Từ Messi, Raul tới... Tăng Tuấn, Sỹ Cường: Nghiệt ngã một chữ 'duyên'

Thứ Sáu, 10/7/2015, 5:12 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Thiếu duyên khiến họ không thể trưởng thành ở đội bóng quê hương? Hay là tài năng không kịp chín để được thừa nhận ở nơi mà họ tưởng đã thuộc về? “Bụt chùa nhà không thiêng” vẫn là câu chuyện quen thuộc của bóng đá.

Từ chuyện của... Messi, Raul

Bức ảnh thể thao đẹp nhất World Cup 2014 chụp hình Lionel Messi đau đáu nhìn chiếc Cúp vô địch thế giới như đang cười nhạo mình. Bốn bề hỗn loạn. Đôi mắt Messi như đang cố lảng tránh chiếc Cúp trên đường bước lên bục nhận HCB, ở giải đấu mà anh kéo cả đội Argentina vào chung kết mà không thể vô địch.

Hình ảnh thể thao ấn tượng nhất tháng qua vẫn là Messi: 2 tay chống nạnh, đứng như một khúc tượng gỗ khi một chú nhóc mặc áo đội tuyển Chile tiến tới ôm eo anh chụp hình. Messi đứng im lên hình cùng chú bé, dường như không còn chút sức sống nào.

Hậu Copa America 2015, người dân Argentina đổ mọi tội lỗi lên đầu Messi sau trận chung kết mà họ thua Chile để cơn khát danh hiệu kéo dài. Báo Ole của Argentina viết bài bình luận cay nghiệt, chỉ trích Messi “chỉ biết đi bộ ở chung kết”, mà quên rằng chính anh đã kết nối cả đội tuyển trong chiến thắng 6-1 trước đội tuyển Paraguay.

Người Argentina bị Messi ám ảnh. Một nỗi tự ái Messi là “người Catalunya đá thuê cho Argentina”. Một Messi đánh mất những nét láu cá của một “Pibe” đặc sệt chất Argentina không được tái hiện như họ muốn thấy kể từ sau vị Chúa bóng đá Diego Maradona. Messi quá hiền. Messi ở Argentina chỉ biết im lặng sau thất bại, khác hẳn với quyền thế ở Barca, nơi anh có quyền chọn người đá cặp với mình, thậm chí tác động đến chiến thuật của tập thể.

Đó là câu chuyện điển hình của mối lương duyên trong bóng đá. Messi bị ghẻ lạnh ngay chính quê hương, bởi đồng bào mình. 13 tuổi, anh đã cầu cứu đội bóng quê nhà Newell’s Old Boys trợ giúp tiền chữa bệnh thiếu hormone tăng trưởng nhưng bị từ chối. Anh và cha bay qua đại dương đến Barcelona và lớn cùng La Masia cho đến giờ, trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Nhưng Argentina vẫn chỉ như nhà trọ.

Cái duyên là số phận mà không phụ thuộc vào mong muốn chủ quan. Sinh ra trong một gia đình có cha là CĐV cuồng nhiệt của Atletico Madrid, Raul Gonzalez được khai tăng 3 tuổi để gia nhập lò đào tạo của đội bóng áo sọc đỏ-trắng. Nhưng một cơn điên của Chủ tịch Jesus Gil: Xóa bỏ toàn bộ hệ thống đào tạo trẻ của Atletico để… tiết kiệm tiền, khiến Raul chuyển sang đội trẻ Real Madrid và trở thành một huyền thoại ở đây.

Anh không như cha mình, Raul đã yêu Real. Đứa con cả được đặt tên là Jorge, giống Jorge Valdano, HLV Real đã cưu mang Raul. Đứa thứ hai được đặt tên là Hugo, giống huyền thoại Hugo Sanchez. Gia đình Raul trở thành “đối thủ” của cha.

Khi đã bén duyên

Bóng đá đôi khi vẫn có những ngã rẽ bất ngờ. Một biến cố ập đến và thay đổi số phận của nhiều thế hệ cầu thủ lẫn CĐV. Hậu bối Alvaro Morata chưa bao giờ ngừng yêu Madrid nhưng vẫn gật đầu đến Juventus để tìm cơ hội thi đấu, vốn quá ít ỏi ở tập thể nhiều ngôi sao của Carlo Ancelotti.

Thế rồi anh ghi bàn loại Real ở Champions League mùa qua mà không ăn mừng. “Cảm giác đắng ngắt trong cổ họng”, Morata nói. Anh bảo khi mới đến Turin, vẫn cứ ngỡ đang tập luyện với những đồng đội cũ, và phải một thời gian sau mới quên nổi Valdebebas (trung tâm huấn luyện của Real) để nhớ rằng đây là Vinovo.

Đó cũng là cuộc sống của rất nhiều danh thủ bóng đá Việt Nam nói chung và những cầu thủ Thanh Hóa nói riêng. Mai Tiến Thành từng bỏ cả chức thủ quân ở V.Ninh Bình để về với Thanh Hóa nhưng cũng không ở đây lâu và hiện giờ đang là cầu thủ của B.Bình Dương, trong khi một tài năng trẻ của bóng đá Thanh Hóa là Lê Văn Thắng thì giờ lưu lạc tận Cần Thơ.

Bố của Cao Sỹ Cường mê Thế Anh (Ba “đẻn"), Cao Cường, nên đặt tên các con là Cao Thế Anh, Cao Sỹ Cường, mong con mình được như thần tượng. Thế rồi trồi sụt của bóng đá Thanh Hóa đẩy Sỹ Cường đến đất Hà Nội, thăng hoa tại Hà Nội T&T thời HLV Phan Thanh Hùng.

Đàn em Tăng Tuấn lên Pleiku theo một người anh họ sống ở đây. Lưu Thanh Châu vốn là một thủ môn được HLV Nguyễn Văn Nhã của Công an Hà Nội chỉnh cho chơi tiền vệ rồi hậu vệ… Đó là cái duyên, số phận của nghiệp quần đùi áo số.

“Tây” cũng thế, ta cũng vậy, chẳng cưỡng lại được!

1 Trong số 3 đội bóng đang dẫn đầu bảng xếp hạng Toyota V-League 2015 là B.Bình Dương, Thanh Hóa và ĐTLA thì B.Bình Dương là đội bóng sở hữu số lượng cầu thủ bản địa trong đội hình ít nhất so với Thanh Hóa và ĐTLA, với chỉ duy nhất 1 cầu thủ là tiền đạo Anh Đức.

3 Hoàng Đình Tùng (9 bàn), Lê Văn Thắng (8) và Nguyễn Tăng Tuấn (7) là 3 cầu thủ nội ghi bàn tốt nhất tại Toyota V-League 2015, và dù cả 3 cầu thủ này đều là người Thanh Hóa, nhưng trong số này chỉ có Đình Tùng đang khoác áo Thanh Hóa, còn Văn Thắng và Tăng Tuấn lần lượt phục vụ cho XSKT Cần Thơ và B.Bình Dương.

5 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2015 quy định các CLB tham dự V-League và giải hạng Nhất phải có Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ hoặc Học viện bóng đá bao gồm các lứa tuổi từ U13 đến U21 (U13, U15, U17, U19, U21).

Gia Hưng
Thể thao & Văn hóa

pA  (10/07/2015 06:25:58)
hoahuyhanh@gmail.com
Thanh Hóa nhiều người tài quá đúng là địa linh nhân kiệt.không chỉ bóng đá mà còn ở nhiều lĩnh vực khác nữa.
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến