Tuyển Việt Nam dưới thời Hữu Thắng: Công cứng, thủ cường

Thứ Sáu, 10/6/2016, 6:7 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - 5 trận đấu quốc tế đã kinh qua, từ giải đấu chính thức đến giao hữu, Đội tuyển quốc gia (ĐTQG) dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng thắng 4 và chỉ thua 1; ghi được 11 bàn thắng và chỉ để lọt lưới 3 bàn… Những con số hết sức ấn tượng ở vạch xuất phát với một tân HLV trưởng, cũng là xưa nay hiếm.

Kể từ chiến thắng 4 – 1 trước Đài Loan (Trung Quốc) ở Mỹ Đình, trong khuôn khổ Vòng loại World Cup 2018, đến khi khép lại bằng chức vô địch AYA Bank Cup 2016 (vượt qua Singapore 3 – 0), ĐT Việt Nam đã cho thấy sự tiến bộ đáng kể.

Xây chắc bức tường lửa

Thông thường, các HLV trưởng đều xây dựng cơ chế vận hành của đội bóng bắt đầu từ hàng phòng ngự. Sự nghiệp thi đấu, trước khi chuyển qua huấn luyện, Hữu Thắng từng đá trung vệ, nên không bất ngờ khi ông tiếp tục tuân thủ triết lý này. Hàng tứ vệ, với Ngọc Hải, Ngọc Thịnh, Đình Đồng và Đình Hoàng được xem là ưu tú bậc nhất của ĐT Việt Nam vào thời điểm hiện tại, với đầy đủ chất thép.

Đình Luật không lên tập trung lần này, trong tay HLV Hữu Thắng vẫn còn Âu Văn Hoàn, Vũ Văn Thanh, Đinh Tiến Thành và Bùi Tiến Dũng. Tức là cứ 1 vị trí, ông Thắng có ít nhất 2 sự lựa chọn và đấy là một công thức khoa học. Trận thắng Đài Loan (Trung Quốc), Đình Luật và Ngọc Hải đã chơi rất hay. Ngoài ra, Văn Thanh được xem là họng súng trong tay áo, với khả năng hỗ trợ tấn công hoàn hảo.

Năm 2008, khi bóng đá Việt Nam lần đầu tiên đăng quang tại một kỳ AFF Cup, HLV Calisto cũng duy trì sự ổn định bằng hàng tứ vệ với cặp trung vệ Như Thành – Phước Tứ, Việt Cường và Quang Thanh trấn giữ 2 hành lang cánh, lên công về thủ. Trước đó, ở vòng bảng, Minh Đức – một mẫu trung vệ thông minh, và Quang Cường (hậu vệ cánh) cũng thi thoảng được lựa chọn đứng trong đội hình xuất phát.


Công Vinh – tiền đạo, Ngọc Hải – trung vệ là thủ lĩnh ở hai tuyến của ĐTVN - Ảnh: Tuân Phạm

Đã xuất hiện những sai số trong hệ thống phòng ngự của ĐT Việt Nam ở trận đá với Hong Kong (Trung Quốc) mới đây, đầu tiên là lỗi phán đoán bóng bổng của Ngọc Thịnh dẫn đến bàn thua đầu, và sau đó, toàn bộ hàng phòng ngự bị hút về hướng bóng, để xổng McKee quân bình tỷ số 2 – 2 ở những phút cuối trận. Tuy nhiên, tình hình đã được cải thiện ở cuộc đối đầu với đối thủ đầy duyên nợ Singapore.

Cũng tựa như trận thua 0 – 1 khá đáng tiếc trước Iraq, trong khuôn khổ Vòng loại World Cup 2018, sự mất tập trung của hàng thủ trong phút đấu bù hiệp 1, khiến chúng ta phải trả giá, thì trận giao hữu với Syria mới đây, đội bóng đã cố gắng để cải thiện tình hình. Tức là, cứ sau một bài học được rút ra, thầy trò Nguyễn Hữu Thắng lại tốt lên. Điều này cho thấy đội bóng đang tiến bộ.

Thẳng thắn mà nói, trận chung kết AYA Bank Cup, Singapore không chủ công, mà chọn lối chơi phòng ngự - phản công có phần tiên cực, vì thế sức ép lên cầu môn của Nguyên Mạnh không quá lớn. Nhưng đổi lại, HLV Nguyễn Hữu Thắng có nhiều hơn thời gian để thực thi triết lý bóng đá mà mình theo đuổi: Kiểm soát bóng và kiểm soát trận đấu. Các bàn thắng đến dù hơi muộn (ở trong hiệp phụ), nhưng thế là đạt yêu cầu.

Đi săn bằng súng 2 nòng

Công Vinh đã, đang và vẫn cho thấy vai trò đầu tàu, với pha lập công thứ 4 trong 3 trận gần nhất. Nếu tính cả chiến thắng 4 – 1 trước Đài Loan (Trung Quốc) như đã nhắc ở trên, thì dưới thời HLV Hữu Thắng, Vinh đã ghi 6/11 bàn thắng cho ĐT Việt Nam, ở những trận đấu quốc tế. Vinh sẽ chưa dừng lại, khi nhận được sự tin tưởng. Cách đây 8 năm, phải đợi đến trận chung kết lượt đi với Thái Lan, Vinh mới nổ súng.

Công Vinh rất quan trọng trên hàng công của ĐT Việt Nam, nhưng để tạo vũ khí chiến thắng, Vinh cần đối tác. Và Văn Quyết là lời giải hoàn hảo trong tay HLV Hữu Thắng. Ở Mỹ Đình trận giao hữu với Syria, Quyết ghi bàn ấn định chiến thắng 2 – 0; trên đất Myanmar, anh ghi thêm một bàn nữa vào lưới Singapore tại trận chung kết AYA Bank Cup, đồng thời có ít nhất 2 pha kiến tạo cho người đá cặp “CV9”.

Công Vinh và Văn Quyết tung hứng, đến lúc này, không ai còn bận tâm đến việc cần thiết phải tìm một trung phong cắm cho ĐTQG nữa. Đấy là chưa kể, Thành Lương, rồi Văn Toàn và Thanh Trung khuấy đảo ở 2 hành lang cánh, bó vào trong, thực hiện những đường căng ngang hoặc ra chân khi có cơ hội. Chiến thắng 3 – 0 trước Singapore cho thấy đầy đủ sự đa dạng trong tiếp cận cầu môn của ĐT Việt Nam.

Bàn đầu, Công Vinh thoát xuống đón đường chọc khe của Văn Quyết, ra chân trái vốn không phải là chân thuận của tiền đạo này, xé rách mành lưới Singapore. Đây không phải lần đầu tiên Vinh ghi bàn bằng chân trái, khi cách đây non chục năm, trận thắng UAE 2 – 0 ở Mỹ Đình, trong khuôn khổ VCK Asian Cup 2007, Vinh từng thực hiện động tác lốp bóng bằng chân không thuận từ khá xa cầu môn và thành công.

Công Vinh: Số 1 ở tuyển Việt Nam nhưng không là số 1 tại B.Bình Dương

Công Vinh: Số 1 ở tuyển Việt Nam nhưng không là số 1 tại B.Bình Dương

Vẫn đang là chân sút không thể thay thế ở ĐTQG từ hơn 10 năm nay, nhưng khi trở về CLB B.Bình Dương, Công Vinh lại chỉ là cái bóng mờ trong dàn sao nơi đây. Tên tuổi một ngôi sao không đồng nghĩa với sự phục tùng của cả tập thể.


Văn Quyết và Công Vinh tiếp tục là đối tác cho bàn thắng thứ 2, khi Quyết chủ động tìm khoảng trống ít ỏi giữa 2 chân hậu vệ đối phương, găm bóng, khiến thủ thành Singapore bất ngờ. Bàn thứ 3 của Thanh Trung đến từ một pha phản công kinh điển, khi Văn Toàn dẫn bóng đến vài chục thước, xộc thẳng vào trung lộ, chuyền bóng như đặt, để Thanh Trung tung cước, ấn định chiến thắng đậm cho ĐT Việt Nam.

Sẽ là thiếu công bằng, nếu không nói đến vai trò giữa nhịp và điều phối bóng của cặp tiền vệ trẻ Tuấn Anh – Xuân Trường. Trước một đối thủ mạnh, chơi pressing như Iraq ở Vòng loại World Cup 2018, Tuấn Anh và Xuân Trường từng “tắt điện”, nhưng đấy mới là điểm khởi đầu, để họ bắt đầu vỡ ra những bài học và tiến bộ. Cứ soi lại các trận đấu với Syria, Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore mà xem.

Có nhiều ý thắc mắc, cho rằng tại sao trong quá trình chạy đà, chuẩn bị hướng tới AFF Cup 2016, HLV Nguyễn Hữu Thắng chỉ thử nghiệm khá hạn chế các nhân tố mới. Thắc mắc này không phải không có lý, khi 2 trận đấu ở Myanamr mới đây, HLV Hữu Thắng chỉ đổi 1 người trong đội hình xuất phát (Văn Toàn thay cho Thanh Trung). Nhưng, khi đội bóng đang có sự ổn định và hiệu quả, có nhất thiết phải thay đổi không?!

Sơ đồ 4 – 4 – 2 có chút biến thể khi có bóng và khi mất bóng, cho ĐT Việt Nam đầy đủ con người lúc triển khai tấn công, và cũng không cảm thấy thiếu hụt khi tổ chức phòng ngự. Sự cơ động của cặp tiền vệ trung tâm, cùng 2 vị trí tiền vệ cánh là cực kỳ quan trọng, để đảm bảo về mặt quân số. Chúng ta luôn có ít nhất 5 – 6 cầu thủ vây hãm khung thành đối phương và 6 – 7 người khác tham gia phòng ngự khu vực. Rất linh hoạt và tốc độ.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Nguyễn tuấn nghĩa  (10/06/2016 06:41:18)
Nghin7369@gmail.com
Nền bóng đá nước nhà ít tiến bộ bỡi những bài báo tâng bốc kiểu này
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến