Vì sao U23 Việt Nam thành 'bệnh viện dã chiến'?

Thứ Sáu, 11/12/2015, 11:23 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Trả lời câu hỏi tại sao và như thế nào, danh sách chấn thương ở U23 Việt Nam ngày một dài, HLV Toshiya Miura ra cho rằng vấn đề y tế ở CLB khá cẩu thả?! “Nhiều cầu thủ trước khi lên tập trung các ĐTQG đã có tiền sử chấn thương hoặc đang chấn thương”, HLV trưởng người Nhật Bản chia sẻ.

Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Cũng đã có những giả thiết về giáo án tập luyện của thầy ngoại chưa thật phù hợp với cơ địa cầu thủ Việt Nam, hoặc nữa, chất lượng mặt cỏ - sân bãi tập luyện quá tệ…, xem chừng mới là nguyên nhân chính.

Mặt sân quá tệ

Các ĐTQG dưới thời HLV Toshiya Miura chủ yếu tập luyện trên sân tập của Trung tâm đào tạo trẻ VFF, xen kẽ đó là các buổi tập ở Trung tâm Viettel. Trước đó, trong các chuyến tập huấn phía Nam, VFF thường “chọn” Bình Dương làm điểm đến. So về chất lượng mặt cỏ, Trung tâm Viettel có vẻ ổn hơn nhiều so với Trung tâm của VFF hay B.Bình Dương. Trong khi B.Bình Dương miễn phí hoàn toàn cho ĐTQG, thì Trung tâm VFF do chưa biết sử dụng vào mục đích gì cho hiệu quả, nên tạm thời được chọn là nơi hội quân của ĐT. Nhưng cái gì cũng có giá của nó.

Trong số các hạng mục cơ sở hạ tầng, đồng bộ với sự phát triển của bóng đá, thì hệ thống – chất lượng mặt cỏ sân tập và sân thi đấu giữ vai trò chủ đạo, bên cạnh phòng tập gym, hồ bơi, bể tắm thuỷ lực, các chế độ massage hồi phục… Nếu một đội bóng chỉ tập luyện, rồi thi đấu trên hệ thống các sân bóng như mặt ruộng, chúng ta khó thể tìm thấy một thứ bóng đá tử tế, đẳng cấp. Và ngoài ra, nó còn tiềm ẩn mối nguy hại rất lớn: Các ca chấn thương. Từ Trung tâm Huấn luyện TTQG Nhổn, đến Mỹ Đình, VFF,… các ĐTQG đã phải “sống chung với lũ” vì thế.

Các ca chấn thương là điều không ai muốn, nhưng lại khó tránh trong thi đấu, vì bóng đá vốn là môn nặng tính đối kháng. Nhưng nếu nó xảy ra trong tập luyện, bởi hệ thống sân bãi quá tệ hoặc các chế độ chăm sóc sức khoẻ VĐV chưa tốt, thì điều này thật đáng trách.

Sân tập của VFF vốn dĩ đã và đang ở tình trạng quá tải, nhiều chỗ cỏ không kịp mọc, ổ gà - ổ voi nhan nhản, hỏi có đủ tốt cho ĐTQG tập luyện không? Nói đến đây, lại nhớ đến sân Lạch Tray của Hải Phòng, mùa đông đất trơ ra như đám ruộng nhưng vẫn… đạt chuẩn.

U23 Việt Nam: Cựu binh kém hơn tân binh?

U23 Việt Nam: Cựu binh kém hơn tân binh?

HLV Toshiya Miura đã gọi 7 tân binh lên U23 Việt Nam trong đợt tập trung này. Chỉ duy nhất Lâm Ti Phông đang dính chấn thương.


Cải thiện hoặc không gì cả

Đã và luôn cần những so sánh để thấy sự khác biệt. Và người Thái luôn khác biệt so với chúng ta, từ những điều tưởng chừng rất đơn giản mà nếu bắt chước được thì tốt quá. “Tôi không rành về chuyên môn lắm, nhưng bạn thấy mặt cỏ sân thi đấu chính và hệ thống 6 sân tập của SCG Muang Thong United rồi đấy. Tất cả phải đạt chuẩn, rồi mới hy vọng có thể đem lại thứ bóng đá đẳng cấp. Tập luyện ở Trung tâm Kirin Valley của chúng tôi, các ĐTQG Thái Lan không có bất cứ phàn nàn nào cả”, Phó GĐ phụ trách truyền thông của SCG, Chaitath Tongsalee, chia sẻ.

Trên thực tế, các ĐTQG Thái Lan không chỉ có mỗi Trung tâm Kirin Valley để rèn quân, họ vẫn thường xuyên chọn Phayao và Ratchasima ở miền Bắc, nơi có núi non và khí hậu mát mẻ, đóng quân. “Chúng tôi có những địa điểm lý tưởng để đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho đội bóng tập luyện. Ưu tiên số 1 phải là chất lượng sân bãi, bởi nó sẽ hạn chế đáng kể các ca chấn thương và nếu bạn tập trên mặt cỏ tốt, sẽ dễ dàng triển khai các ý đồ về chiến thuật hơn, đường bóng chính xác hơn”, trợ lý HLV số 2 của Kiatisuk Senamuang tại U23 Thái, Apisit Kaikaew, nói.

Ngoài ra, Supachalasai, SVĐ QG cũ của Thái Lan, cũng là địa chỉ quen thuộc để các ĐTQG Thái Lan tập trận (2 sân tập và 1 sân thi đấu), bên cạnh sân đấu chính Rajamangala. Cơ sở hạ tầng phục vụ các ĐTQG Việt Nam tuy chưa thể so với chúng bạn, nhưng như thế cũng là khá hoàn thiện rồi. Vấn đề còn lại với VFF là cải thiện, nâng cấp chất lượng dịch vụ và phục vụ, mới hy vọng bóng đá phát triển, bằng không thì…

1. Năm 2008, HLV Henrique Calisto quyết định chọn Trung tâm Thành Long, TP.HCM, làm nơi đóng quân và tập trận cho ĐT Việt Nam, trước khi chúng ta trở thành nhà vô địch AFF Cup năm đó. Trước đó, ông thầy người Bồ cũng từng đem quân lên Hàm Rồng tập huấn một thời gian. Hàm Rồng được xem là có mặt cỏ (3 sân tập đạt chuẩn) tốt nhất Việt Nam, trong khi Thành Long có đến 6 sân tập và nhà thi đấu.

2. Để chuẩn bị cho kỳ AFF Cup 2010 trên sân nhà, ĐT Việt Nam chủ yếu đóng quân tại Mỹ Đình và đến vòng bán kết với Malaysia, chúng ta cụt gần phân nửa đội hình chính vì chấn thương, trước khi chịu thất bại 0-2 chung cuộc. Trước đó, cựu HLV Calisto từng phát biểu, khi nào các ĐTQG Việt Nam còn tập trung tại Trung tâm Huấn luyện TTQG Nhổn, Hà Nội, đội bóng đừng mong tiến bộ.

3. Trung tâm Đào tạo trẻ thuộc VFF, địa điểm tập luyện chính của các ĐTQG có 3 sân tập, trong đó có một sân mặt cỏ nhân tạo do FIFA đầu tư xây cất, có thể nói là đạt chuẩn, nhưng thường xuyên các đội bóng chỉ tập trên sân tập số 1, vốn dĩ rất xập xệ vì quá tải và không được chăm sóc thường xuyên.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

cấn văn lợi  (12/12/2015 10:32:34)
vanloicanvan@gmail.com
hl kiểu mura la sai phương pháp.tập như vậy thì dù các cầu thủ không bị chấn thương nhưng lúc bươc vào đá thật thì còn đâu sức mà đá.nói thật về thể lưc và chuyên môn thì các cầu thủ đã được tập luyện từ nhỏ rồi nên không cần tập nhiều nữa.thẳng thắn mà nói mura đang phá hoại nền bóng đá vn.chọn nhiều cầu thủ thiếu kỹ thuật và chơi bóng kiểu cho đủ cầu thủ trên sân.thì làm sao mà hay được.
Lê Hoàng  (11/12/2015 09:00:44)
hoangle.tt@gmail.com
Kiếm sĩ Samurai có khác Một khi đã ra tay thì đối thủ đối tượng dính đòn bị trọng thương hết Chíu chíu chíu
vit lông  (11/12/2015 04:33:42)
moso05@yahoo.com
sao kỳ quá xe tôi chạy 20 năm nay có hư gì đâu mà mới cho bạn mượn mới 1 ngày thì bị hư ?tại bạn không biết xài xe
long  (11/12/2015 03:17:57)
long@yahoo.com
Ông Kudo nầy hình như làm việc không hiệu quả bằng ông Hiro. Lúc ông Miura hợp tác với ông Hiro thì cầu thủ được áp dụng nhiều phương pháp hồi phục và trị liệu hiện đại nên tuy có nhiều cầu thủ chấn thương nhưng họ hồi phục rất nhanh rồi sau đó chạy rất sung. Hơn nữa điều kiện khí hậu hiện giờ ở miền Bắc không hợp với nhiều cầu thủ, tập huấn trong Nam có vẻ thuận lợi hơn.
Thắng  (11/12/2015 02:33:43)
thapthappacnam@gmail.com
Thế tại sao các HLV trước đây không có cầu thủ bị chấn thương nhiều như thời Miura?. Chẳng lẽ thời trước công tác y tế ở các câu lạc bộ tốt hơn? và các cầu thủ được tập ở mặt sân tốt hơn?
vmk  (11/12/2015 12:48:22)
vietmyca@yahoo.com
Điều kiện cơ sở vật chất trong luyện tập quan trọng là như thế sao không ai có ý kiến gì tham mưu với ông Miura. Và sao ông Đức không nghĩ đến chuyện mời đội tuyển lên HAGL tập huấn thay vì chê ông Miura nhỉ? cho ông ấy một cơ hội có phải hay hơn là ném đá người ta không?
Tungchi  (11/12/2015 12:37:25)
Tungchi@gmail.com
Đổ tại mặt sân là vấn đề muôn thủa, khó khắc phục trong một sớm một chiều. Vấn đề lớn hơn nhiều là vấn đề kỹ thuật của cầu thủ, khi chơi trên một mặt sân xấu các cầu thủ buộc phải thích nghi do đó kỹ thuật sẽ bị ảnh hưởng và lâu dần trở thành thói quen. Ví dụ: ai mà chả biết cầu thủ phải chơi bóng nhanh, một chạm, nhưng khi cầu thủ đỡ quả bóng phải 2,3 nhịp mới khống chế được thì lối chơi đó hoàn toàn phá sản. Vì sao HAGL không thành công tại Vleague ? Nơi mà có nhiều sân có mặt cỏ xấu như mặt ruộng.
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến