(Thethaovanhoa.vn) - Trong lịch sử 6 lần đăng cai các VCK U19 Đông Nam Á và Đông Nam Á mở rộng (thực tế, giải đấu có tên gọi tiền thân là U20 Đông Nam Á), U19 Việt Nam chỉ mới một lần lên ngôi vô địch, khi giải đấu được tổ chức tại Trung tâm Thành Long, TP.HCM, năm 2007.
Trong khi đó, Thái Lan đã 4 lần đăng quang tại sân chơi này và đang hướng đến chức vô địch thứ 5/13 lần giải được tổ chức.
1. Năm 2007 là một năm kỳ diệu của nền bóng đá, khi đội tuyển U20 đoạt chức vô địch giải Đông Nam Á trên sân nhà, đội tuyển Olympic Việt Nam lọt vào đến vòng loại thứ 3, tức là vòng đấu bảng, tìm suất trực tiếp đi Olympic Bắc Kinh 2008 và đỉnh cao là ĐTQG lần đầu tiên lọt vào tứ kết ASIAN Cup 2007, tức tốp 8 đội mạnh nhất, trước khi để thua nhà vô địch giải đấu năm đó là Iraq ở vòng knock-out đầu tiên.
Đi cùng thành công với U20 Việt Nam cách đây 10 năm, dưới quyền HLV trưởng Nguyễn Mạnh Cường, là lứa cầu thủ Hồng Việt, Đình Hiệp, Hoàng Văn Bình, Trần Mạnh Dũng, Nguyễn Đức Nhân, Nguyễn Trọng Hoàng, Ngọc Anh… (toàn sinh năm 1988 trở về sau). Dù tập hợp được một thế hệ cầu thủ đầy tai năng ở độ tuổi này, nhưng chức vô địch của đội tuyển U20 Việt Nam, quả thật, nằm ngoài tính toán.
Số lượng và chất lượng của các cầu thủ lò SLNA chiếm áp đảo, với phần đông được tăng cường sau các VCK U21 QG và U21 quốc tế Báo Thanh Niên năm 2007, tại Nha Trang, Khánh Hoà. Họ tự tin đến độ, thậm chí không cần nhìn thầy, nhìn BHL, cũng chẳng coi đội trưởng Đức Nhân là gì, mà tập trung đá với nhau, phục vụ nhau và chiến thắng. Sau các trận đấu vòng bảng là bán kết, rồi chung kết trước Malaysia.
Dù vô địch giải đấu lần đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này, nhưng chiến công ấy lại mang hơi hướng của việc “gặt lúa trời” nhiều hơn những dấu ấn về chuyên môn (từ BHL). Tất nhiên, HLV Nguyễn Mạnh Cường hẳn kém vui hơn cả. Và kể từ sau đó, ông Cường không thêm một lần nào nữa được cất nhắc, bởi ông đã thất bại với việc tập hợp các cầu thủ trở thành một khối thống nhất.
U19 Việt Nam thảm bại 2-5 trước U19 Australia ở bán kết giải U19 Đông Nam Á 2016 diễn ra vào tối 22/9, “một buổi tối tồi tệ” như cách nói của HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn.
Phải mất 7-8 năm sau, ở giải Đông Nam Á năm 2013 và Đông Nam Á mở trộng năm 2014, những Công Phượng và đồng đội, lứa cầu thủ trẻ xuất xưởng lần đầu của Học viện HAGL Arsenal JMG mới lại tiệm cận được chức vô địch. Nhưng, kể cả giải đấu năm ngoái, đã không thêm một lần nào nữa chúng ta chạm được vào chiếc Cúp vàng, khi lần lượt thất bại trước Indonesia, Nhật Bản và Thái Lan ở chung kết.
2. Đội tuyển U19 Việt Nam vào thời điểm hiện tại, tiếng là tập hợp được toàn hảo thủ từ các lò có tiếng như VPF, Viettel, Hà Nội T&T, HAGL…, với một cơ số đã và đang chơi ở giải đấu khắc nghiệt V-League 2016, nhưng họ hoặc chưa phải những mảnh ghép hoàn hảo, hoặc HLV Hoàng Anh Tuấn cũng bất lực như người tiền nhiệm Nguyễn Mạnh Cường, cách đây 10 năm, trong việc khơi gợi khát vọng chiến đấu.
Trước và sau thất bại trước U19 Australia ở bán kết giải đấu được tổ chức tại Hàng Đẫy, ông Tuấn dường như rất tiết kiệm lời khen dành cho học trò, mà ngược lại, ông đã nói, trận thua 2-5 ở bán kết rất tồi tệ. Người gần với Hoàng Anh Tuấn, có thể cảm nhận được những phiền muộn của chánh tướng, bởi học trò ông không giỏi như đồn thổi. Họ quá được cưng chiều ở cấp CLB và khi lên đội tuyển thì “gãy”.
Cũng cần phải nói thêm chỗ ông Tuấn, một người duy mỹ, luôn hướng tới sự hoàn hảo và không bao giờ thoả hiệp với những sai lầm, dù ông đang dẫn một đội tuyển trẻ với toàn người trẻ. “Những đòi hỏi và nêu ra các tồn tại chỉ có ích cho nền bóng đá”, ông Tuấn nói. Điều này đúng, nhưng lại tiềm ẩn nhiều phản ứng phụ. Nó là ưu và cũng có thể là khuyết điểm của vị HLV họ Hoàng, chưa nói đội ngũ trợ lý HLV.
Phải nhận ra điều gì đó, khi lần thứ 2 liên tiếp trong 2 năm, HLV Hoàng Anh Tuấn và U19 Việt Nam thất bại nặng nề ở một trận knock-out chứ, hay lại tặc lưỡi?! Năm ngoái là trận thua 0-6 trước Thái Lan tại trận chung kết và giờ, chúng ta thua tiếp U19 Australia.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa