U23 Việt Nam: Bách điểu triều phụng

Thứ Năm, 14/1/2016, 12:40 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Mượn truyền thuyết Bách điểu triều phụng để nói về một Công Phượng ở U23 Việt Nam đang được kỳ vọng sắm vai trò đầu lĩnh hàng công.

Lối chơi xoay quanh Công Phượng, để Công Phượng phán quyết số phận có bị xem là sự mạo hiểm với U23 Việt Nam?! Không phải là có hay không nữa, mà chỉ là bằng cách nào cho hiệu quả nhất nếu xét tới tình thế đội bóng của HLV Toshiya Miura lúc này.

Công Phượng là mắt xích quan trọng nhất và là người duy nhất có thể đưa ra các phương án tiếp cận cầu môn đối phương nhờ là cá nhân duy nhất dám tự tin cầm bóng, đột phá qua người và lựa chọn giải pháp dứt điểm cầu môn.

Xoay quanh Công Phượng

Hãy tưởng tượng thế này, Công Phượng đá lùi, như một số 10 cổ điển phía trên hàng tiền vệ gồm Duy Mạnh, Xuân Trường (hoặc Tuấn Anh, Đông Triều, Hữu Dũng), phía dưới trung phong cắm Thanh Bình (hoặc Văn Thành, Văn Toàn, thậm chí là Tuấn Tài), cùng đôi cánh Đức Huy, Hồng Duy… Đây là không gian lý tưởng để Công Phượng tư duy sáng tạo và chơi thứ bóng đá mà anh vẫn chơi: Cầm bóng đột phá, mượn người bật 1/2 và dứt điểm khi có cơ hội.

Sẽ có ý kiến cho rằng, hàng tiền vệ với Tuấn Anh, Xuân Trường và cả Duy Mạnh, việc Công Phượng lùi về quá sâu có thể hạn chế không gian chơi bóng của tuyến 2. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mẫu các tiền vệ như vừa nhắc rất hiếm khi tiến sát vạch 16m50 của đối thủ, hãm thành tuyến 2, để có thể tung các cú sút xa uy lực, hiểm hóc. Đấy là một trong những hạn chế của chính họ, ngoài ra HLV Miura không thuộc tuýp người ưa mạo hiểm.


Công Phượng là "linh hồn" của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2016. Ảnh: V.S.I

Tất nhiên, HLV Miura sẽ không từ bỏ những miếng đánh giãn biên sở trường, nhưng vị trí và vai trò của Công Phượng, sẽ quyết định các bàn thắng và chiến thắng cho U23 Việt Nam. Phượng có đôi khi rất ích kỷ, một thuộc tính của các tiền đạo, nhưng anh cũng là một chân chuyền có hạng, với hơn nửa chục các đường kiến tạo để đồng đội lập công trong màu áo HAGL ở V-League 2015. Cũng như Tuấn Anh, Phượng sở hữu kỹ năng chuyền-bóng-dấu-chân rất hay.

Về lý thuyết, Công Phượng sẽ chơi như một số 10 cổ điển, nhưng trên thực tế, với các số 10 của bóng đá hiện đại, họ có thể lệch trái, hoặc phải; dấn vào sâu khu cấm địa đối phương đón các đường căng ngang hoặc lùi về tận phần sân nhà xin và tổ chức bóng. Có tướng tiên phong, có người bịt hậu, Phượng giữ trung quân trong trận đồ, là linh hồn của đội bóng, chỉ huy và được phép làm điều mình muốn, đưa ra những quyết định trong tích tắc, mà không cần hỏi ý HLV.

Việc duy trì lối chơi xoay quanh Công Phượng, từ thời U19, đến U21, U23 và cả ở đội 1 HAGL, đã từng phát huy tối đa tác dụng, thì không có lý do gì lại thay đổi. 10 năm sau ngày Văn Quyến chào sân Mỹ Đình ở SEA Games 22, chúng ta mới lại được thấy một phẩm chất rất quý ở một tiền đạo đầy sáng tạo, đấy là khả năng tổ chức và độc lập tác chiến. Nếu HLV Miura đã xác định chơi phòng ngự phản công, lựa chọn duy nhất của U23 Việt Nam là hãy “khoán” cho Phượng.

Tất nhiên, chỉ mới hiểu mình thôi là chưa đủ, bởi đối phương sẽ chăm sóc Công Phượng rất chu đáo. Sự vượt trội về đẳng cấp chơi bóng của những đối thủ hàng đầu, dễ cho chúng ta hình dung: Họ sở hữu bóng, dồn ép và bắt học trò của HLV Miura đuổi bóng suốt trận. Khi mất bóng, họ cũng sẽ pressing khắp mặt sân để đoạt lại. Công Phượng sẽ đói bóng và vì thế cần nhiều hơn sự hỗ trợ của các vệ tinh. Và Phượng cũng sẽ vào vai thợ săn những quả đá phạt hàng rào cho U23 Việt Nam.

Tình huống bóng cố định là một thể loại chiến thuật và ở nhiều thời điểm khác nhau, bóng đá Việt Nam luôn sở hữu những cầu thủ có thể xoay chuyển cục diện trận đấu bằng một đường cong hoàn hảo được vẽ lên không trung, bóng tìm vào điểm chết của cầu môn. Ngoài Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy và Đông Triều, Công Phượng (toàn người của HAGL) thêm Mạnh Hùng cũng là lựa chọn cho tình huống bóng cố định, với điểm đá phạt chếch bên trái theo hướng lên bóng.

Tương lai là ở SEA Games

Về cơ bản, việc HLV lên đấu pháp và yêu cầu học trò phục vụ đấu pháp, là đương nhiên, hơn nữa, bóng đá vốn dĩ là môn chơi tập thể. Nhưng rất thường xuyên, một vài cá nhân lại là những người quyết định: Thắng hay bại, tức là từng cá nhân có vai trò quyết định. Công việc của thuyền trưởng là trong các buổi tập và trước giời xung trận, còn trên sân là chuyện của cầu thủ. Ở cấp độ bóng đá trẻ, sự bùng nổ luôn tiềm ẩn và hãy cứ để người trẻ mạo hiểm, thậm chí mắc sai lầm.

Ở một vài thời điểm đội bóng vẫn có sự bùng nổ, nhưng theo dõi rất nhiều các trận đấu cấp ĐTQG dưới thời HLV Miura, nhiều người trong chúng ta luôn có chung một cảm giác rất bí bách. Các cầu thủ chơi bóng như một cỗ máy, triệt hạ cảm xúc của người xem và khi thua bàn, dễ lâm vào thế hoảng loạn. Trận bán kết lượt về AFF Cup 2014 với Malaysia hay các cuộc đối đầu với Thái Lan trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2018 là những bằng chứng.

20h30 ngày 14/1, U23 Việt Nam - U23 Jordan: Kỳ vọng ở Công Phượng

20h30 ngày 14/1, U23 Việt Nam - U23 Jordan: Kỳ vọng ở Công Phượng

Phát biểu trước trận ra quân gặp ứng viên số 1 của bảng đấu là U23 Jordan, HLV Miura khẳng định rằng ông và các học trò sẽ không bỏ qua dịp may để tận hưởng giải đấu hàng đầu châu lục...


Đẳng cấp của nền bóng đá cũng như các ĐTQG là hữu hạn, nhưng khả năng và sự sáng tạo, óc tưởng tượng của cầu thủ là vô hạn. Nếu bóp nghẹt sự sáng tạo, cũng có nghĩa là chúng ta sẵn sàng tư thế của kẻ chiến bại. Cách đội bóng của HLV Miura ứng xử với việc để thua bàn trước và bảo vệ thành quả khi nắm lợi dẫn, chưa cho thấy sự yên tâm đáng kể. Chỉ một trận lội ngược dòng thắng U23 Malaysia ở vòng loại U23 châu Á không là sự đảm bảo.

Các đội bóng của HLV Miura đã nhiều thời điểm nắm lợi thế về tâm lý (tính chất trận đấu), thậm chí là lợi dẫn, nhưng không bảo lưu được điều đó một cách xuyên suốt. Bước vào trận bán kết lượt về với Malaysia ở AFF Cup 2014, như đã nhắc, chúng ta nắm lợi dẫn 2 – 1, nhưng lại để thua chung cuộc 4 – 5. Hồi tháng 3/2015, khi ĐT Việt Nam tìm tới Rajamangala để tìm một trận hoà trước Thái Lan, nhưng lại nhồng lên trong hiệp nhì, để thua bàn vào những phút cuối trận...

Nhưng, bóng đá và đặc biệt là bóng đá trẻ, như đã nói, có những thất bại còn quý hơn cả các chiến thắng tạm thời. Ở sân chơi tầm châu lục như VCK U23 châu Á, việc xác định mục tiêu theo đuổi là quan trọng, thay vì lao vào những cuộc chiến mà thiếu tính toán, để rồi không thể định lượng được những tổn thất. HLV Miura có thể đã cố gắng lạc quan, nhiều người trong chúng ta cũng thế, nhưng lạc quan là để thưởng thức, thay vì kỳ vọng lắm rồi tổn thương nhiều.

Danh sách 23 cầu thủ U23 Việt Nam

Thủ môn: Phí Minh Long (Hà Nội T&T), Phạm Văn Tiến (HAGL), Nguyễn Hoài Anh (Than Quảng Ninh).

Hậu vệ: Phạm Hoàng Lâm (ĐTLA), Bùi Tiến Dũng (Viettel), Đào Duy Khánh (Hà Nội T&T), Nguyễn Thanh Hiền (Đồng Tháp), Phạm Mạnh Hùng (SLNA), Vũ Văn Thanh (HAGL), Nguyễn Nam Anh (Hà Nội T&T).

Tiền vệ: Lương Xuân Trường (HAGL), Đỗ Duy Mạnh (Hà Nội T&T), Nguyễn Hữu Dũng (Thanh Hóa), Huỳnh Tấn Tài (ĐTLA), Nguyễn Phong Hồng Duy (HAGL), Phạm Đức Huy (Hà Nội), Trần Hữu Đông Triều (HAGL), Nguyễn Tuấn Anh (HAGL).

Tiền đạo: Phạm Văn Thành (Hà Nội T&T), Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Văn Toàn (HAGL), Lê Thanh Bình (Thanh Hóa), Hồ Tuấn Tài (SLNA).


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

nguyễn Thành Hưng  (14/01/2016 02:37:26)
thanhhungxmdl61@gmail.com
Cho đến lúc này vẫn chưa biết là U23 VN sẽ chơi với đội hình nào và chiến thuật ra sao? Cũng là những con ng ấy trong đội tuyển (23 người), nhưng khi ra trận thì chỉ có 11 ng, và họ đc chơi theo kiểu gì? cấm kỵ lối chơi nào?Đó là điều băn khoăn nhất. Bởi cái đó sẽ quyết định sự thành bại của đội bóng chúng ta.
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến