(Thethaovanhoa.vn) - Tuấn Anh trở lại và được kỳ vọng sẽ là “họng súng hai nòng” của bầu Đức, vừa giải quyết bài toán nơi hàng công vừa giải luôn con số khán giả ở khán đài.
1. Bên cạnh Hà Nội với lối chơi bóng nhỏ, phạm vi hẹp pha sự thực dụng được kế thừa từ thời HLV Phan Thanh Hùng đến HLV Chu Đình Nghiêm thì HAGL được xem là đội bóng có tính chiến đấu, giàu sức tấn công ở V-League. Triết lý mà bầu Đức muốn thổi vào những “đứa con” của mình là sự tận hiến. Dù kết quả ra sao thì những phút bù giờ họ vẫn phải tấn công. Tấn công là lẽ sống được “đám trẻ nhà bầu Đức” thấm nhuần trong giáo án thuở sơ khai.
Trong bối cảnh “người người ở V-League, nhà nhà ở V-League” trọng dụng những ngoại binh cho vị trí tiền đạo thì HAGL vẫn nhất quán trao cơ hội cho các tiền đạo nội. Đây là chủ trương được xem là mạo hiểm bởi ở môi trường khắc nghiệt như V-League, khó “đào” ra những trung phong vừa có thể hình tốt, vừa khỏe như các ngoại binh để chiến với hàng phòng ngự ngày càng được xây dựng trên nền tảng của tầm vóc cao to.
Hệ quả tất yếu, ở giai đoạn lượt đi, HAGL là đội bóng có số bàn thắng ít thứ 2 ở giải đấu. Với 14 bàn có được, các cầu thủ phố Núi chỉ xếp trên đội chót bảng Long An. Ngoài vấn đề thiếu đi một trung phong, HAGL còn thiếu một “chân chuyền” đủ sức nặng để xuyên thủng hàng phòng ngự đối phương. Châu Ngọc Quang hay Triệu Việt Hưng được tính đến song vẫn chưa thể giải quyết chỗ trống của Tuấn Anh. Và khi đội bóng phố Núi quyết định chia tay tiền vệ Masaaki Ideguchi thì họ quyết chơi “canh bạc tất tay” để đặt dồn niềm tin vào tiền vệ quê Thái Bình này.
2. Tuấn Anh đã khẳng định được tài năng ở màu áo U19 Việt Nam cũng như ĐTQG. Trên bình diện câu lạc bộ, tiền vệ quê Thái Bình cũng đóng góp đáng kể vào thành tích trụ hạng của HAGL ở mùa giải đầu tiên tham dự V-League vào năm 2015.
Công Phượng tiết lộ bí mật của Tuấn Anh, báo chí nước ngoài ca ngợi HLV Weigang là những thông tin chính bóng đá Việt 15/6.
Ngoài vấn đề về chuyên môn thì hình ảnh của Tuấn Anh còn được khai thác tối đa. Tài năng, sự khiêm tốn của tiền vệ này đã chiếm được cảm tình của người hâm mộ. Anh cùng với những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn là “thỏi nam châm” thu hút người hâm mộ đến sân không chỉ để thưởng lãm phong cách chơi bóng mà còn để tận mắt chứng kiến thần tượng “bằng xương bằng thịt”. Đó cũng là lý do mà ở mùa giải 2015, sân Pleiku có số lượng khán giả đến sân nhiều nhất với trung bình hơn 9.200 khán giả/trận. Chuyện các khán đài không còn chỗ trống rất nhiều lần xảy ra, thậm chí, ở trận ra quân gặp S.Khánh Hòa BVN, sân Pleiku bị vỡ vì sức chứa 13.000 chỗ ngồi không đủ cho nhu cầu của hàng vạn người xem.
Tuy nhiên, một năm sau, khi Tuấn Anh cùng đồng đội là Xuân Trường và Công Phượng đi “du học”, lượng khán giả đến sân Pleiku giảm sút đáng kể. Chỉ có trung bình gần 7.200 người/trận. Đứng sau cả sân Lạch Tray, Chi Lăng, Thanh Hóa và Cẩm Phả.
Con số đó ở giai đoạn lượt đi nhích lên 8.700 người/trận song chưa có trận đấu nào, sân Pleiku kín khán giả. Với sự trở lại của Tuấn Anh, HAGL cũng kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo trên khán đài.
Nam Giao
Thể thao & Văn hóa