Nguyễn Anh Đức: Đời bây giờ mới đẹp

Thứ Bảy, 5/6/2010, 19:15 (GMT+7)
(TT&VH cuối tuần) - 8 bàn tại V-League (chưa kể cú đánh gót sượt nhẹ trái bóng  vào lưới XM.Hải Phòng, nhưng bàn thắng nâng tỷ số lên 2 -  0 ấy lại được tính cho Vũ Phong). Thêm 3 lần lập công nữa  ở AFC Cup 2009, Anh Đức đang gieo "sự chết chóc" cho hàng  loạt các đối thủ của cựu vương B.Bình Dương (B.BD). Người  ta đã ví von rằng, nếu như Vua Midas chạm đâu là thành  vàng, thì Anh Đức ra chân là có bàn thắng. 

Trong khu vực cấm địa đối phương,  Anh Đức là ông vua. Trên thương trường,  Đức còn là ông chủ của vài shop đồ thể  thao rải từ Bình Dương lên TP.HCM. Tất cả  không tự nhiên đến, mà nó phải là sự tích  lũy.

Tôi là anh Đức

Số 11 của B.BD đá bóng và ghi bàn,  bằng đầu hoặc bằng chân. Nó như thể  hơi thở, là thói quen, là lập trình rồi. Anh  Đức có thể đá trung phong cắm, tiền đạo  cánh, đôi khi cũng lùi về tận sân nhà tìm  bóng. Đức bây giờ không còn vấp cỏ té ngã nữa, động tác khống chế bóng cũng  rất gọn gàng. Anh Đức đã biết cách “gò”  cho những chuyển động cơ thể mềm như cọng cỏ. Anh Đức còn "làm thơ", với những  bàn thắng rất “nghệ”. Ví như pha solo liên  hoàn cước làm rung mành lưới của XM.Hải  Phòng, ở vòng 13. Gần đây nhất là cú đúp  vào lưới Lam Sơn Thanh Hóa. Đức thăng  hoa hơn bất cứ cái tên nội binh nào khác ở  giai đoạn 1 và còn có thể tiến nữa.  

Khi một sự kiện lặp đi lặp lại nhiều  lần, thành thói quen, thì không thể nói là  may mắn nữa. Con số 8 bàn thắng sau 14  vòng đấu mùa này là hiện hữu. Nguyễn  Anh Đức đang bay bổng ở Thủ Dầu Một,  một sự kiện rất lạ trong suốt sự nghiệp.  Nhưng, Đức dứt khoát không chịu nhận  lời chúc mừng, bởi “nó cũng bình thường  mà anh”. Bóng đá chỉ lưu danh kẻ chiến  thắng và tiền đạo ắt phải thở bằng bàn  thắng. Không có những thứ đó, anh mãi  chỉ là người thừa.


Anh Đức đang bùng nổ trong màu áo B.BD

Thực tế, với những người dõi theo bước  chân của Anh Đức, kể từ khi cầu thủ quê  Bến Cát, Bình Dương chập chững bước vào làng bóng, thì sự thăng tiến của cựu tuyển thủ U20 và U23  QG này có thể xem là muộn.  Cần nhớ rằng, mùa 2005,  Đức đã làm mưa làm gió ở giải hạng Nhất QG, với  những bàn thắng liên  tiếp cho Bưu Điện. Một  năm trước đó, cầu thủ  người Bình Dương đi theo diện biệt phái, đã giúp KS Khải Hoàn thăng  hạng Nhất. Nhưng Đức đã gần như  mất tích, khi quay lại đội bóng quê  hương, dưới đời các HLV Đoàn Minh  Xương, Lê Thụy Hải, Francisco Vital  và thậm chí cả Mai Đức Chung.

Có những nguyên nhân khách  quan, như chiến thuật - cách  dụng binh của HLV, mà Đức chỉ  có rất ít đất diễn trên hàng tiền đạo vốn thừa các ngôi sao của  “Chelsea VN”. Nhưng công tâm mà nói, Đức không phải lúc nào  cũng đáp ứng được yêu cầu của  BHL. Trong cái rủi, lại có cái may, khi Anh Đức đã và đang được chơi cạnh các tinh túy nhất của  bóng đá Việt Nam, trong màu áo  B.BD. Anh Đức thăng hoa từ bệ  phóng này, vào thời điểm bắt đầu độ chín của sự nghiệp (Anh Đức sinh năm 1985). Thế nên Đức mới bảo, điều đó hết sức bình thường.

Không thích tung hô

 “Anh đừng viết gì về em cả. Mất công người ta lại ghét?!  Mình đá bóng và âm thầm thôi. Đó là công việc, giống như người nông dân vẫn phải lên rẫy, vào nương mỗi ngày ấy mà”, Anh Đức  vẫn bộc trực như thế. “Người ta” ở đây có khi là đối thủ, là đồng  nghiệp, là người hâm mộ và thậm chí cả cánh phóng viên. Bóng  đá vẫn đầy rẫy sự ganh ghét. Không có ai đứng cạnh Anh Đức, khi anh thất bại, vì thế cũng đừng tâng bốc khi anh thăng hoa. Và hẳn  Đức vẫn còn hậm hực, khi đã có thời báo chí “dập” anh tơi bời và  rằng, thật phí phạm khi tuyển (dưới thời HLV Alfred Riedl) lại có  tên Anh Đức.  

Ngày đó cách đây cũng nửa thập niên rồi. U23 VN đi Bacolod  (Philippines) đá SEA Games 23, Đức (20 tuổi) cũng tháp tùng, nhưng chỉ là phương án thứ 4 trên hàng công (sau Văn Quyến,  Thanh Bình và Công Vinh). Năm 2007, SEA Games trên đất Thái,  Đức cũng đi nhưng đó là giải đấu của Công Vinh và Thanh Bình, bộ đôi ưa thích của HLV Alfred Riedl. Ở cấp độ đội tuyển, Anh Đức  cũng vài lần được cất nhắc, nhưng như phải vía, sự thăng hoa với  Anh Đức vẫn là thứ xa xỉ, bởi rất nhiều cái “đằng sau”. Đức không  có “dây” trên tuyển, đã đành, nhưng Đức còn không khéo ăn nói  nữa.

Quả thật, phàm đã là thầy ngoại, nhìn Đức không thể không  yêu được. Từ Alfred Riedl và Henrique Calisto sau này cũng thế.  Đức chạy khỏe và đặc biệt có lợi điểm về chiều cao, nên rất  thích hợp với lối đánh giãn biên, chơi bóng bổng. Ý niệm  là thế, nhưng cứ lần lữa, Đức hoặc có rất ít cơ hội thể hiện,  hoặc khi được trao thì anh lại thất bại. Niềm kiêu hãnh bị  tổn thương ghê gớm và đã có lần Đức từ chối lệnh triệu  tập. Anh thu mình lại như con chim sợ cành cong. Đức xa  lánh tất cả. Thói quen ấy hình thành nên tính cách một Anh  Đức rất khó gần. Nhưng, ngay cả điều đó cũng cần được  tôn trọng.  

Còn một năm rưỡi hợp đồng với B.BD và Đức hứa sẽ  cống hiến hết mình, chừng nào còn ở lại. Tất nhiên, nếu  có cơ hội trở lại tuyển (rất khả quan), Anh Đức chắc sẽ  không phung phí thêm một lần nào nữa.  

Tùy Phong

Tại sao Đức “Eto’o”?

Không hiểu sao, từ nét mặt đến dáng chạy - sải chân của Anh Đức, lại hao hao giống “Vua sư tử” Samuel Eto’o (CLB Inter Milan và ĐT Cameroon)?! Thế nên mới có biệt danh Đức “Eto’o”. Nhưng, ngày đó người ta ghép cái tên này cho Anh Đức, với mục đích dè bỉu. Bởi khi Eto’o Samuel bùng nổ liên tiếp với rất nhiều các bàn thắng cho FC Barcelona (trước khi chuyển qua Inter Milan), thì Eto’o Đức lại rất vụng về, thường xuyên bỏ lỡ những cơ hội ngon ăn. Anh Đức vì thế đâm ra rất khó chịu và ghét cay ghét đắng cái biệt danh này.

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến