Tuyển Việt Nam & những nguy cơ tiềm ẩn trước vòng bán kết

Chủ Nhật, 27/11/2016, 17:46 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Tuyển Việt Nam đã vào bán kết AFF Cup. Người hâm mộ có lí do để vui mừng. Nhưng nhìn lại hành trình những trận đã qua của các cầu thủ, không phải không có những lí do khiến chúng ta cảm thấy lo ngại và phải cẩn trọng trước cuộc chiến ở bán kết.


Có thể nói HLV Hữu Thắng đã dùng tất cả những cầu thủ có phong độ tốt nhất đang có trong tay. Điều đó có nghĩa là Việt Nam coi như không còn “vũ  khí bí mật” nào với đối thủ. Bất ngờ nếu có sẽ đến từ chính lối chơi và phẩm chất của những cầu thủ mà Hữu Thắng đã dùng cho tới lúc này.

Lối chơi của tuyển Việt Nam cho tới lúc này cũng không khó để nhận diện. Cơ bản là phối hợp bóng ngắn, tìm cách xâm nhập cấm địa đối thủ để dứt điểm ghi bàn và gần như mọi đường bóng tấn công hay phản công nguy hiểm nhất đều bắt buộc phải qua chân của Xuân Trường. Cả 3 bàn thắng của tuyển Việt Nam ghi vào lưới Myanmar và Malaysia đều có dấu giày của Xuân Trường.

'Việt Nam sẽ vào chung kết với Thái Lan'

'Việt Nam sẽ vào chung kết với Thái Lan'

Ngồi kế bên người viết tại khu vực báo chí sân Thuwanna chiều 23/11, Kyaw Kyaw Moe, cây viết của tạp chí Thể thao Myanmar, dành những lời khen ngợi đặc biệt cho đội tuyển Việt Nam...

Trước Myanmar và Malaysia, Việt Nam đều cầm bóng nhiều hơn và tạo được thế chủ động nhờ có bàn thắng trước. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng bộc lộ vấn đề rất rõ ràng là không thể “sống” thiếu Xuân Trường và phản ứng lúng túng khi bị đối thủ gây áp lực ở tốc độ cao.

Hơn nữa, có những tình huống đầy thử thách mà tuyển Việt Nam vẫn chưa gặp phải. Thứ nhất, Xuân Trường vẫn chưa bị đối thủ “quây”, chưa bị “chăm sóc” đến mức không còn không gian, thời gian để phát huy khả năng chuyền bóng tuyệt hay của mình. Thứ 2, chúng ta cũng chưa bị đẩy vào thế bị động về mặt tỷ số, tức là chưa bị dẫn trước để bắt buộc phải gia tăng áp lực tấn công. Thứ 3, chúng ta vẫn may mắn vì hàng thủ và thủ môn Nguyên Mạnh chưa thực sự bị thử thách bởi những chân sút có chất lượng cao.


Xem Việt Nam hạ Myanmar 2-1

Xem Việt Nam hạ Malaysia 1-0

Và nữa, tuyển Việt Nam rõ ra phản ứng khá bị động và lúng túng khi đối thủ bất ngờ gia tăng tốc độ tấn công thay vì đá chậm nhưng đấy mới chỉ là trong một khoảng thời gian còn tương đối ngắn. Vậy nên sẽ không thừa nếu chúng ta đặt ra những câu hỏi tình huống trước cuộc chiến ở bán kết.

Nếu phải liên tục chịu áp lực tấn công nhanh của đối thủ thì tuyển Việt Nam sẽ đối phó thế nào? Nếu Xuân Trường bị vô hiệu hóa (một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra, nên nhớ thể lực của Trường là không thực sự tốt) thì Việt Nam sẽ triển khai tấn công hoặc phản công kiểu gì? Làm thế nào để giải tỏa áp lực tấn công nhanh của đối phương? Và nếu bị dẫn trước thì chúng ta phản ứng thế nào là hợp lý nhất? Làm thế nào để hạn chế tối đa khoảng trống phía trước hàng thủ và trong vòng cấm mà tuyển Việt Nam đã để lộ ra trong các cuộc chiến với Myanmar và Malaysia?


Indonesia của ông Alfred Riedl có khả năng chơi bóng bổng tốt, tốc độ và thể lực của các cầu thủ cũng rất tốt. Rõ ràng, đó là bài toán không hề dễ giải cho các học trò Hữu Thắng một khi hai đội gặp nhau ở bán kết. Hãy nhìn sự sụp đổ của Singapore trong hiệp 2 trước Indonesia để thấy đội bóng xứ vạn đảo có thể gây áp lực ở tốc độ cao đáng ngại thế nào. Hãy nhìn những hiểm họa mà những cầu thủ dù không thực sự sắc bén nhưng rất nhanh và khỏe của Myanmar đã gây ra cho Việt Nam ở hiệp 2 trận ra quân của chúng ta tại AFF Cup năm nay.

Rõ ràng, chúng ta vui vì đã đạt mục tiêu bước đầu nhưng hoàn toàn chưa có lí do gì để quá mừng vì tránh được Thái Lan ở bán kết. HLV Hữu Thắng còn nhiều việc phải làm để cải thiện hiệu quả thi đấu của đội tuyển.

HT

Nguyễn mạnh quang  (28/11/2016 11:07:33)
Manhquang81@yahoo.com
Đúng nhưng lại là sai, viết ra như vậy chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng. Nếu đối thủ đọc được bài viết này thì hậu quả sẽ như thế nào. Những ý kiến bình luận về khuyết điểm của đội tuyển như thế này chỉ nên đóng góp nội bộ, không nên đăng tải lên mạng. Nhà báo cứ nghĩ mình viết lên đây là hay, nhưng vô tình làm hại đến đội bóng rồi.
thanh trung  (28/11/2016 12:56:33)
aladin2891982@yahoo.com
Bài viết đưa ra nhận định hoàn toàn đúng. Chúng ta đang gặp phải nhược điểm là khi đối phương tăng tốc thì hàng thủ của chúng ta lập tức hoảng loạn và mất phương hướng. Indonesia và Thái Lan là những đội có những miếng tấn công rất nhanh và tốc độ. Chúng ta cần tìm ra phương pháp để giải bài toán này mới mong có thành công.
Nguyễn Hồng Tân  (27/11/2016 06:48:25)
uagtam@gmail.com
Những vấn đề tác giả HT nêu lên là đúng, nhưng chỉ mang tính lí thuyết. Bởi trong giải đấu này, trình độ các đội bóng không chênh lệch nhau nhiều. Nên những gì đối phương muốn thực hiện không phải dễ. Chẳng hạn, muốn bắt chết Xuân Trường, đội bạn cần bao nhiêu cầu thủ ? Và khi đó đội hình của họ sẽ ra sao ? Các cầu thủ của ta sẽ xử lý các khoảng trống do họ để lại thế nào...? Khi trình độ xấp xỉ nhau thì khó người khó ta, mà dễ người cũng dễ ta. Không việc gì phải sợ !
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến