(Thethaovanhoa.vn) - Không phải chất lượng chuyên môn, chất lượng mặt sân hay chất lượng... trọng tài, mà khán đài các SVĐ chính là điểm sáng, là yếu tố quan trọng bậc nhất giúp cho V-League 2018 khởi đi với nhiều tín hiệu lạc quan.
Từ Pleiku ra Tam Kỳ, ngược Thiên Trường, Cẩm Phả, rồi Hàng Đẫy, CĐV là nét chấm phá độc đáo, với bầu không khí lễ hội được tạo nên trong 2 ngày cuối tuần.
Người ta nhắc nhiều đến hiệu ứng mà đội tuyển U23 Việt Nam mang lại, sau VCK U23 châu Á, với các cầu thủ trở về trong tâm thế những người hùng và được chào đón. Điều này là có cơ sở và bóng đá cần nhiều hơn những người hùng được xây dựng hình ảnh, những “gói kích cầu” như U23 Việt Nam, trong chiến dịch hướng đến sự phát triển bền vững.
Ở nước ta, nếu không phải các CLB thuần bản địa như SLNA, Hải Phòng, Than Quảng Ninh hay tân binh Nam Định, CĐV thường chỉ cổ vũ cho các ĐTQG. Nhiều CLB ở V-League, thậm chí chỉ có một nhúm người hâm mộ được... thuê mướn. Các ĐTQG lại không thường xuyên thi đấu và không phải lúc nào cũng đá hay, đá đẹp, không phải lúc nào cũng giành chiến thắng..., nên những nghi ngờ về cơn sốt ảo khán giả không phải không có lý do.
Dù sao thì 5/7 trận đấu ở vòng 1 V-League 2018, khán giả đã đến sân, với bầu không khí khá hồ hởi trên khán đài. Việc duy trì được điều này hay không phụ thuộc vào chính các đội bóng và nhà tổ chức. Khán giả, hay tốt hơn là các Hội CĐV chính thức, là thước đo sát sườn nhất cho chất lượng và các giá trị hình ảnh, thương mại của mọi cuộc chơi bóng đá. Từ nhiều năm qua, V-League chưa bán được giá cao bởi một lẽ giản đơn các khán đài luôn trống vắng.
Tại sao phải phân loại giữa khán giả và Hội CĐV?! Bởi khán giả vì tò mò hay theo phong trào, bị dụ dỗ..., mà đến sân, chỉ ngồi xem bóng đá và thi thoảng ồ lên một tiếng, trong khi CĐV là đội ngũ cổ động thực sự, yêu và cháy hết mình. Đội ngũ này giúp cho các khán đài trở nên “động” hơn và bầu không khí bóng đá cũng nóng hơn. Văn hoá cổ động ở V-League nói chung chưa đồng bộ và đồng đều về chất lượng cổ vũ. Về mặt cổ động, các Hội nhóm CĐV của SLNA quả thật rất ấn tượng trong nhiều năm.
Vẫn còn một ít sạn ở lượt trận mở màn V-League 2018. Ví như mặt sân Pleiku được chọn để làm lễ khai mạc không đảm bảo chất lượng, “những đứa trẻ nhà bầu Đức” cũng không đá hay hơn khi BLV nhà đài hô tên họ to hơn, khen họ nhiều hơn đối thủ B.Bình Dương; sân Tam Kỳ, trọng tài Hoàng Anh Tuấn xé vụn trận đấu bằng quá nhiều những tiếng còi đôi khi là không cần thiết theo kiểu... tỏ ra nguy hiểm quá.
Hà Nội đã giành chiến thắng 1-0 trước Hải Phòng ở vòng 1 V-League 2018 nhờ bàn thắng của Văn Đại.
Nếu cứ tập trung vào những chấm đen trên trang giấy, những hạt sạn của bữa tiệc, ví như chất lượng hình ảnh truyền đi từ sân Thiên Trường..., chúng ta sẽ không thấy được những tích cực, những nỗ lực của nhà tổ chức, của các đội bóng và của cả những khán giả. Khán giả có thể đến sân theo phong trào, chưa thuộc tên cầu thủ, chưa biết cổ vũ - cổ động, nhưng rồi từ từ họ sẽ quen. Cuộc đời, ai không có những lần đầu tiên?
Về cơ bản, khúc dạo đầu V-League 2018 như thế là rất lạc quan rồi. Muốn tiến tới sự hoàn hảo, dù chỉ trong khoảnh khắc hay nút thắt nào đó, là điều rất khó. Giải đấu chưa hoàn hảo, đấy là chúng ta còn có thể nâng cấp nó. Không phải trận đấu nào cũng được như cuộc đối đầu Hà Nội - Hải Phòng ở Hàng Đẫy: Đẹp từ các khán đài xuống mặt sân, với chất lượng chuyên môn cao.
Tùy Phong