Ca sĩ của Năm: Nóng bỏng trên "đường đua" (Bài kết)

Thứ Ba, 22/3/2011, 8:1 (GMT+7)

(TT&VH Cuối tuần) - Đã thành thông lệ, hạng mục giải thưởng Ca sĩ của năm giải Cống hiến bao giờ cũng thu hút sự quan tâm nhiều nhất của dư luận và công chúng. Năm nay, sự có mặt của một “diva” hàng đầu cùng một giọng hát “mới toanh” cùng “ba chàng ngự lâm pháo thủ” của nhạc Việt hiện nay ở cùng một hạng mục đề cử tạo nên một “thế trận” hết sức “gay cấn” nhưng cũng đầy thú vị. Nằm ngoài sự đánh giá cảm tính, các nhạc sĩ - những nhà sản xuất âm nhạc chuyên nghiệp nhận định ra sao về các ứng cử viên danh hiệu Ca sĩ của năm 2010?

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn: Thanh Lam hành động thay vì phán xét

Bản thân cái tên Thanh Lam cũng nói lên được rất nhiều thứ. Với tôi, cô là một ca sĩ thực sự: chuyên nghiệp, khổ luyện và tìm tòi không ngừng. Năm 2010, nhìn Thanh Lam từ nhiều hướng, mà đặc biệt từ chương trình Yêu (cùng Tùng Dương), thấy những điều tôi nghĩ về Lam vẫn luôn chính xác. Thành thật mà nói, tôi phải cảm ơn Thanh Lam, Tùng Dương và hòa âm Trần Mạnh Hùng vì đã làm nên một chương trình rất hay và ý nghĩa. Hay, ở chỗ Thanh Lam và Tùng Dương đã đưa một không gian âm nhạc cũ trở lại với dáng vẻ mới, trịnh trọng và đầy chất lượng, đưa một hơi thở rất sang trọng vào những bản tình cũ. Điều tôi thích nhất ở Lam là tính chuyên nghiệp rất cao. Như ở Yêu, Lam luôn khắt khe trong những việc như chọn bài, âm thanh, ánh sáng. Lam muốn khi đã cất tiếng hát thì mọi thứ xung quanh cũng phải chuyên nghiệp như mình. Theo tôi, cá tính ấy rất cần cho nhạc Việt. Những sản phẩm Lam làm, nếu chúng ta nhớ lại, đều thể hiện một Lam cá tính như vậy và tôi nghĩ những sản phẩm ấy hay sự thành công của chương trình Yêu 2010 mới đây hoàn toàn có thể là một tấm gương để các ca sĩ trẻ noi theo.

Năm 2010 tôi để ý thấy trong làng nhạc Việt có nhiều ca sĩ mới nhưng sự đầu tư của họ cho âm nhạc vẫn khá nghiệp dư, nhất là ở khía cạnh chuyên môn. Nhưng trong sự bùng nổ của truyền thông, những điều ấy vẫn có thể khỏa lấp bằng những chiến dịch PR và gây ngộ nhận cho công chúng. Tôi vẫn cứ nghĩ rằng, nhìn vào Thanh Lam sẽ thấy đó là một cá tính luôn muốn vươn lên, luôn muốn tìm tòi thêm những điều mới mẻ trong âm nhạc. Theo tôi đó mới là điều quan trọng. Chỉ số phát triển của âm nhạc không giống với tốc độ tăng trưởng GDP. Âm nhạc đòi hỏi sự đầu tư bài bản, lao động thật sự, nỗ lực thật sự.

Thanh Lam. Ảnh: V.C

Ở Thanh Lam, thay vì ngồi để phán xét hay nhận xét điều gì đấy, thì cô ấy sẽ hành động. Chương trình Yêu cũng là cách để Lam hành động. Chương trình thành công về mặt tài chính, về chất lượng và bản thân chương trình cũng có ý nghĩa thực sự ở khía cạnh từ thiện.

Có khá nhiều người hỏi tôi về những nhân tố mới, về những người sẽ thay thế lớp đàn chị như Thanh Lam, Mỹ Linh hay Trần Thu Hà. Cá nhân tôi thì nghĩ rằng phải 2, 3 thập kỷ nữa mới có ai đó có thể sẽ thay thế được họ còn bây giờ thì không. Đó là 3 giọng hát của khổ luyện và họ đã phải trải luyện rất nhiều để có được như ngày hôm nay. Những nhân tố mới hiện nay mà nhiều người nhắc đến theo tôi đó chỉ mới là những nhân tố ảo được đẩy cao một cách quá mức. Ở vị trí nhà sản xuất tôi nghĩ rằng chẳng thể đánh giá chính xác một giọng hát chỉ qua một vài bài. Chúng ta không thể nói rằng năm nay có một Thanh Lam thì năm sau sẽ có 3 Thanh Lam và năm sau nữa sẽ là 8 Thanh Lam… Chuyện ấy không thể xảy ra.

Nhạc sĩ Anh Quân: Đức Tuấn say nghề như… người nghiện!

Cộng tác làm việc với Đức Tuấn qua một album (Biển bây giờ… mùa Đông - PV), tôi thấy ở Tuấn sự nhiệt tình rất cao mà tôi chưa từng thấy ở những ca sĩ mình đã cộng tác, nhất là những người đã thành danh. Tố chất đó rất quan trọng khi làm một sản phẩm tử tế. Có những ngày vừa thu xong một bài, tôi hứa sẽ gửi bản demo để Tuấn nghe thử nhưng vì bận việc nên chưa gửi được, vậy là cả ngày Tuấn cứ giục tôi cuống quýt từ sáng đến đêm, cho tới khi tôi gửi mới thôi. Tuấn là một trong số hiếm hoi những người muốn thể hiện đẳng cấp, và cậu ấy hướng đến cái cậu ấy cho rằng thế mới là chuyên nghiệp và làm vì bản thân mình thích chứ không tính đến chuyện làm để làm gì. Cậu ấy có sự say mê, khao khát như… người nghiện với nghề nghiệp của mình.

Đức Tuấn. Ảnh: Đại Ngô
Đức Tuấn đang theo đuổi dòng nhạc mà ở Việt Nam còn quá ít người theo, đó là sự dũng cảm vì đã không chạy theo hướng chung mà có riêng một con đường cho dù biết là sẽ khó khăn. Tôi nghĩ Tuấn đi con đường này là hoàn toàn hợp lý với cả sự nghiệp của Tuấn lẫn nền âm nhạc Việt Nam nói chung vì semi-classic là một thể loại không thể thiếu trong con đường của pop.

Tôi chú ý đến Đức Tuấn từ khi cậu ấy hát nhạc kịch, việc này khiến tôi có cái nhìn rất khác về thẩm mỹ âm nhạc của Tuấn, tuy chưa thể nói thẩm mỹ của Tuấn là cực kỳ tinh tế nhưng bước đầu nó cho tôi thấy cậu ấy đã nhận ra cái hay để làm. Nhưng thẩm mỹ là thứ cần phải được bồi dưỡng thường xuyên và phải có ý thức học hỏi hàng ngày chứ không thể tự nhiên có. Tôi đánh giá giọng hát của Tuấn tốt và có sự khác biệt lớn so với các giọng nam hiện nay, tuy nhiên thẩm mỹ sẽ chi phối cách hát và, như tôi đã nói, thẩm mỹ phải được trau dồi thường xuyên. Có thẩm mỹ thì mới có được nhạc cảm sâu - cái mà Tuấn đang cần.

Nhạc sĩ Huy Tuấn/Quốc Trung: Uyên Linh: Không bình luận

Một người là giám khảo “được yêu thích nhất” ở cuộc thi Thần tượng Việt Nam (Vietnam Idol), một người là đạo diễn âm nhạc cũng ở cuộc thi ấy, cả hai đã “đi cùng” Uyên Linh từ khi cô mới bước vào cuộc chơi đến lúc đăng quang và một trong hai người sẽ cùng Uyên Linh đi tiếp một chặng đường âm nhạc sắp tới. Vì nhiều lý do, cả hai đều “thoái thác” đề nghị của TT&VH Cuối tuần bình luận về hiện tượng của cuộc thi Thần tượng Việt Nam năm nay. Nhưng những ai theo dõi sự kiện ca hát này cũng như quan tâm tới hiện tượng Uyên Linh chắc hẳn vẫn còn nhớ:

Uyên Linh. Ảnh: V.C

Nhạc sĩ Huy Tuấn:

- Uyên Linh có lẽ không cần cuộc thi này (Vietnam Idol - PV) nữa, vì cô ấy đã ổn định và là người hát tốt nhất. Tôi nghĩ nếu không có cuộc thi này cô ấy vẫn có thể thành công và trở nên nổi tiếng. (Báo Cảnh sát toàn cầu)

Nhạc sĩ Quốc Trung:

- Người ta có thể đào tạo được kỹ thuật thanh nhạc, chứ không đào tạo được thẩm mỹ âm nhạc và tâm hồn nghệ sĩ. Mà em, dù không được đào tạo bài bản nhưng lại có cả hai thứ đó. (Nhận xét phần trình diễn bài Cám ơn tình yêu của Uyên Linh trong Vietnam Idol 2010)

- Cách đây không lâu tôi đã trả lời phỏng vấn về cuộc thi Idol, họ có hỏi tôi về vấn đề sản xuất cho ca sĩ, tôi nói là: Từ lâu tôi không còn hứng thú để làm việc với các ca sĩ nữa. Nhưng mà sau khi em hát, tôi nghĩ tôi sẽ rút lại câu nói đó. (Chương trình Vietnam Idol)

- Hôm nay em hát làm tôi phát hiện ra, đôi khi sexy người ta không cần phải nhìn. (Nhận xét sau khi Uyên Linh hát bài Đường cong tại Vietnam Idol)

- Nhạc cảm luôn là điều tôi đánh giá cao ở Uyên Linh cũng như với một ca sĩ, trên bước đường chinh phục khán giả. Một người hát dù được đào tạo bài bản đến đâu chăng nữa, nhưng nếu thiếu cá tính âm nhạc, thiếu tính nghệ sĩ, thì cũng chỉ bị đóng trong một cái khuôn chung mà thôi - như chúng ta vẫn thường thấy tại các hội diễn ca - múa nhạc của các đoàn nghệ thuật nhà nước. Lẽ dĩ nhiên, chỉ mỗi nhạc cảm thôi chưa đủ. Uyên Linh còn cần phải học thêm nhiều thứ, bởi ở Linh còn rất nhiều hạn chế cần khắc phục, chẳng hạn như vấn đề kỹ thuật. Có được điều ấy, cộng với nhạc cảm và gu thẩm mỹ tương đối văn minh sẵn có, chắc chắn, “thần tượng” của chúng ta còn có thể đi nhanh hơn. (Báo Lao Động).

Cung Tuy - Huyền Thơ (thực hiện)

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 321/GP-BTTTT ngày 15/06/2016 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến