(Thethaovanhoa.vn) - Hạng tư châu Á; á quân U23 châu lục; vào đến bán kết ASIAD; vòng loại Olympic... sau gần 3 thập kỷ trở lại với đấu trường quốc tế, bóng đá Việt Nam đã có được những thành tích đáng kể ở tầm châu lục. Ấy vậy nhưng, sân chơi Đông Nam Á, vốn bị ví như cái "ao làng" lại nhiều lần khiến cả nền bóng đá quốc gia... đuối nước!
Tiền đạo tuyển Việt Nam khen HLV Park tâm lý, Tiến Dũng khát khao vô địch AFF Cup là những thông tin chính có trong chuyển động bóng đá Việt ngày 3/11.
1 lần là quá ít...
Phải sau gần 4 thập kỷ nằm trong khuôn khổ SEA Games như một môn thể thao, các đội tuyển bóng đá nam Đông Nam Á mới có được giải vô địch khu vực đúng chuẩn quốc tế được tổ chức tại Singapore vào năm 1998. Ra đời nhờ sự hỗ trợ tài chính từ thương hiệu beer, nên dễ hiểu cũng phải đến 2002, Tiger Cup mới thực sự là sân chơi riêng cho cấp đội tuyển khi một năm trước đó - SEA Games 2001 chỉ còn dành cho lứa U23.
Hết bia, rồi chuyển qua xe máy, những mặt hàng tiêu dùng bán chạy nhất khu vực, tính đến nay, giải vô địch Đông Nam Á đã qua 11 lần tổ chức và chẳng thể phủ nhận rằng, kết quả của nó phản ánh đúng thực trạng của bóng đá khu vực - Quá ít tính cạnh tranh. Mà đã ít cạnh tranh, đương nhiên, chẳng thể là động lực để phát triển.
Thái Lan vẫn là "ông kẹ" của khu vực với kỷ lục 5 lần vô địch, trong đó có 2 lần gần đây nhất. Singapore bằng nguồn lực cầu thủ ngoại cũng lên ngôi 4 lần, còn lại là Việt Nam và Malaysia cùng 1 lần khi "đánh úp" được chính người Thái.
Tất nhiên, để đạt đến tầm của người Thái, hay làm giống như cách Singapore là điều không thể với bóng đá Việt Nam trước kia cũng như tận lúc này, nhưng với chỉ 1 lần lên ngôi vô địch và đang giữ "kỷ lục buồn" - 6 lần bị loại ở bán kết, quả là khó để tiêu hóa. Chúng ta có thể chưa là số 1 thực sự, nhưng cơ hội bước lên ngôi số 1 rõ ràng không chỉ là 1 nếu biết tận dụng.
... và quá nhiều nỗi đau
Trở lại với nghịch lý đặt ra ở đầu bài viết, dù đã nhiều lần chen chân vào tốp đầu châu lục ở nhiều cấp đội tuyển, nhưng bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể khẳng định vị thế hàng đầu tại khu vực, thậm chí sân chơi này còn trở thành nỗi đau kéo dài qua nhiều thế hệ, khi những vấn đề nội tại của nền bóng đá quốc gia bị phơi bày.
Ngay từ Tiger Cup đầu tiên, năm 1996 tại Singapore, "nghi án" Weigang đòi đuổi “4 cầu thủ họ Nguyễn” về nước vì tội "bán độ", đến giờ vẫn chưa có câu trả lời chính xác nhất. Tương tự là 2 năm sau, bàn thua lãng xẹt và cay đắng trên sân Hàng Đẫy trong trận chung kết Tiger Cup 1998 giữa đội tuyển Việt Nam và Singapore. Gần đây nhất, đích thân VFF từng phải nhờ cơ quan công an điều tra trận thua bạc nhược đến khó hiểu trên sân Mỹ Đình của đội tuyển Việt Nam trước Malaysia tại bán kết lượt về AFF Suzuki Cup 2014...
Ngoài bóng ma tiêu cực luôn lởn vởn ở sân chơi số 1 Đông Nam Á, thất bại của đội tuyển Việt Nam còn xuất phát từ chính những vấn đề nội tại của cả nền bóng đá quốc gia. Tâm lý chạy theo thành tích ở cái sân chơi có chu kỳ cực ngắn (2 năm/1 lần), xen giữa là các kỳ SEA Games đã biến Tiger Cup trước kia và AFF Cup sau này trở thành cái "lò xay" HLV bất chấp là ngoại hay nội sau mỗi thất bại.
Quan ngại hơn, đằng sau mỗi thất bại trên sân cỏ Đông Nam Á là những cuộc biến động, xóa trộn lớn từ nhân sự đến chiến lược phát triển trên thượng tầng của nền bóng đá mà cụ thể ở đây là VFF, tổ chức chuyên môn quyền lực nhất.
Tại sao là 10 năm?
Trở lại với AFF Suzuki Cup 2018, càng gần đến giải, cụm từ "chu kỳ 10 năm" càng xuất hiện với tần suất dày hơn. Tại sao?
Câu trả lời khá đơn giản. Tiger Cup 1998, đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Alfred Riedl lần đầu vào đến chung kết. 10 năm sau, Calisto cùng các học trò mang về chiếc Cúp vô địch đầu tiên, sau khi đánh bại người Thái qua 2 trận chung kết. Và 10 năm nữa đã trôi qua, kỳ vọng chức vô địch thứ hai là vậy!
Hơn thế, tại kỳ AFF Suzuki Cup này, kỳ vọng của bóng đá Việt Nam còn lớn hơn nhiều sau thành công vang dội tại giải U23 châu Á và ASIAD 2018. Một thế hệ tài năng và sạch sẽ cùng ông thầy người Hàn Quốc Park Hang Seo lắm chiêu, quả là không vô địch thì thật uổng phí. Nhưng bóng đá vốn không phải là phép so sánh đơn thuần. Với sức mạnh hiện tại đội tuyển Việt Nam có cơ hội để bước lên ngôi vô địch, chứ chẳng hề là chắc chắn vô địch khi ở cấp độ đội tuyển tại khu vực, mọi đối thủ đều là ẩn số.
Nói giấc mộng 10 năm là thế!
Vũ Minh