Lee Nguyễn: 'Hãy nhớ tôi là người Việt'

Thứ Tư, 10/2/2016, 5:53 (GMT+7)
(Thethaovanhoa.vn) - Trước khi đáp chuyến bay đi Thái Lan với bạn gái người Mỹ, Lee Nguyễn đã dành cho Thể thao & Văn hóa một cuộc trò chuyện, bắt đầu từ việc anh lấy họ của mình, là NGUYEN, để in lên lưng áo rồi tung hoành ở MLS vào mỗi cuối tuần.

* Chào Lee Nguyễn, trong chuyến trở lại Việt Nam hồi tháng 12 vừa rồi mà như anh nói để du lịch là chính thì còn có mục đích gì khác nữa không?

- Nhiều người hình như chỉ quan tâm tới tôi như là một cầu thủ chứ không nhớ tôi là người có nguồn Việt Nam. Việc tôi trở về thăm Việt Nam và đưa bạn bè cùng người yêu của tôi thăm nơi cha mẹ tôi sinh ra lớn lên cũng là điều rất bình thường. Bản thân tôi cũng rất nhớ Việt Nam, tôi vẫn còn nhiều bạn bè ở đây và vẫn liên lạc với họ thường xuyên khi ở Mỹ.

Kể từ sau khi rời Việt Nam vào cuối năm 2011 thì tròn 4 năm tôi mới quay lại, tính ra cũng khá lâu do 2 năm đầu tôi phải tập trung cho bóng đá, năm ngoái (cuối 2014 và đầu 2015) thì tôi lại bận tập trung ở tuyển Mỹ ở “Trại tháng Giêng” (January Camping) ở California.

* Khi 18 tuổi sang chơi cho PSV Eindhoven hay khoác áo ĐT Mỹ, anh mặc áo ghi tên là “Lee” và lúc sang Việt Nam thì ghi tên “Lee Nguyễn” nhưng sau này khi về Mỹ chơi tại MLS, anh lại ghi tên là “Nguyen”. Đâu là lý do của sự thay đổi từ “Lee” sang “Nguyen”?

- Tên đầy đủ trong giấy khai sinh và hộ chiếu của tôi là Nguyễn Lee Thế Anh. Lee theo như cha tôi kể là tên mà ông nội đỡ đầu của tôi là một võ sư người Mỹ đặt cho vì ông ấy thần tượng Bruce Lee (Lý Tiểu Long). Lee cũng là tên “nick” mà mọi người gọi tôi hằng ngày, tuy nhiên sau khi về sống ở Việt Nam 3 năm (2009-2011) tôi càng ý thức về gốc gác của mình hơn.

Do vậy khi đá tại MLS tôi dùng tên “Nguyen” để ghi tên áo vì ở Mỹ ai cũng biết “Nguyen” là họ phổ biến của người Việt Nam.


Lee Nguyễn đến Việt Nam cùng bạn gái

* Đến giờ thì khả năng nghe nói tiếng Việt của anh ở mức nào?

- Tôi nghe thì hiểu hết, nói cũng được nhưng không nói nhanh được thôi. Tuy nhiên ở cuộc gặp gỡ giao lưu vừa qua, để thuận tiện và mong muốn truyền đạt chính xác ý nghĩa đến báo chí nên tôi mới nói tiếng Anh và nhờ phiên dịch lại tiếng Việt.

Về Việt Nam chơi bóng được nhiều tiền hơn Mỹ, nhưng…

* Vậy chuyện các CLB ở Việt Nam đánh tiếng muốn mời anh trở lại thi đấu?

- Khi tôi về đến Sài Gòn và có thực hiện một cuộc giao lưu với báo chí, cổ động viên tại một nhà hàng chuyên các món ăn Huế - quê của mẹ tôi, thì tôi có được người đại diện tại Việt Nam cho biết là anh ta nhận được vài cuộc gọi điện hỏi về việc chuyển nhượng của các CLB ở Việt Nam.

Tôi chỉ biết vậy thôi, còn muốn đặt vấn đề chuyển nhượng thực sự thì phải liên lạc trực tiếp và gửi văn bản với công ty đại diện của tôi tại Mỹ thì chưa có CLB nào ở V.League làm cả. Tôi cũng biết ở Việt Nam thì các lãnh đạo CLB hay nói này nói kia trên báo chí song đó là việc của họ, tôi không quan tâm lắm.

* Nhưng có nhiều người nói rằng anh lợi dụng các CLB ở Việt Nam để đánh bóng tên tuổi hoặc để làm giá khi đàm phán hợp đồng mới ở MLS?

- Người ta nghĩ vậy thật à? Không ai nghĩ ngược lại là các CLB ở Việt Nam dùng tên Lee Nguyễn để đánh bóng cho họ sao?

Sự thật tôi không hiểu lắm việc “đánh bóng” là gì và nếu dùng các CLB ở Việt Nam để gây sức ép tại MLS thì càng không đúng. Các CLB ở Việt Nam họ chỉ nói miệng hoặc nhiều lắm là gọi điện cho người đại diện của tôi tại Việt Nam để hỏi thăm thôi chứ làm gì có CLB nào gửi văn bản chính thức cho New England Revolution và công ty đại diện của tôi tại Mỹ đâu mà có thể gây sức ép cho MLS. Bên Mỹ làm gì có chuyện họ “nghe” báo chí ở Việt Nam rồi cuống lên (cười).

* Câu hỏi cụ thể nhé, anh muốn đá ở đâu hơn: Mỹ hay Việt Nam?

- Tôi vẫn ưu tiên việc chơi bóng ở Mỹ vì đây là nơi tôi đang đạt được nhiều thứ mình cần và được đối đầu với các danh thủ từ châu Âu là điều tôi rất thích thú. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ khép cánh cửa về lại Việt Nam vì tôi vẫn nghĩ sẽ có ngày quay lại nơi này.


Lee Nguyễn cười tươi khi trở lại Việt Nam sau 4 năm

* Vì ở Việt Nam trả nhiều tiền cho anh hơn tại MLS?

- Tôi không trả lời câu này. Nhưng về Việt Nam thì bạn cũng hiểu tôi sẽ mất nhiều thứ nên phải suy nghĩ rất kỹ nếu có lời đề nghị thích hợp và thời điểm thích hợp.

* Điều kiện đầu tiên để đàm phán chuyển nhượng của anh là gì?

- Các CLB phải gửi thư đến New England Revolution và công ty đại diện của tôi để bắt đầu tham gia đàm phán và sau đó các bên sẽ thỏa thuận giá cả mua lại hợp đồng còn 1 năm của tôi với New England Revolution. Giá khởi điểm mà New England Revolution đưa ra là 600.000 USD.

* Còn điều kiện tiếp theo là gì?

- Các CLB phải chấp nhận điều kiện đầu tiên đã rồi mới nói đến điều kiện tiếp theo được. Điều kiện đầu tiên giống như bạn tham gia vào một cuộc đấu giá và New England Revolution là bên ra giá.

* Ở Mỹ tất cả cầu thủ cầu thủ chuyên nghiệp đều phải làm việc thông qua công ty đại diện đúng không?

- Đúng vậy. Chúng tôi bỏ tiền thuê họ để họ làm việc và chúng tôi chỉ tập trung vào chuyện đá bóng mà thôi. Có rất nhiều vấn đề trong hợp đồng có liên quan đến yếu tố pháp luật cũng như các ràng buộc về quảng cáo, tài trợ mà cầu thủ phải tuân thủ nên phải cần có công ty đại diện để làm thay việc đó.

* Anh có thể cho một ví dụ nhỏ không?

- Chẳng hạn như cuộc giao lưu với báo chí và cổ động viên vừa qua, tôi cũng phải hỏi ý kiến của người đại diện và được họ đồng ý chứ không tự tiện làm. Khi tham gia sự kiện thì chỉ được mặc thường phục chứ không được mặc áo của CLB New England Revolution hay ĐTQG Mỹ.

* Đó có phải là lý do anh thường từ chối các câu trả lời của phóng viên về chuyện tương lai, nhất là khả năng quay lại V.League?

- Đúng. Tôi không được phép tự ý nói gì chi tiết về chuyện tương lai của mình nếu công ty đại diện không cho phép, nhất là trong giai đoạn đàm phán hợp đồng.

Klinsi không trọng dụng tôi là việc của ông ấy

* Sau 7 năm anh quay lại ĐTQG Mỹ nhưng sự thật là anh không được HLV Jurgen Klinsmann trọng dụng. Anh có thất vọng vì điều này không?

- Khi hay tin HLV Jurgen Klinsmann lên thay Bob Bradley sau World Cup 2010 thì tôi đã có ý nghĩ sẽ quay lại Mỹ vì tôi nghĩ mình có cơ hội dưới thời Klinsi. Dù hơi muộn song tôi cũng đã quay lại ĐTQG Mỹ hồi cuối năm 2014. Tuy nhiên, việc Klinsi sử dụng cầu thủ như thế nào với chiến thuật ra sao là việc của ông ấy mà tôi phải tuân theo.

Klinsi chịu trách nhiệm về các quyết định của ông ấy. Dù sao tôi cũng vui mừng khi đã chứng minh được năng lực của mình trong mấy năm chơi ở MLS và việc được gọi trở lại ĐTQG Mỹ khiến tôi rất tự hào vì đó là mong muốn lớn nhất của tôi.


* Anh nghĩ gì về khả năng chơi bóng ở VCK World Cup 2018?

- Tôi chưa nghĩ gì cả vì từ đây đến đó còn quá dài. Tôi luôn có suy nghĩ cứ làm việc hết sức mình rồi chuyện gì cũng có thể xảy ra. World Cup luôn là giấc mơ của tôi.

* Anh sẽ làm gì sau khi treo giày?

Có lẽ tôi sẽ tiếp tục con đường bóng đá trong vài trò HLV. Hiện tại tôi cùng với đồng đội Charlie Davies ở New England Revolution đang làm trợ lý huấn luyện tại một trường Đại học ở Boston. Ngoài ra tôi cũng thích khi làm việc ở lĩnh vực thời trang.

* Cám ơn anh về cuộc trao đổi!


Đăng Khoa
Thể thao & Văn hóa Xuân Bính Thân

Tủ Bếp Đà Nẵng  (10/02/2016 07:42:20)
hoang.thegioibep@gmail.com
Rất chuyên nghiệp Buồn cho môi trường Vn đã mất một tài năng có sức ảnh hưởng lớn đến các cầu thủ khác Bản chất ganh ghét tị hiềm của cầu thủ Việt khi nào con cố hữu thì là một nguyên nhân lớn khiến bdvn càng ngày cang tụt hậu
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến