Thu nhập của làng bóng Việt Nam: Hư hư, thực thực

Thứ Ba, 26/4/2016, 10:25 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Chưa có một vụ điều tra nào về việc các CLB, cũng như cầu thủ Việt Nam trốn thuế. So với địa hạt cũng toàn tiền tỷ khác của các ngôi sao văn hoá giải trí, với thu nhập và thuế thu nhập từng khá ồn ào trên các trang báo, thì làng túc cầu giáo Việt Nam có cảm giác khá bưng bít. Cả các cầu thủ, cũng như đội bóng chủ quản, khi được hỏi về vấn đề này, đều chỉ nhận được những câu trả lời khá mơ hồ.

Cầu thủ thu nhập từ những khoản nào?

Khi khái niệm chuyển nhượng, ký mới hợp đồng ra đời ở Việt Nam, cầu thủ có ít nhất 3 nguồn thu nhập chính: Thứ nhất là phí ký hợp đồng (gọi nôm na là tiền lót tay cho các bản hợp đồng), thứ nhì là lương và thứ 3 là thưởng (cho trận thắng hoặc danh hiệu). Với một số trường hợp cầu thủ ở tầm ngôi sao như Công Vinh, Thành Lương, Quang Hải hay Công Phượng chẳng hạn, họ có thêm các bản hợp đồng quảng cáo – tài trợ.

Trong số các khoản thu nhập này cũng được phân ra 2 loại, thu nhập không thường xuyên (tiền lót tay và đóng quảng cáo) và thu nhập thường xuyên: Lương, thưởng. Ở các nền bóng đá phát triển, cũng như các giải đấu hàng đầu, tỷ lệ ăn chia trong các bản hợp đồng quảng cáo giữa CLB và cầu thủ là rất rõ ràng, cũng tựa như các quy định trong hợp đồng về việc anh ghi bao nhiêu bàn và đội bóng đứng thứ mấy chung cuộc.

Nhưng ở Việt Nam, đúng là “muôn hình vạn trạng”. Với một số đội bóng, ngay sau khi cầu thủ đạt được hợp đồng, họ lập tức cắt 10% phí ký hợp đồng để… đóng thuế, dù đây là khoản thu nhập không thường xuyên. Tuy nhiên, thường là cầu thủ nhận luôn cả cục và không phải mất bất cứ đồng lót tay nào cho khái niệm gọi là thuế cả. Nếu có, chỉ là khoản tiền “phế” cho các bên liên quan, nhiều hay ít còn tuỳ.


Công Vinh là một trong số các cầu thủ có thu nhập lớn nhất BĐVN nhiều năm qua - Ảnh: Quốc Khánh (TTXVN)

Ở khoản thu nhập chính thức thường xuyên, các CLB sẽ chủ động căn chỉnh, trừ thẳng vào lương và thưởng của cầu thủ, cũng như HLV, đội ngũ làm thuê chính trong địa hạt bóng đá. Thủ tục và quy định là thế, chuyện thuế khoá, nộp ngân sách thế nào chỉ lãnh đạo, kế toán trưởng của đội bóng mới biết được. Cũng có nơi, cả năm cầu thủ chẳng phải bận tâm đến thuế thu nhập, khi đội bóng “bao trọn gói”.

Ở N.Sài Gòn trước đây, đội bóng mà theo lời ông cựu chủ tịch Nguyễn Vĩnh Thọ là đã ngốn hết khoảng 365 tỷ đồng/3 năm tồn tại, là một trong số đó. Thậm chí, ngay cả khi những quy định bắt buộc của AFC về việc đội bóng phải trực thuộc sự quản lý của Cty Cổ phẩn hay Cty TNHH, tức là đầy đủ ban bệ, được thực thi, việc báo cáo thuế đương nhiên cũng được khu biệt cho bộ phận kế toán, nhưng tự cân đối là chính.

Không như những người lao động khác, có khi phải khai báo gia cảnh, nhân khẩu như phải nuôi mấy đứa con, bố mẹ già nghỉ hưu…, để được đưa vào diện “chính sách”, cầu thủ, những ngôi sao tiền tỷ chẳng cần phải khai báo gì cả. Cần chắc rằng ở Việt Nam, khái niệm công ty riêng hay ít nhất là nhà đại diện, luật sư…, để giúp việc cho cầu thủ, còn rất lạ lẫm. Hay là họ được các CLB trả hộ cho thuế thu nhập? Nhưng lương chỉ là một phần nhỏ trong thu nhập của giới cầu thủ.

Công Vinh có tổng giá trị chuyển nhượng hơn 30 tỷ đồng, Như Thành đương thời cũng cỡ đó, thấp hơn chút có Việt Thắng, Phước Tứ, Quang Hải, Quang Thanh, Việt Cường… Liệu những khoản lót tay đó thể hiện trên giấy tờ thế nào, trong khi nếu bị đánh thuế, thì một bản hợp đồng lót tay có thể phải mất 1/3 tiền thuế.  

Bao giờ bóng đá Việt Nam lên “sàn”?

Không có người đại diện pháp lý, luật sư hay công ty riêng để quản lý…, cầu thủ Việt Nam nói riêng và nền bóng đá, cũng như các giải đấu xứ sở nói chung, như một ốc đảo với phần còn lại của thế giới. Tất nhiên, chưa một cầu thủ Việt Nam nào từng được lên sàn, ở đây là sàn chuyển nhượng quốc tế tối thiểu như transfermaket. Khác với Thái Lan, hầu hết các ngôi sao đều được định giá và có quản lý riêng.

Việt Thắng, Công Vinh và sau này là Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…, những người đã ra nước ngoài thi đấu, nhưng cũng chưa từng được transfermaket định giá. Đấy cũng là điều khá khó hiểu về cái nhìn với bóng đá Việt Nam. Đừng nghĩ sự minh bạch sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của cầu thủ, mà ngược lại, nó hoàn toàn có lợi trong việc định hình vai trò và đẳng cấp chơi bóng, cũng như tầm ảnh hưởng.

Công Vinh nghỉ thi đấu nửa tháng

Công Vinh nghỉ thi đấu nửa tháng

Đội trưởng đội tuyển Việt Nam Lê Công Vinh dính chấn thương cơ háng và sẽ phải nghỉ thi đấu khoảng hơn hai tuần.


Nộp thuế hay ngân sách, dùng cho an sinh xã hội, vừa là nghĩa vụ và là quyền lợi. Thuế thu nhập ở một góc độ nào đó, khẳng định đẳng cấp của một công dân cầu thủ. Song thông thường, hiếm người Việt Nam nào nghĩ cần thiết phải xác lập đẳng cấp, thông qua khoản thuế mà họ phải nộp. Với những khoản thu nhập không thường xuyên (cũng phải đóng thuế), quá bất thường thậm chí còn bị điều tra.

Trong tương lai gần, chắc chắn nền bóng đá cũng như các giải đấu phải cho ra đời các Hiệp hội Cầu thủ và HLV chuyên nghiệp (có thu hội phí với các hội viên), mà chức năng không chỉ để bảo vệ quyền lợi của đội ngũ làm thuê chính trong địa hạt. Nếu chúng ta còn muốn nâng cấp nền bóng đá và các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, thì không thể tách rời lộ trình phát triển bất biến và chuyên nghiệp hoá từng bộ phận.

Trở lại với câu chuyện về thu nhập và thuế thu nhập của cầu thủ Việt Nam. Một giai đoạn đủ dài, khi dòng tiền đổ vào bóng đá còn ngập ngụa, phải nói luôn chính các ông chủ và cánh tay nối dài của họ (các nhà môi giới chính thức hoặc không chính thức, gọi nôm na là cò)…, đã làm biến dạng hình hài bóng đá Việt Nam. Một số đáng kể ngôi sao gặp thời đến giờ này gần như không có bất cứ sự tích luỹ nào.

Không ai có thể bắt một người phải minh bạch hoá chuyện chi tiêu, nhưng nếu quản lý tốt, có thể những ngôi sao lạc lối kia đã được ý thức đã đóng góp cho xã hội bằng khoản thuế mà họ từng nộp, chứ không nói chuyện chuyên môn hay việc làm nghĩa vụ quốc gia.

Vụ “Hồ sơ Panama” nổ ra, ngoài các chính khách, còn liên quan đến cả FIFA, cũng như các ngôi sao bóng đá hàng đầu, phần nào cho thấy vị thế đáng nể của môn thể thao vua. Bóng đá Việt Nam chưa thế nuôi được chính cơ thể mình, khi vẫn được ví như tằm ăn rỗi, nhưng đã có chi thì phải có thu.

Nguồn chi lớn nhất là từ các ông chủ, đổi lại, nhưng người thu là cầu thủ và HLV. Mặc dù vậy, sự minh bạch trong các báo cáo thuế và thuế thu nhập cá nhân, bao năm nay, vẫn là thứ xa xỉ.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến