(Thethaovanhoa.vn) - "C" (tức Captain - Đội trưởng) đã dính chặt trên cánh tay trung vệ Trọng Đại, từ đôi năm nay, nhưng trước ngày đội tuyển U20 Việt Nam lên đường đi Hàn Quốc đánh giải FIFA U20 World Cup 2017, sàn diễn lớn nhất mà các ĐTQG từng tham dự, nó được trao cho người khác. Người "phế trưởng lập thứ" đương nhiên là "cơ trưởng" Hoàng Anh Tuấn.
HLV Hoàng Anh Tuấn đã nói điều này trên mặt báo rồi, không phải một lần. Nhưng, mọi sự tập trung dù với lý do gì, nhằm vào chiếc băng "C" lúc này là không cần thiết, nếu không muốn nói là còn tiềm ẩn nhiều phản ứng phụ. Nên thôi! Chữ "C" sẽ được trao lại cho ai xứng đáng, ngoài đội trưởng còn có các đội phó. Người đó đã và sẽ là một trong những "cán bộ" của đội, với thiên chức cao cả.
Bóng đá, tập trận và chiến trận là những phạm trù tương đối tách biệt. Trong tập trận, giáo án và vai trò của Ban Huấn luyện, tức đội ngũ làm kỹ thuật, là quan trọng nhất, có tính quyết định chất lượng các buổi tập, định hình đội bóng. Nhưng khi bước vào chiến trận, thì các cầu thủ sẽ quyết định trận đấu. Nếu họ chơi được với 80% khả năng tốt nhất khi lâm trận, đấy đã là thành công lớn. Trong số các cầu thủ trên sân, người đeo băng "C", cùng thủ lĩnh các tuyến, giữ vai trò quan trọng, giữ hồn cốt lối chơi của đội bóng. Vì thế, họ khác cầu thủ bình thường còn lại.
"Tập trận như đánh trận" là khẩu hiệu của mọi đội bóng. Song, các cầu thủ thường xuyên nhìn ra cabin Ban Huấn luyện đội nhà, để biết được thông điệp truyền đi của HLV trưởng, tuỳ vào từng thời điểm khác nhau của trận đấu. "Thái độ" của thầy sẽ quyết định chiến thuật cần hiệu đính. Những màn khẩu chiến giữa các HLV đối thủ hoặc giữa HLV và trọng tài, cũng là một thể loại chiến thuật, gây sự chú ý ngoài đường pitch, để giảm thiểu sức ép cho cầu thủ. Đừng bao giờ kỳ vọng vào 15 phút thời gian nghỉ giữa 2 hiệp đấu, bởi nó qua rất nhanh.
Bóng đá là tổng hợp các mối quan hệ biện chứng và không biện chứng, đôi khi không có trong sách vở, hay chính xác ra là không có sách vở nào dạy cả. Khi còn làm K.Khánh Hoà thừa hưởng và nâng cấp biệt danh "ngổ ngáo", HLV Hoàng Anh Tuấn thậm chí còn dùng cả những hình ảnh rất đời "con chó và mẩu xương", để thuyết giảng cho một cầu thủ đá tiền vệ phòng ngự - thu hồi, rằng anh này cần phải làm gì khi có bóng, và đặc biệt khi không có bóng. Phải là những người giỏi nhất ở tuổi và ở nghề của họ, mới đứng trong hàng ngũ đội tuyển U20 Việt Nam.
Nếu tính từ thời điểm đội tuyển U20 hội quân, đến lúc này, đã là một tháng rưỡi. Và, sẽ còn thêm chừng ấy thời gian, nếu thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn vượt qua vòng bảng, tiến vào sâu ở FIFA U20 World Cup tại Hàn Quốc.
Thế nên, có nhất thiết phải đào sâu những tiểu tiết không cần thiết và hoàn toàn không đem lại lợi ích cho đội bóng? Trọng Đại không thể nói là không hụt hẫng, nhưng vì lý do gì, thì đó là một bài học lớn. Tiên trách kỷ... so với các đồng đội như Tiến Dụng, Thanh Hậu và Thái Quý, những người có thể nói là giỏi nhất ở khu giữa sân của đội tuyển U20 Việt Nam, phải ngồi nhà xem World Cup - sàn diễn mà đáng ra mình là một phần của nó, qua tivi..., Trọng Đại còn may chán. Chỉ khi chúng tôi là chúng ta mới thành tập thể, mới trở thành đội bóng.
Chiều mai (10/5), đội tuyển U20 Việt Nam sẽ tập trận cùng đội bóng từng 5 lần vô địch U20 thế giới - đội tuyển U20 Argentina, trên SVĐ Thống Nhất. Và thái độ của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ quyết định vận mệnh của đội bóng trên đất Hàn Quốc sau đây 2 tuần.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa