(Thethaovanhoa.vn) - U20 Việt Nam đã giành vé để có mặt tại VCK U20 World Cup 2017. Đấy là chiến tích mang tính lịch sử của bóng đá Việt Nam. Nhưng không vì thế mà các học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn đã bước qua cái bóng của thế hệ của những người đàn anh Công Phượng…
Thực tế, ngay từ điểm khởi đầu, đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn đã chịu phận “con ghẻ”. Vặn ngược kim đồng hồ quay trở lại thời điểm diễn ra VCK U19 châu Á năm ngoái, U19 Việt Nam đã lên đường dự giải không kèn không trống trong sự thờ ở của tất cả.
Ngay cả VFF có lẽ chẳng đặt nhiều kì vọng ở lứa cầu thủ này. Đến mức, chính ông Tuấn khi trả lời phỏng vấn trước giờ rời Việt Nam còn khẳng định: VFF không đặt mục tiêu quá cao cho U19 Việt Nam.
Nó khác hẳn với những gì diễn ra 2-3 năm trước với lứa U19 mà các cầu thủ HAGL Arsenal JMG làm nòng cốt. Lứa U19 này được tiền hô, hậu ủng, chuẩn bị hoành tráng cho VCK U19 châu Á năm 2014 được tổ chức tại Myanmar với mục tiêu rất rõ ràng: giành vé dự VCK U20 World Cup.
Kết quả thì ai cũng đã biết. Myanmar chứ không phải chúng ta, mới là đại diện Đông Nam Á có vé dự U20 World Cup. Trong khi đó, U19 Việt Nam còn chẳng vượt qua vòng bảng, thậm chí xếp bét bảng.
Có lẽ, cho đến tận bây giờ, khi lứa cầu thủ của HLV Hoàng Anh Tuấn đã thực hiện được đúng tuyên bố của ông thầy: “Đến World Cup để viết lại lịch sử bóng đá Đông Nam Á”, thì độ “hot” của đội bóng này vẫn thua xa những người đàn anh như Công Phượng hay Xuân Trường.
Ở khía cạnh nào đó, đây cũng là điều có thể hiểu được. Tuy bóng đá là một môn thể thao tập thể, nhưng sức lan toả, cảm hứng của nó lại nằm ở những ngôi sao cá nhân. Lứa U19 Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG ngoài việc đã được làm truyền thông rất tốt, thì đội bóng này có những cá nhân rất dễ có được thiện cảm của người hâm mộ.
Những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh đều là những cái tên, những “thương hiệu” khiến đám đông phải phát cuồng. Thêm vào đó, đội bóng của thầy Guillaume còn được mặc định là đại diện của thứ bóng đá cống hiến. Đến mức, đôi khi người ta chỉ cần đội bóng này chơi đẹp, mà chẳng cần quan tâm đến kết quả chung cuộc.
Còn với U20 Việt Nam thì lại là một câu chuyện khác hẳn. Đội bóng này hoàn toàn được xây dựng trên lối chơi đồng đội. Đúng như HLV Hoàng Anh Tuấn từng tuyên bố: đội tuyển của ông chỉ có một ngôi sao duy nhất, đấy là ngôi sao vàng trên ngực áo.
Rất khó để chỉ ra một cá nhân nổi trội trong tập thể U20 Việt Nam. Tất cả các cầu thủ đều phục vụ lối chơi chung của đội bóng. Rất khó để được chứng kiến những pha đột phá cá nhân, đi qua vài cầu thủ như kiểu Công Phượng, hay đường chuyền dài từ khoảng cách 40m như của Xuân Trường.
Khi được hỏi về thất bại trước U20 Argentina, đội trưởng Nguyễn Công Phượng của U20 Việt Nam đã không trả lời vào trọng tâm câu hỏi. Trước đó, đội bóng của anh bị U20 Argentina đè bẹp 5 bàn không gỡ.
Đội bóng của ông Tuấn chẳng thêu hoa dệt gấm, mà biết mình, biết người cố gắng điều chỉnh từng trận để hướng tới kết quả có lợi nhất. Đấy hẳn là những lí do khiến U20 Việt Nam chưa thể trở thành cái tên “ăn khách”.
Với giới báo chí, truyền thông, đây không phải là đội bóng để "câu view". Nhưng lại là đội bóng để tự hào, thậm chí là để kể lại cho thế hệ sau.
Sau tất cả những gì đã thể hiện, rõ ràng thày trò HLV Hoàng Anh Tuấn đã rất xứng đáng có một chỗ đứng riêng. Nhưng dư luận thì không phải lúc nào cũng công bằng. Trận đấu gặp Honduras sẽ là cơ hội để U20 Việt Nam chính thức bước ra khỏi cái bóng của Công Phượng và những người bạn.
Một chiến thắng sẽ đưa U20 Việt Nam trở thành những người hùng thực sự, những người viết lại lịch sử bóng đá Việt Nam, làm nên những chiến tích mà ngay cả những người hâm mộ không dám mơ.
Đức Lộc - Hữu Tuyên (từ Jeonju)