(Thethaovanhoa.vn) - Có lúc nào mà HLV Hữu Thắng trong chặng đường đã qua lại nghĩ đến việc hay là cho đội tuyển nếm mùi thất bại để không bị cái câu thử kêu đốt xịt ám ảnh?
Nếu như năm 2008 đội tuyển thời ông Calisto làm HLV trưởng đã trải qua chuỗi chục trận không thắng khi chạy đà cho
AFF Cup năm đó rồi bất ngờ lên ngôi thì lần này, đội tuyển do
HLV Hữu Thắng dẫn dắt lại đang trải qua chuỗi trận bất bại cũng lên tới chục trận. Trong số đó những trận thắng đối thủ từng tham dự World Cup như Triều Tiên 5-2, hạ nhẹ nhàng một tên tuổi đáng kể của châu lục Syria 2-0, đều chơi ở thế cửa trên trước các đối thủ trong khu vực (thắng Singapore 3-0 và giành “4 điểm” sau hai lượt trận giao hữu với Indonesia), chơi được với các kiểu đội hình (dù là dự bị hay đá chính) của các CLB Hàn Quốc và Nhật.
Xuân Trường là trụ cột của đội tuyển dù mới 21 tuổi Kỳ thực đội tuyển của Hữu Thắng cũng đã nếm mùi thất bại, khi thua Iraq trong trận đấu thuộc vòng loại World Cup (đồng thời là vòng loại châu Á) nhưng đó là những ngày đầu HLV người Nghệ An này dẫn dắt đội tuyển dù chỉ là sự lựa chọn số 2 trong danh sách ứng viên. Hữu Thắng từng có chút tự ái vì chỉ được đề nghị ký hợp đồng với VFF sau khi ứng viên số 1 là Huỳnh Đức từ chối.
Giai đoạn tập trung cho AFF Cup 2016 được tính từ khi đội tuyển tập trung đá giao hữu với Syria rồi tham dự giải Tứ hùng AYA Bank Cup có sự tham dự của chủ nhà Myanmar, Hongkong và Singapore. Đó cũng chính là giải đấu giúp đội tuyển lần đầu được nếm mùi nâng cúp vô địch sau 6 năm ở bất cứ giải đấu chính thức hay giao hữu.
Thực tế 8 năm trắng tay của ĐTQG có lẽ đã hàm chứa nhiều thông điệp: ĐTVN đã trải qua bốn đời HLV trước khi đến tay Hữu Thắng. Sau khi đội tuyển được tin trao cho HLV ngoại người Đức Falko Goetz thì hai lần tiếp sau ghế HLV trưởng thuộc về HLV nội là ông Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc, và sau đó lại đến lượt HLV người Nhật Miura.
Niềm tin
Trên trang tin điện tử 24h có một cuộc thăm dò về khả năng vô địch AFF Cup 2016 của đội tuyển Việt Nam, hơn 60,7% trong số 5168 người tham gia đưa ra nhận định của mình đã chọn cửa của đội tuyển Việt Nam sáng nhất. Chỉ có 15% số người tham gia bình chọn này suy nghĩ ĐTVN sẽ bị loại ngay sau vòng bảng.
Thường thì những thành tích, thống kê và cả đánh giá trực tiếp dựa trên chất lượng lối chơi có ảnh hưởng trực tiếp tới “lá phiếu” của người tham gia bình chọn.
Chính bởi thế mà những cuộc thăm dò trước kia của TTVH đưa ra ở các thời điểm khác nhau cũng có những kết quả rất sốc: 82% trong số hơn 5000 người bình chọn ở năm 2014 tin là đội U23 Việt Nam do HLV Miura lúc đó dẫn dắt sẽ bị loại trong cuộc đua tranh giành vé tới VCK U23 châu Á.
Cầu thủ Công Phượng nhận được kì vọng lớn của người hâm mộ
Cuộc khủng hoảng niềm tin ấy bắt nguồn từ nhiều lý do như việc phương pháp huấn luyện của ông Miura đã khiến 1/3 đội tuyển bị chấn thương, trong đó có những gương mặt trụ cột.
Dù U23 Việt Nam lúc ấy có những trận giao hữu thắng U23 Indonesia 1-0 ở Mỹ Đình, hòa U23 Uzbekistan 0-0 ở Thống Nhất và thua U23 Thái Lan 1-3 ở Thái Lan, thì hàng công không ghi bàn, hàng thủ chưa có chất thép, còn tuyến tiền vệ không tạo ra sức bật. Nó là hệ quả của lối chơi thiên về thể lực, bóng dài mà HLV Miura áp dụng từ đội tuyển lớn tới đội tuyển trẻ, mà đội lớn thì đã thua đau đớn ở AFF Cup 2014.
Trở lại với đội tuyển của Hữu Thắng, niềm tin được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố như lối chơi của đội tuyển đã được định hình từ khá sớm theo phong cách được số đông thừa nhận rằng nó là phù hợp với BĐVN: phối hợp ở đoạn ngắn, triển khai tấn công nhanh, hạn chế bóng bổng, đánh trực diện. Yếu tố khác là đội tuyển trận nào cũng ghi bàn cho tới trước khi tiếp CLB Nhật Bản Fukuoka ở Cần Thơ, hay đội tuyển có tinh thần rất tốt trên cả hai khía cạnh khát khao chiến thắng và sự đoàn kết. Hoặc khi hàng thủ bộc lộ những sai sót thì việc nó chưa thua trận nào kể từ hồi tháng 6 năm nay tức là hàng công như đã nói vẫn đủ để bù hàng thủ. Và thể lực của đội tuyển chưa bao giờ là trở ngại và trong hơn một tháng qua còn có trợ lý thể lực Fokel được bổ sung trong Ban huấn luyện.
Bài học nào từ AFF Cup 2008?
Ông Calisto đã chứng kiến đội tuyển của ông đánh mất niềm tin sau loạt trận vòng bảng kém ấn tượng và trận bán kết lượt đi hòa 0-0 mà như thua trước Singapore ở AFF Cup 2008.
Đội tuyển lúc ấy tấn công dở mà phản công cũng kém dù ông Calisto vốn dĩ là một chuyên gia phản công, đã dày công cho các cầu thủ tập những bài phản công sau các tình huống cố định cũng như khi bị đối phương dồn ép. Và số đông tin rằng sự kém cỏi từ giai đoạn chuẩn bị và ở AFF Cup là quan hệ nhân quả.
Tuyển Việt Nam thử kêu, đốt vẫn có thể vẫn kêu
Khi đội tuyển hành quân sang Singapore, một không khí khá nặng nề lan tỏa. Trên sân Kallang, ông Calisto quyết định đưa thủ môn số 2 Quang Huy lên làm tiền đạo trong buổi tập. Quang Huy sử dụng đôi chân còn khéo hơn cả tay, rê dắt, dứt điểm đủ tư thế, thậm chí cả quăng người bắt volley. Nó như là gáo nước lạnh với các chân sút lúc ấy có Công Vinh, Việt Thắng, Quang Hải…
Và trong thế chơi trên sân đối phương, trước sự chứng kiến của năm vạn khán giả chủ yếu là người Singapore, đội tuyển của ông Calisto yếm thế hơn đã chơi phòng ngự phản công như sự lựa chọn tất yếu.
Nhưng nó lại trở thành sự lựa chọn đúng đắn về mặt đấu pháp, đặt đội tuyển vào một vị thế đúng đắn hơn so với tương quan của làng bóng khu vực, để cho các cầu thủ phát huy được khả năng của họ: Bàn thắng quyết định của Quang Hải đến sau một pha phản công chớp nhoáng ở hàng lang trái với sự tham gia của 5 cầu thủ trong đó có Công Vinh. Cú dốc bóng của CV9 rồi chuyền ngang đã giúp Quang Hải ghi bàn thắng quan trọng nhất sự nghiệp cầu thủ, và đưa đội tuyển sang thẳng Thái Lan đá trận chung kết lượt đi.
Nó cũng như một sự khai thông cho mọi vấn đề, từ tâm lý tới lối chơi, từ phương án nhân sự cho tới cách giải quyết trận đấu. Công Vinh đá ở cánh. Đội tuyển mặc nhiên đá phản công. Và phần còn lại rõ ràng là lịch sử, đội tuyển thắng Thái Lan ở Rajamangala trước sáu vạn khán giả Thái với tỉ số 2-1, rồi hòa 1-1 ở Mỹ Đình, lần đầu vô địch Đông Nam Á.
Bài học như vậy rút ra là ông Calisto không cố tình thử xịt, để đốt cho kêu. Đội tuyển bị mất phương hướng hoặc ông Calisto không kiểm soát được tất cả các vấn đề ở đội. Sự cố tiền đạo Quang Hải xin về được tháo gỡ không phải nhờ ông Calisto mà từ một quan chức Liên đoàn đã được “mật báo” và đã trực tiếp gặp Quang Hải để thuyết phục theo cái cách mà ông bảo là “vừa nịnh vừa dọa”.
Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, HLV Lê Thụy Hải đã có những nhận định sâu sắc về cơ hội của đội tuyển Việt Nam trước thềm trận ra quân vòng bảng AFF Suzuki Cup 2016 với Myanmar tối 20/11.
Ông Calisto cũng không cố tình để dìm sự kỳ vọng của người hâm mộ xuống. Bản thân ông được lựa chọn để thay thế ông Riedl chẳng qua là Liên đoàn khi ấy không thể có lựa chọn tốt hơn vì thiếu ngân sách. Ông Calisto đã tạo ra lộ trình tiếp cận với SEA Games 2009 rồi sau đó là AFF Cup 2010 theo cách khác, là thử cũng phải kêu. Trước khi tới SEA Games ở Lào, U23 Việt Nam vô địch VFF Smartdoor Cup, một giải đấu có cả U23 Singapore, Trung Quốc và Thái Lan.
Thày trò HLV Hữu Thắng thử kêu đốt có kêu hay không rõ ràng còn phải chờ, nhưng nhất định rằng những gì xảy ra trên con đường chuẩn bị và lên ngôi ở AFF Cup 2008 hay SEA Games 2009 của thày trò ông Calisto không phải là chuẩn mực!
Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần