(Thethaovanhoa.vn) - ... “40 tuổi, nhưng sao nhỉ, nếu đấy chỉ đơn giản là một cột mốc về tuổi đời?”. Buffon đã từng trả lời bằng một câu hỏi như thế 5 năm trước khi được hỏi về việc anh nghĩ gì khi đến tuổi 40. Có lẽ người phóng viên hỏi anh có ý nhắc đến chữ “giải nghệ”. Nhưng với anh, người đã được tôn vinh, ca ngợi và ngưỡng mộ, anh chưa hề nghĩ đến hai chữ này.
“Rửa tội” trong tuyết lạnh
Buổi sáng ngày 19/11/1995, Nevio Scala, HLV của Parma, gặp Gigi Buffon tại quầy bar của khách sạn Villa Ducale, nơi mà đội bóng lúc ấy đang rất nổi danh và thành công ở Italy và châu Âu này đóng quân trước các trận đấu sân nhà. Ông vỗ vai Buffon và nói: “Hôm nay cậu bắt chính nhé”. Buffon sững sờ, không nói nổi câu nào và suýt sặc khi nhấp một ngụm cappuccino, dù tối hôm trước, Scala đã nói đến khả năng Buffon có thể sẽ ra sân.
Hôm ấy, Parma đá với Milan. Thủ môn chính thức của Parma là Luca Bucci chấn thương, và Buffon, mới 17 tuổi, cao lộc ngộc và mặt ngây thơ đến tội, đã chơi tuyệt vời trong khung gỗ, làm nản lòng những siêu sao tấn công của Milan là Roberto Baggio và Marco Simone. Trận đấu ấy chính là bệ phóng lớn để anh bùng nổ trong khung gỗ Parma, và là cơ hội để hai năm sau đó, anh bước vào một khung gỗ nữa, khung thành đội tuyển Italy. Trận ra mắt của anh ở màu áo Thiên Thanh cũng rất đặc biệt: Gianluca Pagliuca, người bắt trận đó thay cho Angelo Peruzzi, bị chấn thương sau nửa tiếng thi đấu trên sân Moskva ngày 22/10/1997, trận play-off của Italy với Nga (1-1). HLV Cesare Maldini quay sang Buffon và khoát tay. Thế là Buffon xỏ găng và vào sân cho trận đầu tiên trong hành trình kéo dài 20 năm không ngưng nghỉ với đội tuyển Italy, trở thành cơn ác mộng với các tiền đạo đối mặt anh, và cũng là ác mộng với những thủ môn dự bị, vì với anh phía trước, họ hầu như không có cơ hội.
Thủ thành Gianluigi Buffon lại gây sốc với người hâm mộ với màn cởi quần ném tặng fan trong trận Juventus- Barcelona ở lượt trận thứ 5 vòng bảng Champions League.
“Khi nhìn thấy Gianluca nằm trên mặt đất, tim tôn run bắn lên, thậm chí còn không thở nổi nữa”, anh thổ lộ nhiều năm sau trên truyền hình Italy. “Tôi tự nhủ, “chết tiệt, đến lượt mình rồi” (trận lượt về, Buffon lại trở về ghế dự bị, vì Peruzzi đã bình phục). Trận ấy, cũng như trận đấu với Milan trên tuyết lạnh hai năm trước, chính là những cái đầu tiên của anh trước thế giới, mở đầu cho sự nghiệp của một thủ môn chắc chắn, mạnh mẽ, một người hùng và là tượng đài thực sự của bóng đá Italy và thế giới.
Khổng lồ cùng những thất bại
Từ những cái đầu tiên ấy đến những gì mà Buffon đã có lúc này là một hành trình rất dài của những chiến công và không ít những lần thất bại. Ca ngợi con người quả cảm có những phản xạ tuyệt vời và từ đó làm sống lại niềm tự hào của người Italy về việc sản sinh ra các thủ môn giỏi (có một câu nói rằng, Italy là đất nước của các thánh, các thi sĩ và thủ môn) là điều quá bình thường. Nhưng huyền thoại sống của bóng đá Italy với vô số chiến công ấy cũng là một trong những người thất bại vĩ đại nhất, với những lần cùng đồng đội anh gục ngã ở những thời điểm quan trọng nhất: Trận chung kết Champions League 2003, 2015 và 2017, những thất bại đau đớn ở World Cup 2002, 2010 (giải đấu mà anh chấn thương ở trận đầu vòng bảng và sau đó không bắt thêm trận nào nữa), 2014 và rồi, những giọt nước mắt đã rơi sau khi Italy thua Đức ở tứ kết EURO 2016.
Những năm gần đây nhất, khi sự nghiệp của Buffon đã lên đến đỉnh cao, với rất nhiều kỷ lục cá nhân, chúng ta được chứng kiến rất nhiều lần anh khóc. Anh đã khóc sau loạt luân lưu thất bại ở EURO 2016, đã gần như khóc khi Juventus thua Real Madrid ở trận chung kết Champions League 2017, và đã khóc nức nở khi Italy bị Thụy Điển đánh bại, để rồi lần đầu tiên sau 60 năm vắng mặt ở một vòng chung kết World Cup. Và nữa, cả nỗi đau đỉnh cao vô địch World Cup và vực sâu Calciopoli trong cùng một năm 2006.
Những nỗi đau ấy là hoàn toàn dễ hiểu, vì Buffon chưa từng giơ cao một chức vô địch Champions League, cũng không thể lập kỷ lục về số lần liên tiếp tham dự World Cup, và ở tuổi 40, người thủ môn xuất sắc nhất trong thế hệ của mình không còn thời gian và sức lực cho những cuộc chinh phục như thế nữa. Nhưng chính sự không hoàn hảo ấy lại khiến cho anh trở nên khổng lồ hơn ai hết trong lòng bao người, và cũng trở thành một trong những biểu tượng của một nền bóng đá chết đi sống lại nhiều lần trong hai thập niên qua. Báo chí Italy từng gọi anh là một phiến đá cẩm thạch Carrara được tôi luyện trong gian khó ở Parma và Juve để trở thành một kiệt tác điêu khắc như của Michelangelo (Buffon sinh ở Carrara, xứ Tuscany). Gia đình đầy chất thể thao của anh, nền bóng đá Italy và chính con người anh đã đóng vai trò của người nghệ sĩ Michelangelo ấy.
Hôm 28/1, Buffon đã làm lễ sinh nhật lần thứ 40 của mình một cách giản dị và lặng lẽ. Hai hôm sau, anh xỏ găng và trở lại bắt chính ở trận gặp Atalanta tại Cúp Italy sau hai tháng ngồi ngoài do chấn thương. Juve đã thắng trận ấy 1-0, Buffon đẩy được một quả penalty và như mọi khi, chơi tuyệt vời. Một thông điệp đơn giản nhất từ anh: Treo găng ư, quên đi!
Gigi Buffon, những cột mốc lớn
31/5/1996 Vô địch U21 châu Âu.
29/10/1997 Chơi trận đầu tiên cho đội tuyển Italy.
9/7/2006 Vô địch thế giới cùng đội tuyển Italy ở World Cup 2006.
1/6/2014 Được triệu tập cho World Cup 2014, qua đó anh sẽ có mặt ở World Cup thứ 5 trong sự nghiệp, bằng với kỷ lục của Carbajal và Matthaeus.
2/7/2016 Chơi trận thứ 56 tại các vòng chung kết EURO, một kỷ lục. Hôm ấy, Buffon và đội Italy thua Đức trong loạt luân lưu ở tứ kết EURO 2016.
13/11/2017 Italy hòa Thụy Điển 0-0, không dự World Cup 2018. Đó là trận thứ 175 và cũng là cuối cùng của anh trong màu áo Thiên Thanh.
Buffon, những con số
1 Khá nhiều nhà chuyên môn và các huyền thoại bóng đá coi Buffon là thủ môn xuất sắc nhất mọi thời đại, một chuyên gia cản phá trong thế một chọi một, rất giỏi chỉ huy hàng thủ và là người có ảnh hưởng rất lớn đến toàn đội về tinh thần.
2 Thứ 2 (Quả bóng Bạc) là vị trí cao nhất mà Buffon có được trong cuộc bầu chọn Quả bóng Vàng của tạp chí France Football. Điều này xảy ra năm 2006, sau World Cup 2006. Ngoài ra, anh đứng thứ 9 năm 2003, thứ 9 năm 2016 và thứ 4 năm 2017.
52 Với giá chuyển nhượng 52 triệu euro vào năm 2001 để từ Parma sang Juve, Buffon hiện là thủ môn đắt giá nhất trong lịch sử bóng đá thế giới.
175 Buffon lập kỷ lục về số lần khoác áo nhiều nhất cho đội tuyển Italy, với 175 trận. Anh cũng là cầu thủ châu Âu chơi nhiều trận nhất cho ĐTQG. Anh hiện cũng là cầu thủ chơi nhiều trận nhất trong màu áo Thiên Thanh về số lần mang băng đội trưởng (79 trận).
974 Buffon lập kỷ lục về việc giữ trắng lưới trong 974 phút liên tiếp ở mùa bóng 2015-2016, mùa bóng mà Juve đoạt Scudetto. Mùa bóng đó, Buffon cũng giữ trắng lưới trong tổng cộng 10 trận.
|
Anh Ngọc