(Thethaovanhoa.vn)- Ba ngày sau vụ lùm xùm bản quyền truyền hình, bất ngờ trên trang chủ VPF đã thông báo các Đài truyền hình sẽ trực tiếp những trận cầu V-League. Một tin vui với không ít CĐV bóng đá nước nhà vì dù gì đó là món ăn tinh thần không thể thiếu với họ.
“Thương hiệu V-League vô cùng giá trị”
Không phải ngẫu nhiên bóng đá chuyên nghiệp xem bản quyền truyền hình là “con gà đẻ trứng vàng”. Nguồn thu lớn số 1 giải đấu chắc chắn là đây bất chấp từ lâu nay, nhiều người bĩu môi so với các giải bóng đá quốc tế ở các quốc gia phát triển, V-League được xếp vào loại “không buồn nói”. Trước mùa giải 2018, tin tức đáng buồn hơn cộng hưởng vào khi VPF khó tìm nhà tài trợ.
Nhưng đó chỉ là ý chủ quan của những người không quan tâm bóng đá Việt. Chủ tịch VPF Trần Anh Tú ngay khi nhận chức đã tuyên bố “Thương hiệu V-League vô cùng giá trị”. Và không trước thì sau, VPF chắc chắn sẽ tìm được nhà tài trợ cho giải đấu không thấp hơn giá trị Toyota đã tài trợ 3 năm trước đó. Ông Tú nói không sai khi gần đây, VPF đã cho ra mắt nhà tài trợ Nutifood.
Thành kiến V-League ít người quan tâm khi giải đấu này thường phải sống chung với các vấn nạn trọng tài, “Võ – League”… xuất phát từ hiệu ứng “chán ngán” của số đông người xem khi chứng kiến những điều không đẹp lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, như người Việt có câu “giận thì giận mà thương thì thương”. Thực tế bóng đá nội chưa bao giờ mất đi tính hấp dẫn ở đất nước có tình yêu cuồng nhiệt với bóng đá. Hiệu ứng U23 Việt Nam đầu năm qua khơi dậy tình yêu đất nước sôi sục và niềm tin vào bóng đá nội.
Nó tác động tích cực đến nỗi CĐV rất mong chờ đến cuối tuần này để kéo đến sân trở lại. Tại Lạch Tray, dự kiến có 1 vạn CĐV đất Cảng sẽ đến Hàng Đẫy. Trong khi đó, HAGL sau mùa giải nguội lạnh CĐV đã bán được vé mùa trở lại tương tự cơn sốt Xuân Trường và các đồng đội ngày họ vừa thử sức ở V-League. CĐV Sài thành lúc này đang “hóng” trận derby” thành phố khi 2 CLB địa phương, đặc biệt là đội bóng của Công Vinh thực hiện hàng loạt thương vụ bom tấn mùa này…
Cả Chủ tịch CLB Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hội, và Trưởng Ban huấn luyện PVF – HLV Hoàng Anh Tuấn đều hy vọng V-League 2018 sẽ có nhiều điểm sáng.
Sự dễ tính của CĐV nước nhà là một lợi thế để người tổ chức giải đấu phải quan tâm nâng niu. Ông Tú cho biết tùy theo tình hình thực tế có thể giải đấu sẽ đông 4-5 vòng đấu đầu tiên, sau đó có thể thưa dần. VPF có thể đo được phản ứng ban đầu của các CĐV nhưng quan trọng nhất vẫn là giữ lửa để CĐV hào hứng đến sân.
“Bùng nổ” nhà Đài phục vụ “thượng đế”
Trên cương vị mới, “ông trùm” futsal Việt Nam vừa ghi điểm với CĐV về đạt được thỏa thuận với các Đài truyền hình về việc tường thuật trực tiếp V-League 2018 và thuyết phục Next Media thanh lý 2 bản hợp đồng đã ký trước đó với VPF để đàm phán ký lại hợp đồng khác thay thế. Như đã từng tuyên bố, ông Tú thừa hiểu V-League vẫn là một món hàng giá trị lớn có thể khai thác lúc này. Để đảm bảo quyền lợi tối đa của nhà tài trợ (mỗi vòng đấu có 4 trận TTTT), VPF có lý lẽ thuyết phục để buộc đối tác Next Media xem lại hợp đồng.
Ở góc nhìn kinh tế như ông Tú, không ai bỏ qua món hàng đáng giá vài chục tỷ đồng/mùa giải khi khai thác V-League ở nhiều phương tiện truyền thông. Thời đại số, mỗi cú nhấp chuột của người xem trên nền tảng youtube cũng được đổi bằng tiền trả về cho nhà sản xuất. Và như đã đề cập, CĐV Việt vốn “mau quên” nên không ít người vẫn hàng ngày theo dõi giải đấu.
14 CLB là đại diện của 14 địa phương và vẫn còn đó 50 tỉnh thành “đói” giải đấu cao nhất đất nước. Minh chứng là dù chỉ “dạo chơi” ở Ninh Thuận, các cầu thủ U23 Việt Nam trong đội hình Hà Nội vẫn được săn đón như “sao Hàn”. Đức Chinh bị “vây” ở Gò Đậu hay sân Bình Phước “nín thở” vì sợ sập khi hàng chục ngàn CĐV xem HAGL đá giao hữu.
V-League 2018 kịp đến tay “thượng đế” với hàng loạt lựa chọn như VTV, HTV, FPT, K+ cùng hàng loạt đài địa phương. Nỗi lo 100% các trận không được phủ sóng trực tiếp có thể là lo xa. Lần đầu tiên giải được đón nhận nồng nhiệt bởi các nhà Đài, chỉ chi tiết này cũng cho thấy giải đấu không hề “lỗ” bản quyền. Nhiều người phấn khởi hơn khi các đơn vị kinh doanh truyền hình bản quyền như K+ cũng đầu tư cho giải đấu khi đơn vị này sản xuất các trận đấu chất lượng hình ảnh cao. V-League có giá hơn hẳn khi “chung mâm” với các giải thể thao hấp dẫn nhất hành tinh như ngoại hạng Anh, Tây Ban Nha, Champions League, Europa League, tennis ATP, golf PGA Tour ...
Chủ tịch VPF Trần Anh Tú nói: “Chủ trương của VPF ở năm đầu tôi nhận nhiệm vụ thì bản quyền truyền hình lúc này vẫn như trước, tức là trao đổi theo phương thức hàng đổi hàng. Đơn vị sản xuất các trận đấu được nhà Đài phát sóng trả lại quyền lợi cho VPF bằng cách cho VPF 5 phút quảng cáo trước hiệp 1, 5 phút cuối hiệp 2 và 15 phút giữa hiệp. Vấn đề là VPF có thể thu hút được nhiều quảng cáo để thu tiền về”.
Ngay trước ngày V-League 2018 chính thức khởi tranh, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), đã hoàn tất được 2 công việc cực kỳ quan trọng...
Người đứng đầu VPF còn mong mỏi không chỉ các CLB ý thức để cuộc chơi trong sạch, hấp dẫn mà cả CĐV cũng đóng góp cho giải đấu bằng những hành vi văn minh, thưởng thức bóng đá thay vì dễ dãi xem miễn phí.
“Nếu giải đấu chúng ta hay hơn thì VPF mới có cơ sở để to mồm đàm phán hợp đồng với các đối tác với giá trị lớn hơn. VPF hy vọng sẽ bán được bản quyền truyền hình với giá cao và dần thực hiện như nước ngoài, đấu giá nhiều nơi để chọn ra nơi trả giá tốt nhất. Chúng tôi muốn 100% các trận đấu có tường thuật trực tiếp nhưng quan điểm là không bằng mọi giá chạy theo. Như thế thì người tiêu dùng thấy dễ quá, họ cứ xem miễn phí. Phải học nước ngoài như giải ngoại hạng Anh, người xem Việt Nam muốn xem được thì phải mua đầu thu K+”, ông Tú nói.
Việt Hà