(Thethaovanhoa.vn) - Bảy mùa giải chơi chuyên nghiệp, từ Hoàng Anh Gia Lai đến Becamex Bình Dương, rất đều đặn, Nguyễn Tăng Tuấn luôn sở hữu trung bình chục bàn thắng/mùa, tỷ lệ khả quan với một chân sút nội, trong bối cảnh nền bóng đá bị ngoại binh xâm thực.
Nhưng hết lần này đến bận khác, Tuấn “vâu” luôn vắng bóng trong danh sách triệu tập đội tuyển quốc gia qua nhiều đời huấn luyện viên, từ ngoại đến nội. Họa hoằn lắm anh mới được cất nhắc, nhưng đã lâu lắm rồi.
Nuốt trọn hàm oan
“Cầu thủ Việt Nam càng ngày càng mất dạy”, người ta vẫn chưa quên câu nói để đời của chủ tịch HA.GL, ông Đoàn Nguyên Đức, trong buổi tọa đàm các ông bầu diện ra tại TP.HCM, hồi tháng 9/2011. Ông Đức cũng không ngại huỵch toẹt đích danh cầu thủ mà ông nói là “mất dạy” ấy. Anh là Nguyễn Tăng Tuấn, bản hợp đồng mới nhất về thủ phủ Thủ Dầu Một vào thời điểm đó, với giá chuyển nhượng được cho là 8 tỷ đồng.
Trong thuật ngữ báo chí có câu: “Big name makes big news” (nôm na là nhân vật lớn thì tin tức lớn). Khoan nói chuyện thực hư cuộc chuyển nhượng Tăng Tuấn về B.BD, nhưng hầu hết đều không nghi ngờ phát biểu của bầu Đức, một doanh nhân cỡ bự và một ông bầu nổi tiếng bậc nhất trong làng bóng đá xứ sở. Một thời gian dài sau đó, Tăng Tuấn phải đương đầu với bộn bề sức ép, điều tiếng, với tục danh “tham tiền bỏ ngãi” và… “mất dạy”.
Tất nhiên, Tuấn “vâu” không thể thanh minh, dù thực tế, giá trị bản hợp đồng chuyển nhượng về B.BD khi ấy của Tuấn chỉ bằng nửa con số mà bầu Đức tuyên bố. Tuấn cũng không phải sản phẩm của lò đào tạo HA.GL, mà anh trưởng thành từ lớp năng khiếu bóng đá trực thuộc Sở Thể dục thể thao Gia Lai, trước khi chuyển sang câu lạc bộ phố núi năm 2006. Tuấn hết hợp đồng và không đạt được thỏa thuận ký mới với đội bóng cũ, anh ra đi, dù với phí lót tay bao nhiên đi nữa, rất đúng luật. Vậy sao có thể trách?
Suy cho cùng, ngọn nguồn của vấn đề nằm ở bộ phận điều hành, tức những người lớn chứ không phải đám trẻ đá bóng. Trong 5 ông bầu dự hội thảo “Doanh nghiệp làm bóng đá và hướng đi cho bóng đá Việt Nam” hôm ấy, đến lúc này, ông Nguyễn Đức Kiên rơi vào vòng lao lý, ông Lê Tiến Anh cũng đã đoạn tuyệt bóng đá, còn ông Đoàn Nguyên Đức, ông Võ Quốc Thắng đã giao lại đội bóng cho thuộc cấp…
Tăng Tuấn là một trong những chân sút nội chơi ổn định tại V-League 2012. Ảnh: V.V
Đấy là vấn đề của cả nền bóng đá, chứ chẳng phải chuyện của riêng ai và càng không phải là mối bận tâm của Tăng Tuấn, cầu thủ gốc Thanh Hóa, bản tính khá hiền và cầu thị. Không ngạc nhiên khi ngay ở mùa V-League đầu tiên trong màu áo B.BD, Tăng Tuấn đã ghi đến 8 bàn thắng, bởi ngay từ tấm bé khi tay xách tay nải leo xe đò xuôi Nam, rồi ngược lên Tây Nguyên, trường đời đã dạy Tuấn cách vượt lên số phận và sống chung với sức ép, với cả những cơn đói.
Sao không là Tăng Tuấn?
SEA Games 2007, thời điểm vừa đoạt danh hiệu Vua phá lưới giải U21 quốc gia, Cúp Báo Thanh Niên 2006 và được đôn lên đội một HA.GL chơi V-League, Tăng Tuấn từng góp tên trong thành phần dự tuyển U23, dự SEA Games 24 trên đất Thái Lan. Hai năm sau đó, cuộc đua giành suất dự SEA Games 25 ở Lào cũng có tên Tuấn, nhưng cũng hệt như lần trước, tiền đạo người Thanh Hóa bị gạch tên trước ngày lên đường…
Cuộc sống cứ lặp lại theo cách không mong đợi như thế và riết rồi thành quen, Tuấn hiểu các cơ hội lên tuyển không dành cho mình. “Ai lại không muốn lên tuyển chứ? Nhưng có lẽ, tôi không có “dây” hoặc đơn giản hơn, chỉ là mình không có duyên. Công việc và niềm vui lớn nhất của tôi là thi đấu, cống hiến cho câu lạc bộ, nơi trả lương cho mình. Tôi hài lòng với mình, khi còn có thể sống khỏe và giúp đỡ người thân bằng nghề đá bóng”, Tăng Tuấn chia sẻ.
Trong đội hình U21 HA.GL đoạt ngôi á quân Cúp Báo Thanh Niên ở Đà Nẵng năm 2006 khi đó, Tăng Tuấn xuất phát ở vị trí mũi nhọn. Đội bóng trẻ phố núi, với nhịp thở bằng các bàn thắng của Tuấn “vâu” đã đi một mạch đến trận chung kết, để rồi cùng với U21 Tiền Giang, họ tạo nên những bất ngờ thú vị. Sau một quá trình và ngồi đánh giá lại, giải đấu ở Đà Nẵng 2006 chính là giải có chất lượng chuyên môn bậc nhất trong lịch sử.
Cùng với Tăng Tuấn, Phúc Hiệp (U21 Tiền Giang) cũng là một cái tên tạo nên cảm hứng. Tuy nhiên, đường hoạn lộ của hai chân sút trẻ tài năng này đã rẽ theo những hướng khác nhau, ít nhất trên bình diện các đội tuyển quốc gia. Phúc Hiệp được gọi vào Olympic Việt Nam đá vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008, thậm chí còn có tên trong thành phần đội tuyển Việt Nam lọt vào tứ kết Asian Cup 2007. Trở về sau các chuyến đi ấy, Hiệp bảo anh dành dụm được gần trăm triệu, số tiền lớn nhất từng có trong sự nghiệp.
Còn Tăng Tuấn? Trở về gác trọ phố núi, tiền đạo này lọt thỏm trong một rừng siêu sao đủ thể loại ở Hàm Rồng và Sân vận động Pleiku. Để tồn tại, Tuấn phải tự điều chỉnh lối đá và sẵn sàng chơi mọi vị trí được yêu cầu. Tuấn chạy như không biết mệt và chơi bóng như chưa từng được chơi bóng, để rồi sau mỗi bàn thắng ghi được, anh lại cắn cổ áo, giang hai tay bay bổng, một động tác ăn mừng quen thuộc. Hoàn toàn không tự nhiên Tuấn “vâu” lại có giá chuyển nhượng tiền tỷ.
Lại nói tới chủ-nghĩa-xê-dịch, ít ai biết bản hợp đồng ký với B.BD năm 2011 mới là bản hợp đồng chuyên nghiệp thứ hai mà Tăng Tuấn từng ký. Trong tiềm thức, anh từng muốn gắn bó trọn đời với phố núi. Bằng chứng là Tuấn đã mua đất, dự định xây nhà, lấy vợ Pleiku. Nhưng dự định bất thành. Tất nhiên, Tuấn “vâu” phải chấp nhận những thử thách lớn hơn. Ơn trời, cuộc sống vẫn tươi đẹp!
Trong màu áo B.BD, thời gian đầu V-League 2012, khi câu lạc bộ được dẫn dắt bởi huấn luyện viên Đặng Trần Chỉnh, Tăng Tuấn từng được sắp đá ở vị trí hậu vệ phải. Dù Tuấn đa năng, khỏe và lì lợm, nhưng đấy vẫn bị xem là một sự phí phạm cực lớn, triệt tiêu khả năng tốt nhất của chân sút trị giá 5 tỷ đồng và triệt tiêu luôn vũ khí chiến thắng của đội bóng đất Thủ. Dưới thời huấn luyện viên Cho Yoon Hwan, Tuấn được kéo trở lại vị trí tiền đạo cánh và tỏa sáng với 8 bàn thắng ghi được ở mùa vừa rồi. Trong số ba tiền đạo đội tuyển Việt Nam trong đợt tập trung đợt một (Mạc Hồng Quân, Nguyễn Hải Anh và Hà Minh Tuấn), chỉ có Hải Anh có thể sánh với Tuấn về hiệu suất ghi bàn (7 bàn cho Tập đoàn cao su Đồng Tháp). Trọng Hoàng (người cũng có 8 bàn ở V-League 2012) không được triệu tập; trong khi Văn Quyết (12 bàn), Quốc Anh (7 bàn), Danh Ngọc (6 bàn)… là những sự thừa nhận đúng mực, nhưng vị trí sở trường của các cầu thủ này là ở hàng tiền vệ. |
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần