âm nhạc: Dương Thụ, hòa âm: Anh Quân và ban nhạc Anh Em).

Bộ đội (ca sĩ: Thái Thùy Linh, âm nhạc: Nhiều tác giả, hòa âm: Thanh Tâm).

Cock-tail (ca sĩ: Hà Anh Tuấn, âm nhạc và hòa âm: Dương Khắc Linh).

Li ti (ca sĩ: Tùng Dương, âm nhạc: Nhiều tác giả, hòa âm: Nguyễn Công Phương Nam và Sebastian Parche).

Những tình khúc Phú Quang (ca sĩ: Tấn Minh, âm nhạc: Phú Quang, hòa âm: Huyền Trung).

Cung Tuy - Huyền Thơ (thực hiện)

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến