(Thethaovanhoa.vn) - Ngoại binh ở V-League 2017 là “bản nhạc” buồn trong bức tranh tổng thể của giải đấu. Không có nhiều sự đột biến từ các nhân tố mới. Ngoại binh của đội bóng này chỉ là “hàng dạt” của đội bóng khác; thậm chí, còn lấy lại cả cầu thủ mà họ bỏ đi.
Dấu ấn Anh Đức
Anh Đức đã chấm dứt sự thống trị của các chân sút ngoại trong 15 mùa giải trước đó ở cuộc đua giành danh hiệu Vua phá lưới với 17 pha lập công có được. Đây là thành tích khiến giới mộ điệu có phần bất ngờ bởi tiền đạo của B.Bình Dương đã 32 tuổi và xung quanh anh không có quá nhiều “chân chuyền” thượng thặng như thời đội bóng đất Thủ được ví là "Chelsea của Việt Nam" trước đây.
Thành tích của Anh Đức chỉ hơn hai chân sút xếp phía sau là Dyachenko (Than Quảng Ninh) và Nsi (XSKT Cần Thơ) đúng 1 bàn. Tức là, kể từ khi V-League có 14 đội, có ba mùa giải, các ngoại binh giành danh hiệu Vua phá lưới nhưng ít hơn số bàn thắng của Dyachenko và Nsi ghi được.
Đó là Almeida (SHB Đà Nẵng) dẫn đầu danh sách ghi bàn ở V-League 2007 với 16 bàn, Gaston Merlo (SHB Đà Nẵng) và Lazaro (Quân khu 4) ở V-League 2009 cùng 15 bàn, thậm chí, ở V-League 2013, Hoàng Vũ Samson và Gonzalo (cùng Hà Nội T&T) chỉ ghi đúng 14 bàn.
Xếp sau thành tích ghi bàn của Anh Đức là một loạt những tiền đạo ngoại khác như Dyachenko, Nsi, Stevens, Uche, Claudecir hay Pape Omar. Có thể thấy, dấu ấn mà tiền đạo của B.Bình Dương đặt lên ở mùa giải này khá lớn. Càng ấn tượng hơn khi anh không nằm trong tập thể với nhiều ngôi sao trong đội hình.
Vì đâu nên nỗi?
Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Anh Đức cũng là nỗi buồn của các ngoại binh. Không thể phủ nhận, tiền đạo gốc Bình Dương xuất sắc nhưng một phần nguyên nhân là do chất lượng các ngoại binh ở V-League hạn chế.
“Suất ngoại binh hạn chế cũng khiến các cầu thủ nước ngoài đến với V-League đều có chất lượng hạn chế. Đó là chưa kể đến nạn kiêu binh, bởi chỉ cần một ngoại binh không ra sân hoặc chơi tốt sẽ lập tức ảnh hưởng đến đội bóng”, HLV Nguyễn Đức Thắng của Sài Gòn FC cho biết.
Trong khi đó, Quyền chủ tịch của TPHCM, Lê Công Vinh bày tỏ: “Cầu thủ ngoại bị hạn chế suất chơi, đồng thời cơ chế tài chính không cho phép, khiến nhiều đội bóng chỉ có được chữ ký của ‘hàng dạt’, khiến chất lượng đội hình đi xuống. Nó kéo theo chất lượng chuyên môn của các trận đấu và giải đấu cũng xuống theo”.
Những đánh giá của người trong cuộc đang là thực trạng chung ở V-League hiện tại. Các ngoại binh đến với V-League chưa thể hiện được quá nhiều điều. Gramoz (SHB Đà Nẵng), Henry Shackiel, Olaha, Danko (SLNA), Wander Luiz, Apollon (Long An), Diogo, Dungary (B.Bình Dương), những cầu thủ lần đầu “hít thở” không khí V-League đều là những “cục nợ” của các đội bóng.
Quả bóng vàng Việt Nam 2015 Nguyễn Anh Đức hoàn tất một mùa giải trên cả tuyệt vời với bản thân mình bất chấp đội bóng đì đẹt ở V-League. Đội trưởng B.Bình Dương có được 17 bàn thắng để đi vào lịch sử giải đấu là chân sút nội tốt nhất.
Trong khi đó, Britez (SHB Đà Nẵng), Motta, Mobi Fehr (HAGL), Da Sylva (TPHCM), Marcelo, Patrick dos Santos Cruz (Sài Gòn), Toure Youssouf (S.Khánh Hòa BVN) mới chỉ đạt yêu cầu. Duy nhất chỉ có trung vệ Thiago (Quảng Nam) là ngoại binh gây ấn tượng trong lần đầu thử sức ở V-League.
Ở khía cạnh khác, nhiều ngoại binh chỉ theo dạng “cũ người, mới ta”. Một số đội bóng như FLC Thanh Hóa không tìm được ngoại binh ưng ý đành phải tiếp tục “se duyên” với Uche, hay Than Quảng Ninh phải gọi lại “hàng thải” Dyachenko.
Ngoại binh là thành tố cấu thành nên giải đấu. Và chất lượng ngoại binh là nét cọ phác thảo cho hình ảnh của một giải đấu đó.
Diễm Quỳnh