(Thethaovanhoa.vn) - Mọi diễn biến của các giải VĐQG châu Âu đã phải nhường lại toàn bộ sự chú ý cho một vấn đề gây tranh cãi: Sự ra đời của European Super League. Một biểu tượng của lòng tham và ích kỷ từ một nhóm những CLB giàu có.
Một luật sư chuyên gia đã cảnh báo các CLB thuộc Super League có cơ hội chiến thắng bất kỳ cuộc chiến pháp lý nào mà UEFA lập ra để cố gắng ngăn chặn ý định ly khai của họ.
12 CLB hàng đầu châu Âu đã chọn rất đúng thời điểm để đưa ra tuyên bố gây chấn động bóng đá châu Âu: Khởi động một siêu giải đấu chỉ một ngày trước cuộc họp của Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) để quyết định thông qua cải tổ Champions League theo thể thức mới.
Sự ích kỷ của những ông lớn châu lục
Một cái tát, một sự phản bội, một cú lật mặt 180 độ. Dùng bất cứ ngôn từ nặng nề nào để nói về cú trở tay của các CLB này đều phù hợp vào lúc này. 12 CLB này đã chấp nhận đứng về một phe để tạo ra một cuộc chiến tranh đúng nghĩa với UEFA, bỏ mặc những lời đe dọa từ tổ chức này cũng như FIFA về khả năng họ cùng các cầu thủ có liên quan sẽ bị tước bỏ quyền tham dự toàn bộ các giải đấu thuộc phạm vi quản lý của hai tổ chức bóng đá này.
Không phải nhóm Big Six Premier League, Real Madrid hay Barcelona thờ ơ với những cảnh báo về khả năng phải làm khán giả tại Champions League mùa tới hay thậm chí bị gạt ra khỏi các giải VĐQG. Ý tưởng European Super League thật ra đã được nhắc đến trong suốt gần hai thập kỷ qua. Tháng 7/2009, chủ tịch Real Madrid Florentino Perez khơi mào ý tưởng siêu giải đấu này. 7 năm sau, Arsenal, Chelsea, Liverpool, Man City và MU từng thảo luận về European Super League. Mối đe dọa từ European Super League là lý do thúc đẩy UEFA liên tục đưa ra những thay đổi ở Champions League. Họ đã trao cho Premier League, Serie A, Bundesliga và La Liga đặc ân cả 4 suất trực tiếp vào vòng bảng, thay vì đội xếp thứ 4 phải đá vòng sơ loại từ mùa 2018 đến giờ. Gần nhất, ý tưởng chuyển đổi vòng bảng Champions League từ 8 bảng truyền thống sang một giải League đá theo mô hình Thụy Sĩ từ mùa 2024 là một đòn đánh đáp trả từ UEFA trong nỗ lực tẩy não các ông lớn khỏi ý nghĩ ly khai Champions League, lập ra European Super League. Rốt cuộc, tất cả đã đổ bể chỉ bằng một cái gật đầu của 12 kẻ ích kỷ (và còn nhiều đội bóng lớn sắp tới) nhằm thu lợi cho bản thân, đạp lên tất cả miếng bánh cho những đội bóng tầm trung và thấp cũng như không thương tiếc tấm lòng ủng hộ vô điều kiện của các cổ động viên bóng đá, từ trên các khán đài đến màn ảnh TV.
Tất cả gói trong hai chữ: Tiền và quyền
Không phải ngẫu nhiên mà tốc độ thúc đẩy European Super League lại nhanh đến chóng mặt. Cuối tuần qua, một số thành viên trong nhóm đã trải qua những trận đấu tệ hại tại các giải VĐQG. Arsenal, từng là một thế lực của bóng đá châu Âu, đã bị đội xếp thứ 18 Fulham cầm hòa ở Premier League và ngày càng xa tấm vé Champions League. Juventus, độc cô cầu bại ở Serie A nhiều mùa qua, bị Atalanta đánh bại và đang nhìn thấy suất dự Champions League lung lay dữ dội. Đội bóng của HLV Andrea Pirlo cách đây một tháng bị đá văng khỏi sân chơi danh giá nhất châu lục dưới tay Porto ở vòng 1/8.
Champions League rõ ràng là miếng bánh thơm ngon, một nguồn tài chính dồi dào chảy vào tài khoản bất cứ đội bóng nào vinh dự góp mặt. Nhưng các ông lớn châu lục muốn nhiều hơn thế. Viễn cảnh được nhận số tiền dao động từ 89 đến 310 triệu euro kích thích không ít các ông lớn vốn đang chịu thiệt hại nặng nề về tài chính do tác động của đại dịch Covid-19 gây ra, tiêu biểu trong đó có Barcelona, Real Madrid, Juventus và Inter Milan. Những đội bóng này hoặc đang nợ ngập đầu, hoặc không biết đào đâu ra tiền cho một cuộc chạy đua vũ trang mua sắm cầu thủ mùa hè này.
Tiền chảy vào túi mới chỉ là một nguyên nhân thúc đẩy kế hoạch European Super League. Những CLB lớn với các vị chủ tịch lắm mưu nhiều mẹo muốn chiếm lấy quyền tổ chức giải đấu từ UEFA. Andrea Agnelli, chủ tịch Juventus, được cho là nhân vật trung tâm về thể thức giải đấu này, bên cạnh sự ủng hộ nhiệt tình của nhóm Big Six ở Premier League và nhóm Big Three ở La Liga gồm Barcelona và hai đội bóng Madrid (Atletico Madrid, Real Madrid). Không ít đội bóng trong nhóm 12 sáng lập viên này có chủ sở hữu là những người Mỹ vốn khao khát nhân bản mô hình hái ra tiền của môn bóng đá Mỹ (NFL) hay môn bóng chày.
Bất luận kết cục của European Super League đi về đâu, bóng đá châu Âu đang chuẩn bị rẽ sang một trạng thái mới khó lường.
Linh Sam