Quang Hải, đôi chân nuôi cả gia đình

Thứ Bảy, 28/3/2009, 19:27 (GMT+7)
(TT&VH cuối tuần) - Thời buổi đá bóng là một nghề hái ra tiền như bây giờ, Quang Hải là một trong số ít những cầu thủ vẫn gắn bó chặt chẽ với gia đình. “Sát thủ” của K.KH bảo gia đình là chỗ dựa lớn nhất lúc Hải khó khăn, nên khi đã có chút đỉnh giắt lưng, anh dồn tất cả cho mái ấm...
 
 

Cuộc đời đắng nhiều hơn ngọt

Hải "gà" còn rất trẻ (sinh năm 1985), nhưng anh đủ va vấp với đời để hiểu thế nào là giá trị của tình cảm và giá trị của đồng tiền. Hơn ai hết, Hải thấm thía nỗi đau gia đình sứt mẻ và nỗi khổ của kẻ bần hàn.

Có lẽ Hải sẽ chẳng bao giờ quên được cái tuổi thơ lấm lem đầy đất cát ở khu phố nghèo Vĩnh Nguyên thuộc thành phố biển Nha Trang. Hải là con út, phía trên còn 3 chị gái. Để nuôi đám "tàu há mồm" ấy, mẹ Hải còng lưng buôn thúng bán mẹt cũng không đắp đổi được qua ngày.

Hồi đó, Hải có một ước mơ lớn nhất là được ăn kem, cái vị mát lạnh, ngọt lịm thấm vào tận ruột. Những buổi trưa nắng gắt, cứ nghe tiếng toe toe của ông bán kem là cậu ta phóng như bay ra cổng. Hải ước gì một thằng bạn nào đó dốc túi ra vài xu lẻ, để rồi cả đám trẻ xúm quanh. Hải khao khát một ngày nào đó dư tiền, đủ mua cả thùng kem của ông mặt rỗ để ăn cho đã thèm...

Lớn thêm chút nữa, Hải lờ mờ hiểu được nỗi khổ thiếu cha. Mấy đứa bạn nhà xung quanh cũng nghèo như Hải, nhưng chúng nó còn được chở xe đạp đi đây đi đó. Bọn bạn cùng lớp vô tâm có lúc lại lêu lêu nó vì tội không có bố. Nhiều đêm mẹ buột lời than thở “phải chi nhà có nóc thì tụi bay đâu đến nỗi cực như vầy...”.

Cái bóng còm cõi của mẹ mỗi sáng tinh mơ dậy lịch kịch dọn hàng, mở quán khiến Hải chợt thức giấc mà thấy cay cay mắt. Bao lần Hải lồm cồm bò dậy định giúp mẹ một tay là bấy nhiêu lần mẹ mắng: “mày lo ngủ, sáng còn đi học”. Hải theo đám bạn đi lượm ve chai cũng bị mẹ la rầy.
 
Quang Hải (trái) chơi nhiệt tình trong màu áo ĐTQG – Ảnh Nhật Vy

Trong tâm nguyện của mẹ Hải, bà chỉ mong con học giỏi, sau này ra khỏi được cái khu ổ chuột này để mở mặt với đời. Nhưng Quang Hải không mê sách vở bằng quả bóng. Hải học bình thường, nhưng đá bóng thì hay nhất trường. Năm lớp 9, Hải được chọn vào lớp năng khiếu tỉnh.

Hải càng nung nấu quyết tâm lấy bóng đá làm kế sinh nhai khi nhận được những đồng lương đầu tiên. Ba trăm ngàn Hải về đưa mẹ để đổi lại những lời trách móc. Mẹ Hải không muốn con bươn chải kiếm tiền quá sớm, nhưng cảnh nhà khó quá, bà đành nuốt nước mắt gật đầu giao con cho đội bóng.

Hồi đó, Quang Hải là một đứa trẻ đầy cá tính. Hải lớn lên hồn nhiên, thiếu sự chăm bẵm nên vào sân cũng thế, và trong cách tổ chức cuộc sống lại càng như thế. Thích là làm. Có hứng mới đá hay được. Hải ngoan, lành, nhưng đôi khi lại có những cách cư xử khiến người lớn cảm thấy... chướng.

Khi Hải cùng lứa những Tấn Tài, Tấn Điền, Văn Phong làm nên một diện mạo mới mẻ và "ngổ ngáo" cho bóng đá Khánh Hòa, không ít người ở các đội bóng khác đã muốn "bưng" lũ trẻ này đi. Vô tình, mọi hành vi của Hải "gà" đều bị "soi" xem là có biểu hiện của... đào tẩu hay không.

Có một lần Hải được thay vào sân những phút cuối trận. Thái độ không hào hứng lắm, và thế là bị quy cho cái tội "thiếu tinh thần chiến đấu". Hải bị đẩy xuống đội trẻ, cắt hết lương thưởng... Trong lòng cay đắng, Hải bỏ đội về nhà nằm vắt tay lên trán cả đêm và nghĩ “mọi chuyện kết thúc sớm vậy sao?!”.

Nhưng đúng vào lúc cái đầu của Hải "sốt" nhất thì nhận được lời vỗ về an ủi của mẹ. Mẹ bảo mày đã bỏ học đi đá bóng rồi, bây giờ lại bỏ nốt đá bóng thì sống bằng gì? Sáng sớm hôm sau, Hải quay về đội, lụi cụi tập lại như thuở mới bắt đầu. 3 tháng sau thì Hải được gọi lên đội chính.
 


Người hùng & “Oshin”

Nhiều cầu thủ có những bàn thắng để đời. Nhưng với Quang Hải, bàn thắng ghi vào lưới Singapore ở bán kết lượt về AFF Cup 2008 còn mang cả ý nghĩa đổi đời.

Cũng vì cái tính trẻ con, bất cần đời mà suýt nữa Hải lỡ mất cơ hội ghi tên mình vào lịch sử. Ít ngày trước AFF Cup, Hải gõ cửa phòng HLV Calisto xin về.

Hải nghĩ đơn giản, việc anh xin về có lẽ sẽ thuận cho rất nhiều đường. Bản thân Hải không muốn chiều nào cũng làm quân xanh, rồi đến trận thì lại mài đũng quần vô ích trên ghế dự bị của tuyển, nơi có những cầu thủ được đánh giá cao hơn cả về thể hình, đẳng cấp cũng như danh tiếng... Ở CLB, các bạn của Hải đang trong giai đoạn chuẩn bị cho mùa giải mới.

Nếu Calisto không phải là một người có tính cách đàn ông, chắc Hải "gà" khó lòng có dịp quay trở lại tuyển chứ đừng nói đến chuyện ra sân. Calisto thường ngày nóng như lửa, ông sẵn sàng đuổi thẳng cổ Thế Anh khỏi Hàm Rồng, nhưng với Quang Hải, ông lại tỏ ra kiên nhẫn. Lý do chính: Hải nói chuyện thẳng với ông chứ không viện lý do này nọ, và ông tôn trọng Hải.

Sau gần một tiếng đồng hồ, Hải quyết định ở lại. Chân sút của K.KH lại ngoan ngoãn tập luyện, yên lòng ngồi dự bị, để rồi đến một khoảnh khắc mà Calisto "linh tính", ông tung Hải vào sân để “lấy vé” đi chung kết.

Cả cái biển người ở Singapore hôm đó không làm Hải "gà" run sợ. Hải là chính anh trong phút thăng hoa ấy, bình tĩnh đến lạnh lùng. Trái bóng từ chân Công Vinh chuyền ra, và Hải hiểu rằng đây là thời điểm "kết liễu" đội chủ nhà.

Một bàn thắng khiến cả rừng fan Việt phát cuồng lên, Hải cho rằng anh trả giá bằng một cú đạp lật cổ chân vẫn còn là quá... hời. Sau trận, hình ảnh Quang Hải với cái cổ chân chườm đá ôm cờ Tổ quốc chạy như điên dại đã được biết bao ống kính ghi lại, và sáng hôm sau, rất nhiều tờ báo đã gọi Hải là "siêu dự bị".

Bàn thắng ấy, chính xác hơn là chức vô địch của ĐTVN, đã mang lại cho Quang Hải những thứ mà xưa nay anh từng ao ước. Tất nhiên không phải là một thùng kem. Hải cầm trong tay hàng trăm triệu, một khoản tiền có lẽ không thấm vào đâu so với tài khoản của Công Vinh, Hồng Sơn..., nhưng cũng đủ để cất lại nhà cho mẹ và tậu một chỗ "chui ra chui vào" cho tổ ấm nhỏ của mình.

Hải tâm sự rằng sau khi các chị đi lấy chồng hết thì anh phải là chỗ dựa của mẹ. Dù đồng lương từ đá bóng của Hải chưa bằng ai cả, nhưng so với các chị thì anh cũng có điều kiện hơn để lo cho mẹ lúc về già. Khi căn nhà cũ nát được lợp lại mái và tôn nền lên để tránh mùa mưa lũ, Hải cũng thấy yên lòng.

Giờ là lúc mọi khoản kiếm được, Hải sẽ dành dụm để lo cho tương lai của vợ con. Hải sắp lên chức bố, và anh ấp ủ biết bao dự định sẽ mang lại cho bé những thứ mà ngày xưa bố của cậu nằm mơ cũng không có được. Sắp tới, vợ sinh và nuôi con, Hải không thường xuyên ở nhà chăm bẵm cho “thiên thần nhỏ” của gia đình. Vì thế, mỗi khi được về nhà là những giây phút hạnh phúc nhất với tiền đạo “mộc” như Hải. Những lúc ấy, anh chỉ muốn được “làm Oshin” để đỡ đần cho vợ những nỗi vất vả khi chồng vắng nhà.

Có lẽ mối quan tâm gia đình lớn hơn tất cả đã giúp Hải không chạy theo những thú vui vô bổ thường gặp ở đám cầu thủ nhiều tiền. Hải không “bay”, không lắc, cũng không cơm hàng cháo chợ. Rảnh rỗi thì cafe, lướt web để xem tin tức bóng đá quốc tế. Hải vẫn giữ thói quen vá lại giày rách để tập, dù lương nó bây giờ thừa sức mua cả những đôi CR7 trị giá nhiều triệu đồng...

Xuân Anh
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến