(Thethaovanhoa.vn) - Xóa bỏ điều lệ cũ, tiến hành bốc thăm lại King’s Cup, giải đấu có truyền thống lên tới 47 năm tuổi, quyết định của Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) phút chốc mang đến sự quan tâm chú ý không chỉ của người hâm mộ Thái Lan mà ngay cả Việt Nam.
Hôm qua, Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) đã công bố các đội tham dự King's Cup 2019. Ngoài Ấn Độ và Việt Nam, vị khách mời còn lại là một cái tên còn khá xa lạ: đội tuyển Curacao, đến từ CONCACAF.
Trên thực tế, những cuộc đối đầu giữa hai nền bóng đá, hai đội tuyển Việt Nam – Thái Lan dù ở cấp độ nào, đội tuyển quốc gia, U23 hay kể cả U21 cũng luôn mang đậm tính chất kịch tính, không khoan nhượng vào loại hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Nếu như Thái Lan là đội bóng có truyền thống với hàng loạt chức vô địch AFF Suzuki Cup và HCV SEA Games trong quá khứ thì với bước trưởng thành của dàn cầu thủ trẻ, sự kết hợp ăn ý của hai lứa cầu thủ dưới “bàn tay ma thuật” của HLV Park Hang Seo, 2 năm qua, bóng đá Việt Nam mới là số 1 Đông Nam Á khi vô địch AFF Suzuki Cup 2018, á quân U23 châu Á 2018 và lọt vào tứ kết ASIAN Cup 2019.
Như một lẽ thường tình trong thể thao, người xuống thì ắt có kẻ lên, khi bóng đá Thái Lan có dấu hiệu chững lại và phần nào đó thoái trào thì đó là cơ hội để các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á trỗi dậy và thật may mắn, bóng đá Việt Nam đã làm được điều đó trong suốt thời gian qua.
VIDEO Supachai Jaided xin lỗi CĐV Thái Lan
Nhưng, đây là lúc mà những người làm bóng đá Thái Lan muốn chứng tỏ sức mạnh truyền thống không dễ gì mất đi trong ngày một, ngày hai. Với hàng loạt thay đổi từ cấp thượng tầng trở xuống cho tới sự quan tâm, đầu tư, tuyển chọn lực lượng cho các đội tuyển, FAT đang muốn lấy lại niềm tin nơi người hâm mộ và chức vô địch giải đấu có truyền thống King’s Cup ngay trên sân nhà Chang Arena tại tỉnh Buriram sẽ là một chiến quả tuyệt vời với họ.
Và sẽ là tuyệt vời hơn cho bóng đá Thái Lan vốn là quyền lực cũ ở khu vực Đông Nam Á là đánh bại đội tuyển Việt Nam (quyền lực mới) để đăng quang tại King’s Cup mà không cần phải chờ quá lâu tới tận AFF Suzuki Cup 2020 để đòi lại vị thế đã mất.
Có lẽ cũng chính vì thế mà thể thức cũ của King’s Cup phân cặp thi đấu dựa trên thứ tự các đội bóng trên bảng xếp hạng FIFA đã bị xóa bỏ chỉ 1 tháng trước ngày khai cuộc.
Thay vào đó, việc bốc thăm sẽ được tiến hành ngẫu nhiên và dù kết quả bốc thăm vào lúc 13h00 chiều nay (8/5) tại khách sạn Al Meroz ở Bangkok có như thế nào, dù đội tuyển Việt Nam có sớm gặp đội tuyển Thái Lan như dư luận đồn đoán hay không thì ít nhất King’s Cup cũng trở nên có giá hơn rất nhiều trong mắt người hâm mộ cả Việt Nam lẫn Thái Lan.
Dẫu vậy, King’s Cup dù gì vẫn chỉ là một giải đấu giao hữu, cơ hội tập huấn, thử nghiệm nhiều mặt cho cả đội tuyển Thái Lan lẫn Việt Nam chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2022 sẽ khởi tranh trong tháng 9 tới.
Nói như HLV Steve Darby, người từng có nhiều năm làm công tác huấn luyện ở Việt Nam và Thái Lan, quá am hiểu bóng đá khu vực Đông Nam Á thì King’s Cup không phải mục tiêu quan trọng nhất với đội tuyển Việt Nam nhưng các học trò của HLV Park Hang Seo có thể lấy giải đấu này là bài học kinh nghiệm quý báu. Mục tiêu của đội tuyển Việt Nam đó là sự chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2022 và xa hơn là 2026, đó mới là sự phát triển đúng đắn của bóng đá.
Có lẽ cũng chính vì thế mà HLV Park Hang Seo sau chuyến công du 4 ngày tại Na Uy trở về để theo dõi Alexander Dang đã không vội vã đưa ra quyết định bổ sung chân sút Việt kiều này dù các nhân tố trên hàng tấn công của đội tuyển như Đức Chinh hay Tiến Linh không có phong độ tốt thời gian qua.
Alexander Dang cần thời gian để hoàn tất các thủ tục giấy tờ cần thiết và đó cũng là cơ hội để thầy Park thẩm định thêm nhiều lần nữa khả năng của tiền đạo này trước khi tính đến sự thay đổi nhân sự nếu có cho đội tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022.
Chậm mà chắc là điều cần thiết!
Lâm Chi