(Thethaovanhoa.vn) - Từ kết quả khả quan chuỗi các trận đấu chạy đà đến AFF Cup 2016, nhiều ý kiến cho rằng, chưa bao giờ ĐT Việt Nam có được sự chuẩn bị chu đáo như lần này. Tiền hô hậu ủng đấy là điều tốt, khi đội bóng nhận được nhiều sự quan tâm, thậm chí là quan tâm lớn, song hãy bình tĩnh, tự chủ, cẩn thận với những lời có cánh.
Sự thật là, chưa bao giờ các ĐTQG lại không có sự chuẩn bị tốt nhất trước thềm mỗi giải đấu cả. Năm 2014 và 2015, các đội bóng dưới thời Toshiya Miura cũng từng được cho là rất khả quan. Trước đó nữa là “vương triều” của 2 tướng nội Phan Thanh Hùng, rồi Hoàng Văn Phúc và thậm chí, năm 2011, HLV Falko Goetz được giới thiệu đến Việt Nam với một bản “CV” (lý lịch trích ngang) gần như hoàn hảo. Nhưng tất cả đều chung một mẫu số thất bại và thất vọng cứ kéo dài…
Lịch sử không phải bản quy ước, nhưng có thể đối chiếu. Chúng ta chưa quên các thất bại ở chung kết Tiger Cup 98 (giải đấu tiền thân của AFF Cup bây giờ), SEA Games 2007 tại Thái Lan, rồi Vientiane, Lào (2009)… Tức là, cứ khi nào kỳ vọng lên cao, thì đấy lại là khởi đầu cho thất vọng đến não nề. Tất cả đang mơ về chức vô địch AFF Cup 2016 để khép lại một năm đại cát cho nền bóng đá. Lê Công Vinh nói rằng, phải thắng mình trước đã, rồi mới mong thắng đối thủ.
ĐT Việt Nam đang thừa hưởng một thế hệ cầu thủ trẻ tài năng, nhưng vai trò của các cựu binh như Công Vinh, Văn Quyết, Thành Lương và Đình Luật vẫn rất quan trọng. Người trẻ tiềm ẩn khả năng bùng nổ, tạo yếu tố bất ngờ, tuy nhiên, người trẻ cũng thiếu ổn định và đầy điểm yếu, rõ nhất là tâm lý chiến (yếu) và sự háo thắng, dễ lâm cảnh loạn đao pháp. Thời HLV Miura, thuyền trưởng người Nhật Bản cũng từng thực thi một cuộc cách mạng trẻ hoá triệt để, để rồi thất bại đấy.
Học trò ông Thắng đã và đang chơi rất hay khi sở hữu bóng. Họ chơi thứ bóng đá hấp dẫn, giàu tính cống hiến và giàu cả các bàn thắng, từ nhiều hướng tấn công khác nhau. Ngay sau khi mất bóng, cầu thủ được hiệu lệnh bố ráp ngay lập tức hòng đoạt lại bóng. Ít nhất cho đến thời điểm này, chúng ta chưa thấy biểu hiện của thất bại với tiêu chí chiến thuật ấy, ngoại trừ các cuộc đối đầu với Iraq và Thái Lan, trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2018. Đơn giản, họ mạnh hơn.
Rất thẳng thắn, cựu trung vệ ĐTQG Châu Lê Phước Vĩnh cho rằng HLV Hữu Thắng đang sở hữu đội hình thiện chiến và tốt nhất từ trước đến nay, song khả năng vô địch sẽ rất khó khi khoảng cách giữa các đội bóng trong khu vực ngày càng thu hẹp.
Khả năng tổ chức phòng ngự, bọc lót và tránh sai số ở tuyến thấp nhất đội hình, thực sự là một nỗi lo, vắt qua nhiều trận đấu tập vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Tức là chiến thuật không bóng của ĐT Việt Nam đang có vấn đề: HLV Hữu Thắng chưa thể đưa ra lời giải, phải làm gì khi không có bóng trong chân và khi khi đối phương không cho mình không gian chơi bóng?! Đấy sẽ là những bài toán mà Myanmar và Malaysia dành sẵn cho ĐT Việt Nam tại bảng B, AFF Cup 2016.
Chia sẻ trên chương trình Đội tuyển tôi yêu (Truyền hình K+), cựu tiền đạo ĐT Việt Nam, nhà vô địch AFF Cup 2008, Nguyễn Việt Thắng cho rằng, nếu chúng ta có thể đoạt được lại bóng ngay trên phần sân đối phương, thì tính bất ngờ trong đánh- úp- ghi- bàn, sẽ cao hơn nhiều so với việc tổ chức bóng từ phần sân nhà. sự nghiệp, Việt Thắng đá trung phong cắm và thường xuyên phải vài vai “chim môi”, phòng ngự từ xa, mẫu cầu thủ hy sinh phục vụ lối chơi chung của đội bóng.
Ngày lên đường đã điểm nhưng ĐT Việt Nam vẫn chưa dứt những tại. Nói như một trợ lý HLV của Hữu Thắng thì, may mắn nhất lúc này là đội bóng gần như không còn ca chấn thương quá nghiêm trọng nào. Bản thân thuyền trưởng người xứ Nghệ cũng giữ sự im lặng, khi các phóng viên có ý đề nghị ông nói mấy câu trước giờ lên máy bay. “Người đàn ông thép” Nguyễn Hữu Thắng muốn câu trả lời ở trên sân, khi ông và các học trò ra thực chiến trên đất Myanmar những ngày tới đây.
Vậy còn chờ gì nữa!
Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa