Họa sĩ Văn Dương Thành: Từ nàng thơ đến 'cầu nối' 3 thế hệ hội họa Bùi Xuân Phái

Thứ Tư, 7/10/2020, 11:12 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Có người từng ví mối quan hệ của Bùi Xuân Phái với Văn Dương Thành cũng như Trịnh Công Sơn với Khánh Ly. Nếu Khánh Ly là “bóng hồng” trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn thì Văn Dương Thành là “nàng thơ” trong tranh Bùi Xuân Phái. Chỉ biết rằng vượt lên những thứ tình cảm đơn thuần là tình nghệ sĩ tri kỷ “đồng thanh tương ứng”, là tình thầy trò đáng kính bền lâu. Và cho đến nay khi trở thành một họa sĩ tài danh, có tranh tại 16 bảo tàng mỹ thuật quốc tế, Văn Dương Thành vẫn tiếp tục truyền đi tình yêu, sự trân trọng người họa sĩ bậc thầy đến với học trò của mình, viết lên hành trình ảnh hưởng hội họa Bùi Xuân Phái trải dài qua 3 thế hệ.

Cánh cửa xưa Hà Nội trong tranh của Văn Dương Thành

Cánh cửa xưa Hà Nội trong tranh của Văn Dương Thành

Hà Nội 4 mùa và những cánh cửa, cổng xưa là những hình ảnh mới nhất trong triển lãm tranh sơn dầu mà họa sĩ Văn Dương Thành sẽ ra mắt công chúng từ ngày 9/5 tại xưởng vẽ White Lotus, 210 Nghi Tàm, Hà Nội.

Trong khuôn khổ của Lễ trao Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 13 - 2020 sẽ có một triển lãm những bức tranh ký họa của Bùi Xuân Phái do họa sĩ Văn Dương Thành tuyển chọn, giới thiệu từ bộ sưu tập của mình, cùng những tranh vẽ chân dung Bùi Xuân Phái của chị và các học trò. Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 11/10/2020 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

21 năm thâm tình từ cuộc hạnh ngộ

Thuở 12 tuổi, khi mới chập chững vào trường Mỹ thuật, lại vốn là người yêu thích văn chương nên Văn Dương Thành rất chú ý đến tờ Văn nghệ. Tờ báo khi ấy phát hành rất ít, được đón đọc nên giá một tờ cũng không phải rẻ. Và cũng nhờ chính tờ báo này mà Văn Dương Thành biết đến tranh của những bậc thầy hội họa Việt Nam khi ấy qua minh họa. Mới lần đầu thấy tranh của những họa sĩ trên báo Văn nghệ, chỉ minh họa thôi nhưng cũng đủ để khiến cô học sinh trường Mỹ thuật lập tức mê ngay. Vì quá ngưỡng mộ nên cô thường xuyên nhịn ăn sáng để mua báo, sưu tập minh họa.

Nữ họa sĩ kể: “Khi tôi thấy những minh họa của Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng,… tôi quá ngưỡng mộ. Tôi đã để dành tiền ăn sáng là 5 xu để mua tờ báo Văn nghệ. Đọc báo xong thì cắt những minh họa của các thầy dán vào một quyển giấy báo để làm kỉ niệm”.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ khoảng 300 bức tranh về Văn Dương Thành. Ảnh: Trần Chính Nghĩa

Là một học sinh mới bước chân vào trường mỹ thuật, cô bé mồ côi cha, Văn Dương Thành ngày nào, chưa bao giờ có ý nghĩ là có cơ hội được gặp những bậc thầy của nền hội họa Việt Nam lúc bấy giờ. Thế nhưng đời người luôn có những cuộc gặp hệt như một chữ duyên định mệnh. “Năm tôi 17 tuổi, một buổi chiều tình cờ, anh của tôi, Tiến sĩ toán học Văn Ảnh ở Nga về, có dẫn đến chơi nhà một người bạn. Tại cuộc gặp đó, tôi thấy có một người gầy gò, mũi cao, mặt hốc hác, xanh xao nhưng đôi mắt sáng rực, rất đẹp như đôi mắt của Van Gogh vậy. Tôi biết ngay đó là Bùi Xuân Phái. Tôi chào và gọi rõ tên ông, ông hỏi: “Thế sao cháu lại biết bác?”. Tôi thật thà trả lời: “Tại vì cháu nhịn ăn sáng mua báo Văn nghệ, cháu cắt những minh họa của bác và các bạn bác để sưu tập, cháu rất là thích”.

Sau mọi người cũng giới thiệu tôi là học sinh trường mỹ thuật hệ 12 năm. Họa sĩ Bùi Xuân Phái nghe đến đây ông im lặng, ông không nói một câu nào, một thoáng im lặng, rất cảm động, mắt ông long lanh nước mắt. Khi ấy ông rất nghèo, ông cũng không có việc làm, gia đình ông 7 người ở trong một căn phòng 25m2, rất vất vả. Vậy mà, ông không ngờ là có một học sinh trường mỹ thuật ngưỡng mộ ông đến mức nhịn ăn để mua tờ báo có minh họa của ông. Từ giây phút ấy đến khi ông qua đời là 21 năm. Bác cháu lúc nào cũng vô cùng kính trọng, vô cùng yêu mến và sau này ngoài cha tôi, ảnh hưởng của Bùi Xuân Phái cũng rất sâu rộng đối với cuộc đời và sự nghiệp của tôi” - họa sĩ Văn Dương Thành tâm sự.

“Kể từ cuộc gặp tình cờ vào năm 1967, tôi luôn coi mình là học trò của họa sĩ Bùi Xuân Phái, mặc dù chưa một ngày nào đến lớp của thầy, bởi khi tôi vào trường thầy đã thôi việc. Tôi luôn coi họa sĩ Bùi Xuân Phái là người thầy tinh thần. Bởi bao nhiêu kỹ thuật vẽ tranh, phối màu, cách nhìn nghệ thuật, cả cách nhìn cuộc sống, thái độ sống của người nghệ sĩ, nghị lực của người họa sĩ để dấn thân vào hội họa như dấn thân vào một lý tưởng đã lựa chọn, đem cả cuộc đời cho lý tưởng đó,… thì tất cả tôi học được ở thầy Bùi Xuân Phái. Tôi luôn trân trọng những điều đó”.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Văn Dương Thành đến nay đã vẽ khoảng 100 bức tranh chân dung danh họa Bùi Xuân Phái 

Trong Văn Dương Thành luôn giữ một tình cảm trân trọng đặc biệt dành cho họa sĩ Bùi Xuân Phái, cả trong nghệ thuật lẫn ngoài đời sống. Nữ họa sĩ kể mỗi khi bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua tranh (bảo tàng mua tranh của họa sĩ Văn Dương Thành từ năm 1974), cô thường dùng số tiền đó mua thuốc uống, nửa cân đường, chục quả trứng, một cân gạo, bao thuốc lá “sang trọng là Tam Đảo, bình dân là Trường Sơn” để biếu “bác Phái”. Hẳn quà biếu người thầy đáng kính của mình được Văn Dương Thành mua thường xuyên hay chăng đến nỗi mà “bà Phái” nhìn là biết ngay: “Đây lại là cô Văn Dương Thành đây. Quý hóa quá!”.

Sự thân thiết của họa sĩ Văn Dương Thành với “bác Phái” bao nhiêu thì tình cảm gắn bó với gia đình của danh họa cũng bấy nhiêu. “Đối với gia đình, từ ngày quen biết bác Phái khi còn là học sinh cho đến khi bác qua đời, cả năm người con của bác đều là bạn thân của tôi.

Còn vợ bác Phái (bà Sính) thì như người mẹ, vô cùng thương mến tôi. Bác gái thường đan len bằng tay thành mũ, áo ấm gửi cho tôi khi ở châu Âu. Nhớ hồi tôi còn đi học, có hôm đến thăm, bác Phái thì đi uống cà phê với bác Nguyễn Tuân, tôi vào chơi, bác gái dọn cơm, cả nhà cùng ăn cơm, bác gái bảo: “Cô Văn Dương Thành vào đây ăn cơm với bác”, thế là tôi ngồi lại ăn cơm cùng gia đình. Mùng 2 Tết, bà Phái thường làm một nồi măng khô nấu cực kỳ ngon ngọt và thơm, nhà nghèo mấy cũng có nồi măng khô, khi ấy bao giờ bà cũng mời tôi đến nhà ăn Tết cùng với gia đình. Có khi, tôi hay bị ho, bà Phái làm mứt mận, mứt đào, mứt mơ đóng thành lọ gửi cho tôi, bà thường bảo: “Làm cho cô Văn Dương Thành, cô hay bị ho”. Đó là cử chỉ của người mẹ khiến tôi rất cảm động. Các con của bác Phái cũng thường kể: “Bố em vẽ người nọ người kia, mẹ em chẳng cho treo, chỉ có mỗi chị Văn Dương Thành là treo khắp nhà”. Nghe câu đấy vừa vui cũng vừa buồn cười” – họa sĩ Văn Dương Thành nhớ lại.

Chú thích ảnh
Thế hệ học trò của họa sĩ Văn Dương Thành vẽ Bùi Xuân Phái, tranh của họa sĩ nhí Nguyễn Linh Chi (trái) và Nguyễn Quang Minh

Mối thâm tình của họa sĩ Văn Dương Thành với gia đình Bùi Xuân Phái được gìn giữ bền lâu ngay cả khi họa sĩ Bùi Xuân Phái qua đời. Nữ họa sĩ kể sau khi “bác Phái” mất, hằng năm cô vẫn đều đặn qua thăm bà Phái, đến gia đình chúc Tết. Và mỗi khi có triển lãm thành công ở xa thì thôi còn nếu ở gần nữ họa sĩ đều đem đến cho bà Phái một món quà, thường là một chiếc áo dài gấm hoặc món quà để chăm sóc sức khỏe. Thói quen đó được họa sĩ Văn Dương Thành duy trì cho đến tận hôm nay, đã hơn 30 năm từ ngày họa sĩ Bùi Xuân Phái mất. Thế mới thấy một tình nghĩa thầy trò cao đẹp đến nhường nào. Một sự kính mến thực sự và sâu sắc mà Văn Dương Thành dành cho người thầy đáng kính của mình – họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Vẽ “nàng thơ” bằng tưởng tượng

Bên cạnh dòng tranh Phố, họa sĩ Bùi Xuân Phái còn ghi đậm dấu ấn với những tác phẩm vẽ chân dung. Tranh chân dung của Bùi Xuân Phái có vô vàn kiểu mẫu người khác nhau. Bởi theo lời kể của họa sĩ Văn Dương Thành, “bác Phái gặp bất kỳ ai đều vẽ. Ông ngồi đâu cũng vẽ, không có người thì ông vẽ cái cây, cái lá, cái cốc, cái chén chứ không bao giờ ngồi im”. Và nói riêng về người mẫu trong tranh của Bùi Xuân Phái thì có không hề ít. Thế nhưng để gọi là “nàng thơ” thì chỉ có một. Đó là Văn Dương Thành.

Người ta gọi Văn Dương Thành là “nàng thơ” trong tranh Bùi Xuân Phái có lẽ là hoàn toàn chính xác. Vì thực tế “kể từ khi gặp bác Phái năm tôi 17 tuổi cho khi bác Phái qua đời vào năm 1988, có khoảng 300 bức ký họa và khoảng 20 bức tranh sơn dầu cỡ lớn vẽ Văn Dương Thành. Phần lớn những bức tranh đó được tôi giữ, mua ngay sau khi ông vẽ hoặc một số mua sau đó và cả được tặng. Đến nay tôi cũng giữ được khá nhiều và tranh cũng đi vào rất nhiều bộ sưu tập lớn của thế giới ở các Viện bảo tàng quốc gia của Pháp, Singapore, Thụy Điển,…” Họa sĩ Văn Dương Thành cho biết cô không giữ hết tranh “bác Phái” vẽ mình, còn rất nhiều người khác giữ. Thế nhưng việc sở hữu tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ Văn Dương Thành theo nữ họa sĩ là tương đối ổn định từ khi danh họa vẽ cô. Bởi “ông đặt bút ký xong là tôi mua luôn hoặc ông tặng”.

Chú thích ảnh

“Trước khi bác Phái mất một năm, tôi có mời ông bà Phái đến nhà chơi và trao lại ba bức tranh khổ 1m vẽ tôi, trao lại cho gia đình. Tôi nói: “Cháu đã giữ chừng ấy năm rồi và bây giờ cháu xin trao lại cho hai bác”. Nói xong, hai bác rất là vui. Sau này bác mất, gia đình nhượng lại cho GS Đặng Tiến ở Pháp” – họa sĩ Văn Dương Thành kể.

Nhiều người thường nhầm tưởng, Văn Dương Thành ngồi làm mẫu cho hết thảy những bức tranh chân dung của họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ cô. Thế nhưng phần nhiều trong số đó là vẽ “nàng thơ” bằng tưởng tượng. Họa sĩ Văn Dương Thành cho biết: “Không phải tôi ngồi mẫu, ngồi mẫu rất ít. Có khoảng 4 – 5 lần tôi mặc áo dài ngồi mẫu cho bác Phái vẽ. Nhiều khi tôi ở nước ngoài, bác vẫn vẽ những bức tranh rất đẹp. Nếu bình thường, ngồi chơi uống nước, đang đi ngoài đường, đang thăm bác Nghiêm, đang thăm bác Nguyễn Tuân hay là đang ngồi chơi nhà bác thì cứ thế bác vẽ. Chủ yếu bác Phái vẽ tôi trong tưởng tượng cũng như bây giờ tôi đâu có phải nhìn bác Phái để vẽ. Tôi có thể vẽ mà không một bức tranh nào lặp lại hình dáng của bác Phái. Mỗi bức tranh là một phong thái của Phái, tôi có thể vẽ được và vẽ mãi mãi được. Có lẽ bác vẽ tôi cũng vậy. 21 năm thân quen, bác nhìn thấy hình ảnh của tôi, nét mặt của tôi mà bác thuộc cho nên bác nhắm mắt cũng có thể vẽ ra được”.

Có người nói Bùi Xuân Phái thích vẽ Văn Dương Thành, nữ họa sĩ không phủ nhận, cô lý giải: “Đó là vì chính tôi cũng là họa sĩ. Tôi tôn trọng sự sáng tạo và sự thể hiện cái nhìn tâm hồn của ông nên tôi không bao giờ bình phẩm hoặc khen chê những bức tranh mà ông đã vẽ tôi. Tôi hiểu được rằng người họa sĩ không muốn bị gò bó trong sự sáng tạo của mình, người họa sĩ vẽ cho mình còn người mẫu chỉ là cái cớ để thể hiện cảm xúc”.

Cũng theo nữ họa sĩ đó là sự đồng cảm, sự hiểu nghề vẽ, hiểu được tâm lý người họa sĩ làm cho họa sĩ rất thoải mái. Hơn hết là tâm hồn đồng điệu giữa các nghệ sĩ với nhau.

(Còn nữa)

Thái Gia Khánh

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến