(Thethaovanhoa.vn) - Khá nhiều nhà chuyên môn ngạc nhiên khi tham dự VCK U23 châu Á 2018, đối đầu với hầu hết đội bóng trẻ châu lục nhưng U23 Việt Nam chỉ để thủng lưới 9 bàn.
Rõ ràng, con đường đến với chức Á quân U23 châu Á của Việt Nam khá chông gai. Với 8 bàn thắng, 9 bàn thua hàng công của đội chưa được đánh giá cao thì ngược lại hàng thủ của U23 Việt Nam được cho rằng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Điều gì đã khiến họ có thành tích ấy?
Cảm ơn sự nghiệt ngã của V-League
Hàng hậu vệ 5 người của U23 Việt Nam có 4/5 cầu thủ thường xuyên chinh chiến tại đấu trường V-League, người còn lại là trung vệ Tiến Dũng (Viettel) cũng đá chính tại giải hạng Nhất. Nếu không có hơn 20 trận đấu trong mùa giải vừa qua chắc chắc bản lĩnh và trình độ chuyên môn của Xuân Mạnh, Văn Thanh, Đình Trọng, Duy Mạnh và Tiến Dũng. Khi đối đầu với các ngoại binh Merlo, Samson hay các tiền đạo ngoại khác các hậu vệ U23 quốc gia đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm. Như thế, xét cho cùng sự có mặt của các ngoại binh cũng góp phần nâng tầm bóng đá Việt. Điều quan trọng là cầu thủ trẻ phải được cơ hội ra sân cọ xát, va chạm.
Ngoài việc chinh chiến các giải trẻ quốc tế, Công Phượng và các cầu thủ trẻ HAGL đã có 1 mùa giải “chấp Tây”, bầu Đức đã tạo cơ hội cho “những đứa con của Phố Núi” rèn giũa. Việc đối đầu với các hậu vệ ngoại binh có lối chơi rắn, va chạm mạnh đã rèn cho Công Phượng, Hồng Duy, Văn Toàn bản lĩnh đối đầu. Nếu không được thi đấu nhiều, từ ghế dự bị Hồng Duy không thể bắt nhịp nhanh như thế. Sự “hy sinh” của bầu Đức đã góp phần cho thành công chung của U23 Việt Nam lần này.
Làm gì để vươn xa hơn?
Tăng cường, mở rộng quy mô công tác đào tạo trẻ và sớm đưa các cầu thủ trẻ vào thi đấu cọ xát vẫn là điều bóng đá Việt Nam tiếp tục theo đuổi. Việc quy định mỗi đội bóng có 2 hay 3 ngoại binh không quan trọng bằng quy định này. Nếu không để cầu thủ trẻ có cơ hội được vào sân thì khó lòng nâng cao chất lượng U23 và đội tuyển Olympic quốc gia.
Chiều 30/1, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã gặp mặt Ban huấn luyện và các cầu thủ Đội tuyển U23 Việt Nam.
Bên cạnh đó, đã đến lúc cần có chiến lược “bia kèm lạc” trong việc chuẩn hóa công tác đào tạo trẻ của các đội V-League. Theo đó, nên quy định cứng nếu có đội dự giải từ U11 đến U21, mỗi giải được cộng 1 điểm vào điểm số V-League (tối đa 6 điểm). Quy định này nhằm ngăn chặn các đội bóng kiểu như TP.HCM, tung tiền mua HLV, cầu thủ để mua thành tích mà quên đi công tác đào tạo trẻ, gốc rễ của bóng đá chuyên nghiệp. Sẽ không công bằng và bóng đá mất đi bản sắc địa phương lẫn tính hệ thống nếu có một đội bóng cầm tiền chờ sẵn, hút hết tài năng trẻ của các đội bóng khác
Danh hiệu Á quân U23 châu Á là thời điểm tốt để các nhà hoạch định bóng đá xác định lại chiến lược phát triển sân cỏ Việt Nam. Cần tạo điều kiện và mời gọi thêm các doanh nhân lớn tham gia vào sân chơi này, vì sự phát triển bóng đá nước nhà.
Đông Hùng