(Thethaovanhoa.vn) - thì V-League 2020 sẽ chứng kiến sự xáo trộn rất lớn trên bản đồ bóng đá Việt Nam.
“Việc CLB Thanh Hóa gửi công văn lên VFF, VPF xin không tham gia phần còn lại của LS V-League 2020 đã vỡ ra rất nhiều bất cập của cung cách tổ chức, quản lý, điều hành bóng đá nước nhà”. BLV Ngô Quang Tùng mở đầu câu chuyện cuối tuần cùng Thể thao &ăn hóa xoay quanh vấn đề Thanh Hóa lên tiếng nghỉ chơi, rồi... lại chơi tiếp!?
1. Chủ tịch hai CLB Thanh Hóa và Quảng Nam là những người mạnh mẽ đăng đàn khẳng định với giới truyền thông lẫn hành động cụ thể bằng văn bản về việc kiến nghị huỷ bỏ luôn mùa bóng 2020 sau lần thứ 2 phải hoãn vì dịch bệnh Covid-19.
Dù gần nhất, lá đơn xin rút khỏi V-League 2020 của đội bóng xứ Thanh đã được rút lại, thì rõ ràng, chuyện này là không phải không có khả năng xảy ra. Thanh Hóa là CLB có thứ hạng cao nhất (xếp thứ 8) trên bảng xếp hạng hiện tại muốn bỏ V-League 2020. Và có lẽ với nhiều người, lý do này giúp bầu Đệ có thể “mặc cả” bằng tiếng nói trọng lượng hơn những CLB hạng dưới như Quảng Nam (bét bảng), SLNA, DNH Nam Định, Hải Phòng (từ hạng 11 đến 13). Với vị trí đó, Thanh Hoá đủ điều kiện có mặt trong Top 8, an toàn trụ hạng năm nay.
Nhưng vấn đề là V-League 2020 còn 2 trận đấu nữa mới khép lại lượt đi và với số điểm 14 hiện tại, Thanh Hóa chỉ hơn đội xếp áp chót Hải Phòng 4 điểm. Đội bóng của bầu Đệ hoàn toàn rơi khỏi nhóm 8 đội đứng đầu nếu hoà hoặc thua ở lượt trận 12. Vị trí Thanh Hóa có được rất mong manh. Nếu thi đấu tiếp, thầy trò HLV Nguyễn Thành Công rất dễ rơi xuống Top 6 cuối bảng bằng phong độ và thực lực hiện có.
Việc huỷ V-League 2020 nếu đúng như mong chờ của bầu Đệ thì hơn ai hết, Thanh Hoá sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Chưa biết Chủ tịch CLB xứ Thanh có tham khảo ý kiến của luật sư như đã công bố cho báo chí mới đây hay không, nhưng chắc chắn Thanh Hóa sẽ không còn đau đầu lo lắng về mùa giải năm nay.
Từ đầu mùa, nội tình CLB này rối ren như …canh hẹ vì sự có mặt của HLV Fabio Lopez – người vẫn đang theo đuổi vụ kiện lên tận FIFA với CLB xứ Thanh do bị sa thải. HLV Thành Công tới giúp CLB khởi sắc thời gian qua, nhưng chưa đủ để giúp Thanh Hóa an tâm trụ hạng vì lực lượng CLB như ông chia sẻ có chất lượng không cao. Ngoại binh yếu kém là vấn đề lớn với Thanh Hóa. Từ lâu nay, Thanh Hoá luôn chú trọng về thành tích và những gì diễn ra năm nay thực sự không như ý.
Chuyện kinh phí được đưa ra để gây sức ép với VFF, VPF nhằm huỷ bỏ V-League 2020 thực sự không thuyết phục được nhiều người. Nhiều người dân Thanh Hóa cho rằng văn bản vừa rồi “làm xấu mặt 4 triệu người dân xứ Thanh”. Và nó càng cho thấy rõ thực tế khác về nguồn ngân sách dành cho bóng đá của các CLB.
Nhiều năm qua, VPF đã đặt chỉ tiêu ngân sách dự chi cho một mùa giải của các CLB dự V-League vào khoảng 35 tỷ đồng và tất cả đều hưởng ứng. Trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 khó lường như hiện tại, có thể thông cảm cho các CLB về mặt kinh phí hoạt động nhưng chắc chắn, bỏ giải là một phạm trù khác khi nó ảnh hưởng đến bộ mặt bóng đá Việt Nam. Khi số đông CLB cho rằng việc tạm hoãn V-League đến hiện tại là chẳng đặng đừng và đều thông cảm chờ ngày trở lại, thì những CLB đòi huỷ mùa bóng năm nay chỉ vì CLB không sống nổi thêm một vài tháng của năm 2020 thực sự rất đáng suy nghĩ.
2. Không thể phủ nhận, nhiều CLB muốn huỷ bỏ V-League 2020 với Thanh Hóa trong thời điểm nhạy cảm. Nhưng ngay lập tức, đã có nhiều ý kiến phản biện từ chính các CLB khác. Trong đó, cả Quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cũng đã “định” sẵn khung phạt cho CLB tự ý bỏ giải như trường hợp Thanh Hóa. Đội bóng của bầu Đệ sẽ bị phạt ít nhất 300 triệu đồng, huỷ kết quả tại V-League 2020 và phải xuống chơi ở Hạng Ba từ mùa giải 2021. Người ký văn bản như bầu Đệ cũng đứng trước mức phạt cấm hoạt động bóng đá 5 năm. Môn thể thao được người xứ Thanh yêu thích nhất có thể bị xóa sổ luôn từ đó.
Những tiền lệ như việc Thanh Hóa bỏ giải vốn đã từng tồn tại rất nhiều với bóng đá Việt Nam. Điển hình như việc XMXT Sài Gòn hay V.Ninh Bình nghỉ chơi V-League vì lần lượt bầu Thụy, bầu Trường bất bình với BTC và bị cầu thủ chơi khăm. Năm 2011, Hòa Phát Hà Nội cũng bất mãn với môi trường bóng đá Việt Nam và bỏ chơi V-League, dù họ vẫn đường đường trụ hạng năm đó.
Ở góc độ chuyên môn, nếu Thanh Hóa bỏ giải, cục diện V-League 2020 sẽ bị đảo lộn vì kết quả của các đội bóng đã thi đấu với đội bóng xứ Thanh sẽ bị huỷ. Các đội bóng đã thắng Thanh Hóa ở lượt đi gồm Hải Phòng, TP.HCM, Quảng Nam, Đà Nẵng, Sài Gòn sẽ bị mất 3 điểm. Còn SLNA và HAGL mất 1 điểm, những CLB như DNH Nam Định, Viettel, Quảng Ninh và Bình Dương không bị trừ điểm.
Sau khi trừ điểm giành được từ CLB Thanh Hóa, HAGL sẽ còn 16 điểm và vươn lên vị trí thứ 5 của CLB TP.HCM, bởi đội bóng Sài Thành bị mất 1 chiến thắng và chỉ còn 14 điểm. Tương tự, Hải Phòng cũng mất 3 điểm và rơi xuống cuối bảng xếp hạng. V-League sẽ thi đấu tiếp mà không còn vé rớt hạng do Thanh Hóa đã… giành quyền này.
Ngoài ra, việc Thanh Hóa bỏ giải nếu thành sự thật sẽ giúp các đội hạng Nhất mừng rơn. Bởi “vắng mợ thì chợ vẫn đông” khi thực tế cho thấy, bóng đá Việt Nam không lo lắng về việc tìm ra 14 CLB đủ điều kiện chơi V-League. Tại giải hạng Nhất quốc gia lúc này, có lẽ trừ Sanna Khánh Hòa BVN, ba CLB như Phố Hiến, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Định đang cật lực đua suất lên hạng duy nhất năm nay. Tất cả đều đã tranh thủ chạy đua lực lượng ngay khi kỳ chuyển nhượng giữa giai đoạn bắt đầu.
Sự thiếu chuyên nghiệp của các CLB bóng đá Việt Nam luôn có đất để tồn tại từ trường hợp của Thanh Hóa. Sau rất nhiều năm, chuyện bỏ giải – hay xa hơn là xóa tên một thương hiệu khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam lại được xới lên và thực sự, nó là nỗi hổ thẹn với một địa phương giàu truyền thống với môn thể thao vua như Thanh Hóa.
Việt Hà