(Thethaovanhoa.vn) - Với việc Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường vẫn ngồi dự bị dài dài ở J-League 2 và K-League, nhiều người lo ngại điều này sẽ khiến họ thui chột tài năng và với HAGL, họ vẫn đang ở trạng thái chờ.
“HAGL vẫn chờ các em”
Đầu mùa giải này, HAGL đã gây nên cơn sốt khi bất ngờ “gả” Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh cho các “anh rể” ngoại quốc. Những cuộc se duyên này rất đáng để chờ đợi bởi hiếm khi bóng đá Việt Nam lại liên tục “xuất khẩu” cầu thủ, chưa kể họ còn quá trẻ.
Với những gì đã thể hiện trong màu áo HAGL tại Toyota V-League 2015, việc Công Phượng sang Mito Hollyhock, Tuấn Anh sang Yokohama FC và Xuân Trường sang Incheon United mang đến những cảm xúc khác nhau. Đó là niềm vui lẫn trong sự âu lo. Vui vì được xuất ngoại còn lo họ có trụ nổi ở môi trường mới.
Thực tế, nỗi lo của người hâm mộ cũng như giới chuyên môn đang thành sự thật. Tuấn Anh chỉ là con số 0 ở Yokohama FC. Không ra sân thi đấu cũng ít khi được đăng ký trên băng ghế dự bị. Công Phượng thì mới chỉ 2 lần ra sân thay người ở những phút cuối trận và cũng không để lại quá nhiều ấn tượng.
Xuân Trường thì khá hơn khi được ra sân chính thức và bị thay ra ở hiệp 2, nhưng thời điểm Xuân Trường trình làng K-League đúng ngày kỷ niệm 20 năm quan hệ hợp tác ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Ngoài ra, Xuân Trường còn được thi đấu ở R-League, giải đấu dành cho các cầu thủ dự bị của K-League, và hôm qua (12/7) Xuân Trường đã lập cú đúp trong trận thua 2-4 của Incheon United trước Seoul E-Land.
“Chuyện Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường không được ra sân thường xuyên là bình thường. Các em cần cố gắng phấn đấu hơn nữa. Tôi không sợ thui chột. Cứ nhìn các em đá ở ĐTQG sẽ thấy rõ.
Sang những nền bóng đá Nhật Bản, Hàn Quốc có trình độ cao hơn V-League rất nhiều, các em sẽ được học hỏi nhiều điều. Kể cả không ra sân nhưng thông qua quá trình tập luyện sẽ rất bổ ích cho các em”, trưởng đoàn Nguyễn Tấn Anh chia sẻ.
Ngoài ra, bộ ba này thật sự nổi bật ở những hoạt động bên lề. Thậm chí, Công Phượng còn phải tự tay đi phát tờ rơi mỗi khi đội nhà thi đấu. “Công Phượng phát tờ rơi trước mỗi trận đấu của Mito Hollyhock là hoạt động bình thường của đội bóng. Việc cầu thủ đi đến các địa điểm để phát tờ rơi, mời gọi những CĐV đến sân là cách làm hay, cần học hỏi.
Thông qua hoạt động này, cầu thủ sẽ gần gũi với người hâm mộ hơn. Không chỉ Công Phượng mà các cầu thủ khác của Mito Hollyhock cũng đảm nhận công việc này. Chúng tôi vẫn chờ và tin tưởng các em thi đấu tốt, không có chuyện sợ thui chột tài năng”, ông Tấn Anh khẳng định.
“Không đá nhiều, tài năng sẽ thui chột”
Theo quan điểm của những người làm bóng đá lâu năm, vấn đề quan trọng nhất của một cầu thủ là được thi đấu. Đối với những cầu thủ trẻ, nhu cầu đó càng bức thiết để có thể phát triển đúng lộ trình.
Khi chứng kiến bộ ba tài năng trẻ của HAGL vẫn chỉ mỏi mòn trên băng ghế dự bị, chuyên gia bóng đá Nguyễn Thành Vinh không khỏi trăn trở. Ông ví nghề cầu thủ cũng như kỹ sư.
“Một kỹ sư giỏi không phải chỉ nắm vững lý thuyết. Người đó cần nhiều hơn thực tế để nâng cao tay nghề. Nếu chỉ luẩn quẩn quanh đống sách vở mà thiếu đi phần thực hành thì anh ta cũng chỉ là kỹ sư “giấy”, khó lòng đạt đến mức giỏi được.
Cầu thủ bóng đá cũng như vậy. Bên cạnh công tác huấn luyện với những kỹ năng cơ bản, cầu thủ đó cần được ra sân thì đấu nhiều hơn.
R.League, giải đấu dành cho những cầu thủ ở đội hình 2 các CLB K.League tiếp tục là sân chơi cho những cầu thủ trẻ như Lương Xuân Trường.
Thứ nhất, anh ta sẽ có môi trường để va chạm, cạnh tranh và biết mình đang ở đâu; thứ hai, tạo ra trạng thái tâm lý thi đấu tốt nhất; thứ ba nữa là có kinh nghiệm. Nếu không được ra sân thường xuyên, anh ta sẽ rất dễ mắc phải hội chứng tâm lý.
Riêng trường hợp của Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh thì nếu không được ra sân thì điều tất yếu họ sẽ bị thui chột tài năng. Chưa kể, những hệ lụy xấu sẽ xuất hiện sau này. Chẳng hạn, họ sẽ cảm thấy thiếu tự tin, cảm thấy mình nhỏ bé mỗi khi gặp các đối thủ mạnh hơn khi không thể cạnh tranh suất đá chính ở môi trường bóng đá cao như Nhật Bản hay Hàn Quốc. Họ sẽ cảm thấy lo lắng, tâm lý bị dao động khi chạm trán với đối thủ như vậy”, ông Vinh có cái nhìn thẳng thắn.
Để lấy ví dụ tiêu biểu cho sự thui chột tài năng khi không được thi đấu thường xuyên, ông Vinh dẫn chứng lứa cầu thủ bị vướng vào vụ việc Bacolod năm 2005. “Đó là lứa cầu thủ tài năng của bóng đá Việt Nam nhưng sau 2-3 năm không thi đấu, hầu hết trong số đó đều không thể hiện đúng năng lực của mình. Đó là hệ quả cho một quá trình dài không được ra sân”.
Cũng theo vị chuyên gia này, chuyện một cầu thủ không thường xuyên ra sân ở cấp độ CLB nhưng vẫn trụ cột ở ĐTQG là điều hết sức bình thường bởi nó phụ thuộc vào cách dụng nhân của HLV trưởng. Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng CLB mới là nền tảng bởi ở đó các cầu thủ sẽ được thi đấu nhiều hơn; qua đó có nhiều điều kiện phát triển tài năng.
Nam Giao
Thể thao & Văn hóa