(Thethaovanhoa.vn) - Ông Vũ Mạnh Hải là chuyên gia bóng đá uy tín. Từng là một danh thủ bóng đá, chuyên gia, nhà báo sắc sảo, nguyên TBT báo Bóng đá, ông là một “nhân chứng lịch sử”. Những ý kiến của ông đều có sức lan tỏa và thuyết phục cao. TT&VH trân trọng giới thiệu loạt bài ghi chép về BĐVN của chuyên gia này. Ông Hải bảo rằng chỉ muốn chuyển tải thông điệp dung dị: bóng đá Việt Nam đã có một thời rất hào hùng, tuyệt vời, thế hệ những người làm bóng đá trẻ hôm nay cần biết kế thừa và được cảnh tỉnh.
Lê Công Vinh đã nói lời giã từ ĐTQG, đúng như những gì mà cậu ấy đã dự định trước khi “chiến dịch” AFF Cup Suzuki 2016 bắt đầu. Tôi đã đọc những dòng chia sẻ về sự kiện này trên FB và nước mắt chực trào dâng vì thấy hình bóng tôi và nhiều đồng đội của một thời chỉ biết dâng hiến.
Công Vinh là hình mẫu cho sự nỗ lực và vượt khó.Ảnh: Phương NamTôi thấy rằng dường như có một điều gì đó bất công với cậu ấy khi nhiều fan không biết có mê bóng đá thực sự hay không dành cho anh những lời lẽ khó nghe, rất không công bằng so với những gì Vinh xứng đáng được tưởng thưởng trong những năm tháng cống hiến cho bóng đá nước nhà thời “hiện đại”.
Giới chuyên môn có thể khắt khe vì Lê Công Vinh không phải hình mẫu của một trung phong hiện đại, nhưng giá trị một cầu thủ đâu chỉ căn cứ vào vị trí thi đấu mà nó được khẳng định bằng hiệu quả, sự cống hiến của họ và các phẩm chất trong cuộc sống.
Một cầu thủ có xuất phát điểm không thuận lợi bằng nhiều người có năng khiếu đặc biệt khác nhưng đã biết chắt chiu cơ hội, kiên trì khổ luyện vươn lên để trở thành một ngôi sao sân cỏ để lại dấu ấn đáng kể về tài năng, thành tích đạt được, rất chuyên nghiệp trong xử sự các vấn đề liên quan đến bóng đá và cuộc sống rất có văn hóa, đó là Lê Công Vinh 3 lần Quả bóng Vàng Việt Nam, 85 lần khoác áo ĐTQG với 51 bàn thắng ghi được (kỷ lục)!
Những thống kê ấy cùng với ấn tượng về cú đánh đầu nổi tiếng đưa Việt Nam đoạt chức vô địch AFF Suzuki Cup năm 2008, và gần đây nhất những bàn thắng quan trọng tại vòng bảng ở AFF Cup 2016 tại Myanmar…, là những gì gần gũi nhất chứng minh tài năng và phẩm chất một cầu thủ mẫu mực thời “tranh tối tranh sáng”, cái thời đồng tiền chi phối bóng đá.
Lan man suy nghĩ về Công Vinh, trong tôi hiện lên hình ảnh một tuyển thủ QG đang ở bên kia chân dốc của sự nghiệp nay được gọi vào ĐTQG đã dốc cạn sinh lực đem tất cả những gì tinh tế nhất cả cuộc đời đá bóng gom góp lại được dâng hiến đến tận cùng của trí lực cho trận chiến đấu cuối cùng! Cậu ấy là người khao khát đến đỉnh vinh quang nhất trong “chiến dịch” AFF Cup lần này so với tất cả các tuyển thủ QG khác của HLV Hữu Thắng, tôi có thể khẳng định như thế!
Lê Công Vinh đã có những chia sẻ về cựu tiền vệ Manchester United Anderson khi cả hai cùng chữa trị chấn thương tại Bồ Đào Nha năm 2009. Anh chia sẻ rằng “Anderson là một người Brazil thích tiệc tùng và hơi điên”.
Nhưng… đáng tiếc, trời chẳng chiều người, may mắn đã bỏ rơi các chiến binh quả cảm của ĐT bóng đá Việt Nam buộc Lê Công Vinh phải chia tay trong nuối tiếc, trong nỗi đau của một người đã hết cơ hội tranh đua trên sân cỏ! Những giọt nước mắt của Vinh đêm 7/12/2016 mặn chát hơn bình thường còn bởi anh ấy đã thua trong một trận đấu hơn hẳn đối thủ mọi mặt, chỉ thiếu có bàn thắng, điều người hâm mộ trông chờ ở một trung phong. Phải chăng vì thế, “gạch, đá” trên mạng đã tìm đến anh!? Cũng có thể vì thế những gì Vinh đã làm trước đó người ta quên hết! Quá bất công cho một sự chia tay đầy nước mắt!
Tôi cũng đã từng có cảm giác đau lòng ấy khi chia tay Thể Công, đội bóng mà tôi gắn bó suốt gần 18 năm trong màu áo đỏ mà tôi coi như gia đình của mình. Tôi cũng đã khóc, khóc sướt mướt, khóc không cầm được nước mắt vì phải xa rời đội bóng mà tôi nguyện gắn bó với nó suốt cả cuộc đời! Ở tuổi 32 gần giống Công Vinh, tôi khóc nhưng không có cảm giác như cậu ấy.
(Còn nữa)
Vũ Mạnh Hải
Thể thao & Văn hóa