(Thethaovanhoa.vn) - Liên quan đến chiến lược phát triển bóng đá Viêt Nam , chúng tôi đã có cuộc trao đổi thêm với ông Trần Quốc Tuấn.
1. Khi nói về “Hội Nghị Diên Hồng bóng đá”, ông Tuấn cho rằng sẽ không có, mà chỉ là cuộc gặp gỡ do lãnh đạo Tổng cục TDTT chủ trì, thành phần chủ yếu là các CLB. Nội dung tập trung vào cải thiện V-League, xây dựng các yếu tố nền tảng cho một CLB chuyên nghiệp.
Theo ông Tuấn, nền bóng đá cũng như V-League tốt hay không phụ thuộc vào các CLB. “Vai trò các CLB phải rõ ràng hơn vì mô hình công ty rồi, nghĩa vụ và quyền lợi liên quan với nhau. Hình ảnh, chất lượng tốt thì giá trị mới được nâng lên, quyền lợi có trong đấy theo giá trị cổ đông, phần thưởng.
Các CLB phải thống nhất tạo nên môi trường bóng đá có tính phục vụ và chuyên nghiệp cao, thì mới tạo sự phát triển bền vững được”.
Bàn về Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, ông Tuấn cũng thừa nhận vấn đề con người, cũng như vai trò các CLB vẫn là quan trọng nhất.
“Chiến lược đã có rồi, quan trọng là thực hiện thế nào. Về bóng đá trẻ, trong các lớp đào tạo HLV, tôi cũng hay nhấn mạnh thực chất vai trò HLV cơ sở là quan trọng. Họ là người trực tiếp đào tạo cầu thủ. VFF tạo mọi điều kiện để nâng cao, cập nhật kiến thức cho họ. Còn trách nhiệm và tính nghề nghiệp của họ VFF không thể đào tạo và giám sát. VFF một năm tổ chức mười mấy lớp chứng chỉ huấn luyện, cập nhật cho đủ các loại kiến thức, ứng dụng thế nào cho hiệu quả thuộc về CLB. Chúng tôi cũng luôn cố gắng ổn định hệ thống thi đấu, giúp các cầu thủ trẻ được cọ xát nhiều hơn”.
2. Theo ông Tuấn, vai trò CLB cần phải thay đổi quan niệm về đạo tạo trẻ, như là yếu tố sống còn của CLB, vì đấy là đầu tư cho tương lai của các CLB. Khi có các lứa cầu thủ tốt thì đỡ bao nhiêu tiền chuyển nhượng. Rồi liên quan đến tính truyền thống, bản sắc. Nhiều CLB chỉ tập trung đầu tư đội 1. Ông Tuấn cho rằng đấy là sự khác biệt lớn nhất của bóng đá Việt Nam và Thái Lan.
Hơn nữa, hệ thống kiểm soát, giám sát của CLB đối với đào tạo trẻ phải hết sức nghiêm túc, chất lượng.
Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã thực hiện 2 năm. Để đánh giá được mức độ hiệu quả đến đâu cũng như những tồn tại, vẫn là bài toán hóc búa của ngành thể thao...
CLB ít được đầu tư hạ tầng, sân tập chuẩn ít, còn lại rất nhiều sân tập cho đội trẻ không đủ tiêu chuẩn thì đạo tạo trẻ ngay từ cơ bản đã khó có chất lượng.
Lãnh đạo CLB phải gây sức ép, lập quy trình giám sát, quản lý chất lượng giảng dạy của HLV, chất lượng các lứa cầu thủ.
Cũng theo ông Tuấn, chế độ chính sách cho HLV trẻ phải được nâng lên và được chú trọng. Tất nhiên, không nên có chuyện HLV đội 1 không làm được thì đưa xuống đội trẻ.
Ông Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF tỏ ra lạc quan khi cho rằng bóng đá trẻ đang có sự chuyển dịch tốt. Trong giai đoạn chuyển đổi, một số trung tâm đào tạo của doanh nghiệp đã làm bóng đá bài bản từ khâu đào tạo trẻ, buộc các CLB truyền thống khác phải điều chỉnh nếu không sẽ thoái trào. Nếu có thêm nhiều trung tâm tốt, VFF sẽ tăng cường khuyến khích các mô hình liên kết với CLB nước ngoài, thì chắc chắn bóng đá trẻ cả nước sẽ khởi sắc.
Chúng tôi đề cập đến vấn đề, VFF luôn nói rất hay ho, rằng các CLB phải đào tạo trẻ tốt, nhưng Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ QG thì thiếu hiệu quả. Ông Tuấn cho rằng nhiệm vụ, chức năng Trung tâm của VFF khác, không thể so sánh. “VFF đâu đào tạo đến bán cầu thủ đâu. Trung tâm chỉ là nơi tập trung tuyển thủ các ĐTQG lên tập huấn ngắn hạn”.
Về chuyện hay cắp cặp đi học các nước nhưng rồi đâu lại để đấy, người viết hỏi thật ông Tuấn là cá nhân thấy bóng đá Việt Nam phù hợp nước nào nhất. Ông giải thích: “Các CLB đều phát triển theo mô hình doanh nghiệp nhưng chịu tác động rất lớn của nền kinh tế. Nền kinh tế có vấn đề khó khăn bị ảnh hưởng, tác động. Đưa các CLB đi học tập là tốt, còn mỗi nước khác nhau mình không thể áp dụng hoàn toàn coi nước nào là tốt mà phải cân nhắc”.
Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa