(Thethaovanhoa.vn) - Dài chưa đầy 200 mét, đoạn phố Phùng Hưng nối từ Lê Văn Linh tới Hàng Cót đã trở thành điểm đến đặc biệt của Hà Nội trong nửa năm qua. Ở đó, ký ức của thành phố được nối dại và cộng hưởng cùng sắc màu của nhịp sống hiện đại, qua 19 bức bích họa khổ lớn.
Dự án này có ý nghĩa đúng như tên chính thức của nó: Nghệ thuật cho một không gian sống tốt đẹp hơn. Thế nhưng, dù cái tên ấy được gắn trang trọng tại 2 khung vòm lớn ở không gian này, người dân Thủ đô – và cả các chuyên gia – vẫn quen gọi nó bằng một cụm từ giản dị: phố bích họa.
Từ “làng bích họa” tới “phố bích họa”
Phố bích họa được khánh thành vào ngày 2/2 năm nay, do 3 đơn vị cùng phối hợp thực hiện: UBND quận Hoàn Kiếm, Korea Foundation (Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc) và UN-Habitat (Chương trình định cư con người Liên hợp quốc) tại Việt Nam.
Trước đó, vào giữa năm 2016, 2 tổ chức Korea Foundadion và UN – Habitat đã cùng góp mặt trong dự án triển khai "làng bích họa Tam Thanh" tại Tam Kỳ (Quảng Nam) và được dư luận đánh giá cao. Còn với Hà Nội, từ giữa năm 2017, UBND quận Hoàn Kiếm đã được lãnh đạo Hà Nội yêu cầu nghiên cứu đục thông và trang trí các vòm cầu cạn (kéo dài từ phố Phùng Hưng tới ga Long Biên) để hình thành không gian phục vụ nghệ thuật và cộng đồng. Đó là lý do để cả 3 đơn vị cùng gặp nhau và hình thành một dự án mới.
Như chia sẻ của những người trong cuộc, sau khi khảo sát thực địa về tình hình lấn chiếm không gian, hiện trạng sử dụng quanh các vòm cầu, quy hoạch chung của thành phố..., gần 20 vòm cầu cạn từ phố Lê Văn Linh tới Hàng Cót đã được chọn để triển khai dự án này.
Đầu tháng 11, dự án được bắt đầu với việc giải tỏa trục vỉa hè gắn với những vòm cầu. Ở thời điểm ấy, khu vực này khá nhếch nhác, và thường xuyên được sử dụng làm nơi tập kết xe rác, hoặc kinh doanh nhỏ lẻ của một số hộ dân.
"Chúng tôi được quận Hoàn Kiếm giao nhiệm vụ giải tỏa các điểm giao thông tĩnh, dẹp hàng quán lấn chiếm, cải tạo lại điều kiện hạ tầng để chuẩn bị cho việc vẽ tranh" - ông Đặng Đình Bằng, Phó trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội, cho biết. "Khu vực này là mặt phố trung tâm nên hàng quán khá đông, trong đó có cả một quán bia hơi của thương binh và một hàng thịt chó chặt. Việc vận động, thuyết phục các hộ dân không đơn giản..."
“Lột xác” để kết nối cộng đồng
Trên đoạn phố này, 19 bức tranh được vẽ trên nền gỗ bằng sơn và golden acrylics, có độ bền từ 5 đến 10 năm, sau đó ốp cứng vào các mái vòm này, không làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình vòm cầu. Các bức tranh được thể hiện bởi 2 nhóm tác giả (do các bên tham gia kết nối): nhóm các họa sĩ Hàn Quốc đến từ Viện Nghiên cứu mỹ thuật công cộng Lee Gang Jun và nhóm họa sĩ Việt Nam – với những cái tên khá quen thuộc trong đời sống nghệ thuật đương đại như Nguyễn Thế Sơn, Trần Hậu Yên Thế, Triệu Minh Hải, Lê Giang...
Dù vẽ bởi ai, hầu hết những bức họa đều gắn với một chủ đề chung: ký ức Hà Nội, với những nét xưa cũ mà người dân thành phố còn lưu giữ trong suy nghĩ như khu phố cổ Hà Nội, mô hình máy nước công cộng, gánh hàng rong, cảnh ông đồ ngồi cho chữ, tàu điện, cửa hàng Bách hóa Tổng hợp xưa trên phố Tràng Tiền…
Xem 8 tác phẩm của những họa sĩ Hàn Quốc như Tàu điện leng keng (Kim Hu Chang), Phố nhuốm màu hoa (Oh Ye Seul), Cầu Long Biên (Jang Su Ik) hay Áo dài trên phố xưa (Choi Lak Won), người ta sẽ thấy ở đó sự hồn nhiên, tươi mới và không có chút "cứng nhắc" nào trong cái nhìn về Hà Nội từ họ.
Trong cuộc trò chuyện với TT&VH, nữ họa sĩ Oh Ye Seul chia sẻ về bức tranh vẽ những gánh hàng hoa của mình: “Tôi thích hình ảnh này. Ở Hàn Quốc, người ta gần như chỉ bắt gặp các xe hàng, chứ không có những gánh hàng rong. Một hình ảnh như vậy là đủ để Hà Nội kể câu chuyện riêng của mình, thông qua hội họa".
Còn với các họa sĩ Việt Nam, họ lại có thế mạnh từ những trải nghiệm của họ với một Hà Nội theo năm tháng, ở ngay khu vực Phùng Hưng và chợ hoa Hàng Đậu cũ. Bởi thế, trong 11 tác phẩm của Việt Nam, một số bức bích họa đã được thiết kế theo không gian 3 chiều để tạo sự tương tác với người xem – nghĩa là có bóng dáng của một tác phẩm sắp đặt, chứ không dừng ở một bức “tranh tường” thông thường.
Chẳng hạn, với Trần Hậu Yên Thế, từ những tư liệu từng có về ngôi nhà số 73 Phùng Hưng (hiện tại đã qua nhiều lần sửa chữa), anh dựng lại hình ảnh về ngôi nhà cũ này trong ký ức, với với chiếc cửa thật được làm lại theo hình dáng cũ, với hình ảnh về bó rau muống nhặt dở ở bẩu cửa và những đứa trẻ con thời bao cấp lấp ló sau tấm rèm...
Hoặc, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đóng góp vào “phố bích họa” bằng phần sắp đặt với mô hình máy nước công cộng, gợi cho người xem nhớ lại “nguyên mẫu” máy nước công cộng ở đây, từng giữ vị trí vô cùng quan trọng với người dân phố Phùng Hưng trong thời bao cấp. Còn họa sĩ Dương Mạnh Quyết lại có tác phẩm Kim vàng giọt lệ với mô hình của một chiếc xe máy thật. Như lời anh,, Phùng Hưng trước đây là chợ xe máy đầu tiên của Hà Nội, và người xem cần được trở về quá khứ, với giấc mơ mua được một chiếc xe Honda cũ cho mình…
Đánh thức ký ức của Hà Nội
Khai mạc ngày 2/2/2018, ngay trước Tết Nguyên đán, phố bích họa Phùng Hưng lập tức trở thành một điểm đến đặc biệt. Đặt gần chợ Đồng Xuân và phố Hàng Đậu - khu vực trung tâm của Tết Nguyên đán với Hà Nội cũ, không có gì lạ khi gần 20 bức bích họa ấy lại khiến người xem hào hứng và trầm trồ.
Và, kể cả những ngày dài từ đó tới nay, khu vực này vẫn luôn thu hút du khách trong nước và cả quốc tế. Như những gì được chia sẻ qua dư luận, đã có những du khách nước ngoài nhận xét rằng những gì đang diễn ra ở Phùng Hưng làm họ liên tưởng tới làng Gamcheon (Hàn Quốc) – nơi mà bích họa đường phố đã trở thành “đặc sản” và là biểu trưng của du lịch.
Thực chất, việc sử dụng bích họa để làm đẹp đô thị (và cả các vùng làng quê) đã bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam trong những năm qua. Thế nhưng, không thể phủ nhận, phố bích họa Phùng Hưng vẫn là một trường hợp đặc biệt thành công. Bởi, như nhận xét chung, thực chất bích họa cũng như các sản phẩm du lịch khác, chỉ có thể cuốn hút du khách khi kết nối với văn hóa bản địa, với vùng đất và con người nơi nó tồn tại. Và nó càng có giá trị hơn khi chạm tới những gì thuộc về lịch sử và ký ức.
Mà ký ức thì Hà Nội và những vòm cầu đá trăm tuổi tại Phùng Hưng không thiếu, với chiều dài thời gian mà nó đã khoác lên mình. Trong tương lai, đoạn phố ấy sẽ được kéo dài hơn – và không chỉ có bích họa – khi toàn bộ 171 vòm cầu cạn từ Phùng Hưng tới chân cầu Long Biên đã được lên kế hoạch tái thiết để trở thành không gian nghệ thuật phục vụ cộng đồng.
Cách “nối dài ký ức” bằng việc thay đổi công năng, phủ lên lớp áo thời gian những màu sắc mới để làm cầu nối giữa quá khứ với cuộc sống hiện đại , như đang diễn ra tại phố bích họa Phùng Hưng, khiến người ta thêm tin rằng Hà Nội còn rất nhiều không gian cần sớm được đánh thức.
Đề cử hạng mục Việc làm – Vì tình yêu Hà Nội 2018
1. Dự án về Phố bích họa Phùng Hưng, do UBND Quận Hoàn Kiếm, quỹ Korea Foundation và chương trình UN – Habitat phối hợp thực hiện
2. NXB Trẻ lập tủ sách “Hà Nội trong mắt một người” mở đầu bằng 4 tập tản văn của Đỗ Phấn.
3. Việc hiến tặng 2 mỏ neo cổ cho bảo tàng Hà Nội của ông Quách Văn Địch
4.Tour tham quan Hà Nội bằng xe buýt 2 tầng của Transerco
|
Lễ trao Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 11 năm 2018 dự kiến diễn ra vào ngày Thứ Ba, 28/8/2018 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. |
Cúc Đường
Đã thành thông lệ, mỗi năm, giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 10 do báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) tổ chức lại diễn ra như một cột mốc để tôn vinh những tấm lòng vì Hà Nội và yêu Hà Nội.