Champions League trở lại vào tháng 8: Cỗ máy in tiền buộc phải lăn

Thứ Sáu, 24/4/2020, 6:17 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - UEFA vẫn không chịu từ bỏ và tỏ ra tự tin về việc 5 giải đấu hàng đầu châu Âu là Anh, Tây Ban Nha, Italy, Pháp và Đức có thể kết thúc mùa bóng hiện tại vào cuối tháng Bảy, để Champions League và Europa League đóng lại vào ngày 29/8.

Vì Covid-19, Premier League sẽ phát sóng miễn phí?

Vì Covid-19, Premier League sẽ phát sóng miễn phí?

Premier League chắc chắn sẽ đá không khán giả nếu trở lại vào mùa hè năm nay. Ban tổ chức giải đấu đang tính đến phương án phát các trận đấu miễn phí, thay vì tập trung vào hai kênh trả tiền BT Sport và Sky Sports.

Những cuộc làm việc liên tục với các LĐBĐ thành viên như Tây Ban Nha, Đức hay Anh, đã giúp Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin đạt được những mục tiêu tối thiểu như sự cam kết để hoàn thành nốt mùa bóng tại các nước này, và ngay cả khi các giải đấu không thể hoàn thành nốt các vòng đấu còn lại cũng khó ảnh hưởng tới ưu tiên của UEFA.

Ngành công nghiệp sản xuất bóng đá

Các cúp châu Âu phải được diễn ra là sự thôi thúc lớn với ông Ceferin và các cộng sự, và bằng bất cứ cách nào, ông sẽ phải đưa hai đội bóng tới được Istalbul vào cuối tháng 8, như một sự khẳng định về tinh thần thể thao chiến thắng dịch bệnh, hoặc đơn giản hơn, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế ở mùa bóng này.

Ông đã có được sự ủng hộ đầu tiên, sau khi bị Hà Lan, Bỉ và Scotland quay lưng, đó là Bộ Y tế Đức cho phép các CLB trở lại tập luyện ngày hôm qua theo giờ địa phương, và BTC Bundesliga dự định đưa trái bóng trở lại vào ngày 9 hoặc 16/5. Tại Tây Ban Nha, hai ông chủ Rubiales và Javier Tebas cũng đạt được sự đồng thuận về việc tiếp tục các trận còn lại của La Liga. Ở Ý thì khó khăn hơn một chút do bộ trưởng thể thao Vincenzo Spadafora chưa bật đèn xanh cho các CLB tập luyện trở lại vì dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát ở xứ mì ống.

Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra về việc nên hay không tổ chức mùa bóng còn lại, không chỉ ở các giải VĐQG châu Âu mà còn cả các cúp châu Âu. Sức khỏe trước hay bóng đá trước, luôn là chủ đề gây tranh cãi trong thời gian gần đây. Ta nhìn thấy sự độc đoán của ông Ceferin khi đe dọa các liên đoàn thành viên nếu kết thúc mùa bóng sẽ cắt suất tham dự cúp châu Âu mùa tới. Ông cũng gạt bỏ cảnh báo của WHO về làn sóng Covid-19 thứ hai chuẩn bị tấn công thế giới để bảo vệ kế hoạch của mình.

Nhưng nếu bỏ qua phạm trù đạo đức, hoặc cả sự ích kỉ đến tàn nhẫn của những người điều hành bóng đá châu Âu, và coi bóng đá là một ngành công nghiệp, thực sự nó đã phát triển tới mức của một ngành kinh tế, dịch vụ, giải trí mang đầy đủ những giá trị của nền công nghiệp sản xuất hơn cả ý nghĩa thể thao thuần túy ban đầu.

Chú thích ảnh
Champions League bằng mọi giá sẽ phải trở lại

Ở đây, khi chúng ta nhắc tới Champions League và thấp hơn một chút là Europa League nói riêng, đồng nghĩa ta đang nói về một ngành sản xuất tạo ra sản phẩm có giá trị cao, xuất khẩu những giá trị về văn hóa, truyền thống của mỗi nước châu Âu ra toàn thế giới, đưa các ngôi sao tới từng ngõ ngách, giúp các câu lạc bộ khuếch trương hình ảnh, kiếm tiền và nuôi sống hàng nghìn những con người khác, và vô số những giá trị thặng dư khác sinh ra từ Champions League đủ để thuyết phục bất cứ ai về việc đưa bóng đá trở lại càng sớm càng tốt.

Hẹn gặp vào tháng Tám

Hàng trăm nhân viên tại Liverpool hay Tottenham sẽ không bị mất việc vì CLB không thể trả lương do dịch Covid-19 gây ra. Các tranh cãi về yếu tố đạo đức khi sa thải các HLV như Liên đoàn bóng đá Uruguay làm với Oscar Tabarez không xuất hiện nếu như trái bóng được quay guồng quay của nó.

Lúc này, khi có được độ lùi cần thiết về thời gian để nhìn nhận, thì ta thấy rằng, bóng đá đã trở thành một mắt xích quan trọng của nền kinh tế châu Âu nói chung và các nước có câu lạc bộ tham dự Champions League và Europa League nói riêng. Với những thể chế bóng đá lớn như Barcelona hay Real Madrid, việc họ không thi đấu ở La Liga đã tác động lớn tới GDP của nước này, theo những đánh giá mới nhất. Hãng xe Fiat sẽ không thích thú một chút nào khi lợi nhuận của Juventus sụt giảm vì virus corona, và chắc rồi, nền kinh tế Italy cũng gặp khó khăn khi cỗ máy thương mại lớn Fiat không sinh ra những đòn bẩy về tiền bạc.

Ở Anh, mức độ ảnh hưởng có thể còn lớn hơn, khi nguồn tiền từ các tỉ phú trên toàn thế giới không được lưu thông khiến nền kinh tế nước này cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Không một ông chủ nào muốn gặp bế tắc vì tiền chạy ra khỏi két mà không thể cứu vãn, không một nước nào muốn nền kinh tế bóng đá bị đổ vỡ và mất nhiều thời gian để phục hồi. Và đó là lý do chính khiến ông Ceferin có thể hẹn ngày trở lại của Champions League vào tháng 8.

17 Theo kế hoạch của UEFA, 17 trận đấu còn lại của Champions League sẽ được diễn ra trong vòng 3 tuần lễ vào tháng 8.

400 UEFA sẽ thiệt hại khoảng 400 triệu euro nếu như Champions League không thể kết thúc như kế hoạch đầu mùa bóng.

Nhật Minh

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến