(Thethaovanhoa.vn) - Nếu nói Premier League lạc hậu, chắc chắn bạn sẽ bị “ném đá nát người”. Nhưng thực chất, khó có thể phủ nhận giải đấu đắt giá, hấp dẫn nhất hành tinh ấy lại vẫn có những nét lạc hậu…
1. Kể từ năm 2011 đến nay, 6 năm rồi, Premier League chỉ có đúng 4 lần có đại diện vào bán kết Champions League. Và ở mỗi lần ấy họ cũng chỉ có duy nhất một đại diện. Sự sa sút của Premier League so với Liga, Bundesliga là thấy rõ. Và dù có hơn Serie A đi nữa thì cái hơn của Premier League cũng không nói lên được gì nhiều. Đơn giản, Serie A ngày càng eo hẹp về tài chính, cạn kiệt ngôi sao, được coi là sân chơi độc quyền của Juve suốt thời gian qua, nhưng cũng vẫn tự hào vì ít ra trong khoảng thời gian đó, họ có 2 lần vào đến chung kết Champions League. Tất nhiên, Premier League vẫn còn điểm tựa là chức vô địch của Chelsea năm 2012 nhưng chừng đó không đủ để nói Premier League có tiếng nói trọng lượng ở Champions League giai đoạn này. Và hơn nữa, chức vô địch của Chelsea cũng đến từ một lối đá thực dụng rất Ý, với vai trò rõ nét của HLV tạm quyền Di Matteo.
Một trong những mùa giải được lăng xê nhiều nhất của Premier League đang kết thúc theo một cách buồn tẻ. Đây được đánh giá là một mùa giải ít kịch tính và chứng kiến ít cú sốc.
Và nếu nhìn lại năm nay, chúng ta thấy rõ hơn vị thế của Premier League là như thế nào. Leicester City đứng đầu một bảng dễ nhất; Arsenal cũng đầu bảng trước một PSG mới thay HLV và đang sa sút rõ rệt. Man City cũng có được vé nhì bảng nhưng toát mồ hôi hột còn Tottenham thì hổ thẹn thua 2/3 trận sân nhà và đứng thứ ba. Để rồi khi vào đến vòng trong, chỉ còn một Leicester đến được tứ kết nhờ lá thăm dễ thở Sevilla. Cả Arsenal lẫn Man City đều ra về tủi hổ dù đối thủ của họ sừng sỏ hay chỉ là một đội bóng chưa bao giờ được các đại diện Premier League đánh giá cao như Monaco.
2. Nhìn lại các đội bóng còn lại ở bán kết Champions League, chúng ta thấy rõ sự dịch chuyển của chiến thuật là như thế nào. Zidane bất ngờ dùng 4-4-2 trong khi Jardim đã theo đuổi 4-4-2 với Monaco từ đầu mùa còn Atletico của Simeone thì đã quá quen thuộc với sơ đồ ấy cả mấy năm nay. Còn Juve? Họ chơi 3-4-2-1 hoặc 3-4-3 cũng đã nhuần nhuyễn và chính sơ đồ ấy đang giúp Conte đưa Chelsea về đích băng băng ở Premier League mùa này. Vậy các đội bóng Anh khác thì sao? Man City còn loay hoay với triết lý mới của Pep và Arsenal thì vẫn gắn với 4-2-3-1 cho đến tận lúc hoảng loạn cuối mùa, Wenger mới thử nghiệm 3-4-2-1 ở mấy trận vừa rồi.
Và nếu chúng ta nhìn vào lối chơi của các đội ở Premier League, chúng ta sẽ nhận ra rằng họ vẫn bám vào cái mode lỗi thời 4-2-3-1 một cách chắc chắn. Số ít đội dám cải cách, chơi với hàng thủ 3 người, hóa ra lại là những đội nhỏ (không nói đến Chelsea với biến đổi ở mùa này). Và một số ít khác, tập chơi 4-3-3.
3. Khi Pep Guardiola nhận lời huấn luyện Man City, giới bình luận Anh quốc cho rằng ông sẽ mang lại một cuộc cách mạng về chiến thuật. Đúng là Pep đã muốn làm như thế, ráng thử nghiệm như thế nhưng vẫn bất thành bởi các cầu thủ thực sự cần thời gian để làm quen. Và việc Pep muốn Man City chơi với hàng thủ 3 người, thứ thử nghiệm mà ở TBN, ở Đức người ta đã làm mấy năm nay, khiến chúng ta nhớ lại cách đây vài năm. Sau chức vô địch Premier League với Man City, Mancini muốn thay đổi đội bóng. Và đội trưởng Micah Richards đã lên báo chỉ trích ông rằng “Chúng tôi không thể nào quen việc chơi với hàng thủ 3 người”.
4-3-3, 3-4-3, 4-4-2 không phải là những sơ đồ mới nhưng cách vận hành các sơ đồ ấy ở thời đại hôm nay đã khác đi nhiều. Ví như ở Monaco, trong sơ đồ 4-4-2 của họ, với Mbappe chơi tự do; Lemar và Silva dâng cao như hai tiền đạo cánh; hai hậu vệ biên chơi thiên về tham gia tấn công, Monaco có thể biến đổi thành 2-4-4 hoặc 2-4-3-1 khi tổ chức tấn công. Cái quan trọng của bóng đá hiện đại là khả năng chuyển đổi nhanh chóng từ trạng thái tấn công sang phòng ngự và ngược lại. Chính vì thế, sơ đồ xuất phát chỉ là họa đồ. Cái cách đội bóng thể hiện thế nào ở từng tình huống cụ thể mới nói lên diện mạo của đội bóng ấy.
Premier League thì không có được những đội bóng liều mình cải cách như thế. Có lẽ, áp lực trụ hạng, áp lực Top 4 để giành miếng bản quyền truyền hình rất lớn đã khiến họ ngại thay đổi chăng?
Và một điểm nữa, để thấy Premier League lạc hậu so với châu Âu. Khi một Monaco với sân Stade de Louis II bé xíu cũng có mặt sân ở tiêu chuẩn 105m x 68m thì đa số các sân của các đội Premier League vẫn nhỏ nhỏ xinh xinh ở mức 100m x 65m. Đó chính là lý do, khi Tottenham chơi trên sân Wembley với chiều dài, rộng như các sân khác ở châu Âu, họ thua tan nát tại Champions League. Và họ cũng thua ở sân Olimpic của West Ham, nơi mặt sân rộng 105x67m.
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa