(Thethaovanhoa.vn) - Mỹ Đình, đêm ngày 15/12/2018, hành trình 10 năm trôi qua với tất cả những cung bậc cảm xúc khác nhau. Vui buồn, cay đắng, tiếc nuối, để rồi vỡ oà. Quan trọng hơn, đó là những ngày làm việc không đơn giản. Hôm nay, khi men say chiến thắng và hạnh phúc lắng lại, cũng là chúng ta bình tâm nhìn - ngẫm lại cái đã có và nghĩ về chặng đường phía trước.
Thành công hôm nay cộng hưởng từ nhiều yếu tố. Nôm na là thiên thời- địa lợi– nhân hòa. Những chiến tích ở cấp độ trẻ thời gian qua, đủ để làm nền và kích hoạt chúng ta. Đó đã là nền móng để tiếp tục xây dựng những điều vững chãi hơn. Dẫu công tác đào tạo trẻ không phải lúc nào cũng suôn sẻ và cho ra sản phẩm ưng ý nhưng lứa quả ngọt hôm nay là có thật. Nói thế để thấy, con người vẫn là nhân tố quan trọng nhất.
Xúc động khoảnh khắc Văn Lâm ôm khung thành một mình sau khi Việt Nam vô địch
Sau đêm lên ngôi, chúng ta có quyền hy vọng mọi chuyện sẽ khác đi và tốt đẹp hơn cho bóng đá Việt. Đó là chúng ta có được một nhà cầm quân giỏi. Bên cạnh một thế hệ cầu thủ được coi như "vàng ròng". Thế hệ cầu thủ không chỉ tài năng, đồng thời để lại xác tín về phẩm chất đạo đức. Biết chơi bóng và đá bóng đoàng hoàng. Suy cho cùng, họ không phải lứa "lúa trời" để gặt sẵn. Vậy nên lời cảm ơn từ các lò đào tạo trẻ đã miệt mài thời gian qua là nên làm. Ông Park đến và dìu dắt họ, với 2 tiêu chí chuẩn mực: giỏi và đạo đức, hay rộng hơn là năng lực thật sự và cống hiến hết mình. Chính lứa cầu thủ này là sản phẩm có được từ những cái nôi ấy. Những trung tâm hay địa phương, gắn liền cùng những người làm bóng đá tâm huyết.
Chúng ta xúc động trước hình ảnh thủ môn Đặng Văn Lâm ôm cột khung thành khóc nức nở trong đêm chung kết. Lâm Tây nghẹn ngào như thế, khi biết rằng những gian lao của mình rồi cũng được đền đáp. Trước đó là quãng thời gian lận đận của Lâm. Có thể giấc mơ chơi bóng trên chính quê nhà đã không thành hiện thực, nếu bóng đá Hải Phòng không nhận thủ môn này về ăn tập vài năm trước. Lá thư của mẹ Đặng Văn Lâm đã giãi bày và cảm ơn tất cả. Cảm ơn những ai đã tin và trao cơ hội cho Lâm.
Hay như Phạm Đức Huy, trong lúc các đồng đội đang tưng bừng hạnh phúc, tiền vệ này ngồi bên rìa sân và nhìn xa xăm. Hỏi ra mới biết, ngày đội tuyển vô địch 2008, Đức Huy và cả Đỗ Duy Mạnh chính là những cậu bé tuổi 13 nhặt bóng trên sân. Huy của 10 năm trước, từng mơ ước ngày nào đó được bước ra thảm cỏ Mỹ để chơi bóng. Mơ ước cùng khát vọng của Đức Huy hay Duy Mạnh cuối cùng đã thỏa lòng. Hơn thế nữa, khi bây giờ họ được nâng cúp. Còn gì ngọt ngào hơn.
Nếu như năm 2008, niềm vui vỡ òa những phút giây sau cuối, thì ngôi vô địch 2018 hội đủ sự đĩnh đạc của một nhà vô địch thực thụ. Phải chăng đó là thần thái của người đi chinh phục? Nhìn toàn cục, rõ ràng chúng ta đã có những nâng tầm rõ rệt cả tố chất, kỹ năng và tư duy chơi bóng. Cái ngưỡng trước đây như mặc định: “tố chất của chúng ta còn nhiều hạn chế để chạm tới đỉnh cao” lúc này đừng coi đó để mà dừng lại. Hãy cùng nhau tin rằng chức vô địch AFF Cup 2018 mới chỉ là điểm khởi đầu, để bước tiếp. Có lẽ đã đến lúc phải có khát vọng và chinh phục giấc mơ cao hơn. Phía trước đã là ASIAN Cup, thêm một giải đấu châu lục, lần này ở tầm đội tuyển Quốc gia. Bằng cách nào, làm như thế nào và cần điều gì nữa, để bóng đá Việt Nam vượt qua đỉnh cao khu vực.
Quang Hải đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam, Việt Nam sẽ bỏ xa Thái Lan trên bảng xếp hạng FIFA là những thông tin chính có trong chuyển động bóng đá Việt ngày 18/12.
Đã có những ý tưởng, chẳng hạn đưa một số tuyển thủ có tiềm năng như Quang Hải, Đình Trọng… ra nước ngoài cho họ phát triển. Những mô hình đào tạo cần quy mô, chuyên nghiệp và bài bản hơn. Những lứa trẻ phải được cọ xát và trui rèn thường xuyên, hay phát triển bóng đá cộng đồng, bóng đá học đường, để tìm ngọc và mài ngọc.
Đêm đăng quang AFF Cup 2018 không chỉ hiện thực giấc mơ đã trải qua nhiều biến động. Cũng không đơn thuần là ngày mừng công chiến tích. Đó còn là trách nhiệm của những nhà quản lý, điều hành bóng đá nước nhà vừa được chọn lên cho chặng đường mới.
Nên nhớ, thành công là cả hành trình, chứ không chỉ đích đến.
Hồng Đào