U19 Việt Nam: Muốn làm người hùng phải học làm người thừa

Chủ Nhật, 30/10/2016, 12:34 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - U19 Việt Nam trước khi trở thành "người hùng" của bóng đá Việt Nam khi giành tấm vé dự World Cup U20 năm 2017 tại Hàn Quốc là đội bóng không được người hâm mộ chú ý, thậm chí bị hoài nghi năng lực sau giải vô địch Đông Nam Á.

“Anh hùng không kể xuất xứ”

Trong danh sách 22 cầu thủ đưa đến Bahrain dự VCK châu Á, HLV Hoàng Anh Tuấn dù sở hữu phân nửa đội hình đang chơi giải đấu cao nhất Việt Nam nhưng hầu hết chỉ có “danh”. Quang Hải (tiền vệ của đội đương kim vô địch Hà Nội T&T chơi 25/26 trận ở V-League) là ngôi sao sáng giá nhất mà ông Tuấn có được và cũng là người sở hữu thành tích ấn tượng nhất so với bạn bè cùng lứa.

Thực tế, cầu thủ 19 tuổi này cũng góp công lớn cho U19 Việt Nam trong chiến tích hiện có trên đất Bahrain hiện tại. Đáng kể nhất là cú qua người thông minh trước khi chuyền như đặt để Minh Dĩ có bàn thắng mở tỷ số vào lưới U.A.E, bước đệm quan trọng để U19 Việt Nam vào tứ kết.

Quang Hải không thể thiếu bên hành lang biên của U19 Việt Nam, nhưng người quan trọng thậm chí hơn cả tiền vệ Hà Nội T&T trên đất Bahrain hiện tại là Minh Dĩ. Cầu thủ chưa cao đến 1m60 này đang là ngôi sao sáng giá khuynh đảo sân chơi U19 châu lục. Điểm rơi phong độ cực kỳ ấn tượng của Minh Dĩ chính là điều ông Tuấn phải bất ngờ và rất tự hào được sở hữu cầu thủ có cái chân trái “dẻo như kẹo kéo” này.

Minh Dĩ là người mở ra chiến thắng mà HLV Hoàng Anh Tuấn từng chia sẻ “không ai tin” với cú tạt bóng bằng chân không thuận đưa bóng vào đầu Đức Chinh làm tung lưới Triều Tiên. Tiếp đó, cầu thủ gốc Quảng Trị khứa lòng cực mạnh hoàn hảo làm rung lưới U.A.E. Và với cú quăng mu làm điểm nối đưa bóng vào chân Trần Thành để đồng đội ghi bàn thắng duy nhất làm nín lặng 3 vạn CĐV Bahrain ở tứ kết, Minh Dĩ trực tiếp viết thêm một kỳ tích nữa cho bóng đá Việt Nam.


Những cầu thủ như Trần Thành khá vô danh trước khi ghi dấu ấn ở đội U19 Việt Nam.Ảnh: AFC

Nếu AFC hay FIFA hoặc tờ báo thể thao có uy tín tầm cỡ thế giới nào giành tặng những mỹ từ khen ngợi và đưa Minh Dĩ vào top 5, top 10 những cầu thủ trẻ triển vọng châu Á (như Phan Thanh Hậu của HAGL trước đây “bỗng nhiên bị lọt top 40 cầu thủ đáng xem nhất thế giới của tờ The Guardian dù chưa chơi giải chính thức nào như Minh Dĩ và đang chịu cảnh dự bị dưới thời HLV Hoàng Anh Tuấn bấy giờ) cũng không lấy làm lạ.

Có điểm gì chung giữa Minh Dĩ, Trần Thành, Đức Chinh, Văn Hậu, 4 cầu thủ trực tiếp ghi bàn ở VCK U19 châu Á năm nay (?) và góp công cực lớn để U19 Việt Nam vào sàn diễn cho những đội bóng mạnh nhất bóng đá trẻ thế giới tại Hàn Quốc năm sau.

Câu trả lời là những cầu thủ đó đều khiến nhiều CĐV lạ lẫm không biết mặt trước giờ lên đường. Tài năng của họ cũng không được truyền thông đẩy lên quá mức như thế hệ đàn anh và cũng không đến Bahrain với “những quả tạ” áp lực kỳ vọng treo lủng lẳng ở chân và đầu. Và đặc biệt, tất cả họ đều trưởng thành từ môi trường hạng Nhất hoặc mài đũng quần trên băng dự bị ở V-League.

Nhiều người nói vui, trò đã không hay trước khi đi xa, đến tướng đánh trận cũng khốn khổ vì “gạch đá” dư luận hoài nghi trước giờ lên đường. Thực tế sau thảm bại ngay tại sân nhà giải U19 Đông Nam Á, HLV Hoàng Anh Tuấn bị “soi” rất nhiều về năng lực dù ông này từng tuyên bố giải U19 khu vực chưa phải là thời điểm để U19 Việt Nam đạt điểm rơi phong độ cao nhất. May mắn, HLV có bằng cấp huấn luyện cao nhất bóng đá Việt Nam hiện tại không chấp nhặt, vẫn tin tưởng vào bản thân và các học trò để vững bước đến Bahrain.


Sau tất cả, những gì thầy trò Hoàng Anh Tuấn đã làm được. Họ đang chứng tỏ mình xứng đáng là người hùng của bóng đá Việt Nam. Lịch sử ghi nhận họ với tư cách những người mở  ang ang sử mới cho môn thể thao vua trên dải đất hình chữ S.

Muốn làm người hùng phải học làm người thừa

“Anh hùng không kể xuất xứ” mà hoàn cảnh, thời thế sẽ tạo ra những người hùng. Không may mắn như Quang Hải được xuất thân từ Hà Nội T&T, “gã nhà giàu” đình đám bậc nhất V-League chỉ sau chục năm thành lập, Minh Dĩ không có cái nền là đội 1 của chính CLB để đôn lên sân chơi cao nhất Việt Nam thử sức. Minh Dĩ chỉ được thi đấu ở các giải hạng Ba, hạng Nhì và góp công lớn đưa PVF lên chơi hạng Nhất 2017.

Dĩ cũng không nhận mức lương tiền chục triệu đồng hàng tháng như nhiều đồng đội khác đang chơi V-League như Quang Hải, Thanh Hậu… cầu thủ nhỏ con này chỉ nhận chế độ đãi ngộ, sinh hoạt như khoảng 180 cầu thủ trẻ được PVF đưa về đào tạo.

So với những đồng đội cùng trưởng thành như Minh Dĩ và đang khoác áo U19 Việt Nam như Thái Quý, Tiến Dụng, Đức Chinh (được PVF cho Than Quảng Ninh mượn và tất nhiên mức đãi ngộ tốt hơn), cầu thủ gốc Quảng Trị cũng không may mắn bằng.

Vì thể hình nhỏ thó nên ngay trong chính các HLV ở PVF người thích, kẻ không ưa dùng cầu thủ này. Ngay cả khi tập trung U19 Việt Nam, Minh Dĩ đã phải nỗ lực hơn nhiều bạn bè khác. Nhiều người thậm chí đã ngạc nhiên khi HLV Hoàng Anh Tuấn sẵn sàng loại bỏ những cầu thủ cao to, kinh nghiệm hơn như Lâm Thuận để ưu tiên suất cho Minh Dĩ. Trong toan tính, ông Tuấn vẫn cần những đường chuyền sắc như dao cạo để đồng đội ghi bàn và lối chơi máu lửa của Minh Dĩ.

Minh Dĩ xứng đáng là tấm gương cho nhiều đồng nghiệp và thế hệ đàn em trẻ soi vào học hỏi. Và có điểm chung của cầu thủ này so với những đồng đội đang đầu quân cho các CLB V-League khác chính là sự kiên trì học hỏi. Có thể nhận mức đãi ngộ thấp nhưng bộ đôi PVF là Minh Dĩ cùng Việt Anh còn có cơ hội ra sân khi mình vào dạng “cây đa, cây đề” ở đây.

Trần Thành: Đến World Cup bằng đôi chân 'sỏi đá'

Trần Thành: Đến World Cup bằng đôi chân 'sỏi đá'

May mắn được gia đình hậu thuẫn, Trần Thành luôn chuyên tâm vào con đường bóng đá mà anh đã chọn. Dẫu vậy, chàng trai xứ Huế này đã phải đạp lên những sỏi đá của miền quê nghèo với trái bóng để đưa bóng đá Việt Nam đến với World Cup.

Trong khi đó, các đồng đội Thái Quý, Tiến Dụng, Đức Chinh không biết tìm chỗ đứng ở đâu trong đội hình nhà vô địch Cúp Quốc Gia, Than Quảng Ninh. Đức Chinh thậm chí cay đắng hơn khi giai đoạn 2 mùa này bị Than Quảng Ninh thải về để rồi sau đó lại dạt sang đội hạng Nhất TP.HCM. Được HLV Lư Đình Tuấn cho đá cặp cùng “Vua phá lưới hạng Nhất” Nguyễn Tuấn Anh, tiền đạo họ Hà cũng chỉ kịp ghi 1 bàn thắng sau đó lên đường tập trung U19 Việt Nam.

Cựu chân sút U23 Việt Nam cho biết: “Đức Chinh trẻ khỏe nhưng còn non kinh nghiệm do chưa được tạo điều kiện thi đấu nhiều”. Và như Tuấn Anh phát biểu, sau khi được HLV Hoàng Anh Tuấn tin dùng, Đức Chinh đã tiến bộ trông thấy. Cần nhớ rằng trước khi Đức Chinh tỏa sáng, người được ông Tuấn “con” ưu tiên số 1 chính là tiền đạo Tiến Linh của B.Bình Dương.

Một tiền đạo khác của U19 Việt Nam cũng vừa tỏa sáng là Trần Văn Thành, cầu thủ thuộc biên chế Huế khá vô danh. Ở đội bóng cố đô, Trần Thành còn thua xa chân sút số 1 Võ Lý về độ nổi tiếng và tất nhiên mức độ tín nhiệm được ra sân. Nhưng có lẽ con tạo xoay vần sau khi Trần Thành đưa U19 Việt Nam vào bán kết.

Tuổi 19, những cầu thủ vô danh thầm lặng quảng bá được bóng đá Việt Nam ra tầm thế giới. Có lý do đã giành nhiều lời cảm ơn và ngã mũ thán phục trước bản lĩnh của tập thể này. Chỉ riêng việc bị hoài nghi, so sánh với thế hệ “những đứa trẻ nhà bầu Đức” cũng khiến thầy trò Hoàng Anh Tuấn –  những người đàn ông có tự trọng phải cay mũi.

Họ không phải là cái bóng, là tấm gương phản chiếu cho bất cứ lứa cầu thủ nào. Và thay vì cúi đầu chấp nhận, chỉ còn cách “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, như cụ Đồ Chiểu từng tuyên bố, xã hội mới nhìn thấy năng lực của họ. Trên trang sử vàng vừa viết được, càng cảm động hơn khi thầy trò ông Tuấn “con” nghiến  răng thi đấu để đem niềm vui, sự sẻ chia cho đồng bào bão lũ lụt miền Trung, nơi rất nhiều người thân quen của họ đang khốn đốn chống chọi. Tất cả những cảm xúc dồn nén lâu ngày được hiển hiện qua màn ăn mừng của ông HLV có tiếng ít thể hiện trong phòng thay đồ sau trận tứ kết vừa qua.

Cầu thủ trẻ ngày nay hơn hẳn Thế hệ Vàng

Cựu tuyển thủ Quốc Gia Nguyễn Việt Thắng (đang dẫn dắt 5 cầu thủ PVF đóng góp cho U19 Việt Nam là Đức Chinh, Tiến Dụng, Minh Dĩ, Thái Quý và Việt Anh) khi dẫn U17 PVF dự VCK U17 toàn quốc ở Tây Ninh vừa rồi cho biết: “Thực tình mà nói so với trước đây thì bóng đá trẻ bây giờ được đầu tư, chăm sóc hơn xưa rất nhiều.

Thời chúng tôi 15, 17 tuổi đã biết gì đến chiến thuật đâu. HLV cứ quăng quả bóng ra thì 2 đội nhảy vào tranh cướp, lớn lên một tý thì mới ý thức được. Nhiều người vỗ ngực xưng rằng mình ở thế hệ vàng rồi đá hay lắm này nọ. Bây giờ thì khác xưa nhiều, cầu thủ mới chục tuổi đầu đã biết chạy vị trí, HLV chỉ bảo đội hình, đá chỗ này thì làm thế nào, thế nào, di chuyển ra sao… Bóng đá hiện đại phát triển, khoa học phát triển thì các em cũng tiến bộ nhiều lắm”.


Việt Hà
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến