(Thethaovanhoa.vn) - U22 Hàn Quốc không có đội hình mạnh nhất, lại phải thay “tướng” giữa dòng. U22 Macau (Trung Quốc) hay Timor Leste chưa được xếp “chung mâm”. Cánh cửa lọt vào vòng chung kết U23 châu Á khá sáng cho thầy trò HLV Hữu Thắng.
Kinh nghiệm của chủ nhà
Trong suốt lịch sử của giải U23 châu Á, U23 Việt Nam mới chỉ một lần góp mặt vào năm 2016 ở Qatar. Đó là giải đấu giàu cảm xúc của U23 Việt Nam xuyên suốt từ vòng loại đến vòng bảng.
Ở vòng loại, U23 Việt Nam vượt qua chủ nhà U23 Malaysia đầy thuyết phục, và nhờ vào bàn thắng của Công Phượng ở đúng phút bù giờ cuối cùng trong trận gặp U23 Macau để giành tấm vé đến Qatar với tư cách 1 trong 5 đội có thành tích nhì bảng tốt nhất.
Ở vòng chung kết, trước các đối thủ mạnh là Jordan, UAE và Australia, U23 Việt Nam không thể tạo nên bất ngờ khi thua cả ba trận. Ở trận đấu cuối với U23 UAE, tiền đạo Công Phượng bị chấn thương vai nặng và phải nghỉ thi đấu khá dài hạn sau đó.
Tham dự vòng loại U23 châu Á được tổ chức lần này, có đến 13 cầu thủ từng góp mặt ở U23 châu Á 2016. Trong đó, những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn, Duy Mạnh, Văn Thanh..., sẽ là nòng cốt của U22 Việt Nam.
Kinh nghiệm cùng lợi thế sân nhà sẽ là những yếu tố quan trọng giúp U22 Việt Nam hướng đến lần thứ hai góp mặt ở sân chơi lớn nhất châu lục dành cho độ tuổi trẻ này.
“Hòn đá tảng” xứ Kim chi
Trong 3 đối thủ của U22 Việt Nam ở bảng I thì U22 Hàn Quốc sẽ là đối trọng đáng gờm. Dù trái bóng tròn ẩn chứa nhiều bất ngờ song với những thành tích ở quá khứ, U22 Macau hay Timor Leste khó lòng đối trọng với đội chủ nhà.
Các cầu thủ trẻ Việt Nam từng vượt qua Timor Leste trong 2 lần chạm trán trước đó với 6 bàn thắng được ghi và chưa để thủng lưới bàn thua nào. Chiến thắng giòn giã 7-0 trước Macau ở vòng loại U23 châu Á cách đây 2 năm góp phần đưa U23 Việt Nam đến với vòng chung kết ở Qatar. Rõ ràng, cả hai đối thủ này khó có thể cản đường thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng.
Điều khiến dư luận tò mò vẫn được HLV Hữu Thắng “kín như bưng” trước khi đội tuyển hướng tới 2 giải đấu rất quan trọng là Vòng loại U23 châu Á 2018 và SEA Games 29. Đó là, U22 Việt Nam rất cần một thủ lĩnh để thay Hữu Thắng trực tiếp truyền lửa cho các cầu thủ trên sân…
U22 Hàn Quốc là đối thủ lớn, song những diễn biến ở đội bóng trẻ xứ Kim chi đang có lợi cho U22 Việt Nam. Trước khi đến Việt Nam, Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc bất ngờ bổ nhiệm HLV Shin Tae-Yong làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia Hàn Quốc. Sau khi nhậm chức, thuyền trưởng 47 tuổi này “nhấc” luôn đội ngũ trợ lý và đẩy U22 vào tình cảnh ngặt nghèo. Người được chỉ là HLV tạm quyền Jung Jungyong ít tên tuổi.
Đã thế, U22 Hàn Quốc đến Việt Nam bao gồm đội hình rất trẻ khi có đến 11 cầu thủ vừa tham dự U20 World Cup vừa rồi. Những cá nhân xuất sắc như Lee Seung Woo, Baek Seung Ho hay Hwang Hee Chan đều không góp mặt.
Dù vậy, với đẳng cấp vượt trội, U22 Hàn Quốc sẽ là ứng viên hàng đầu cho ngôi vị số 1 của bảng đấu.
Thể thức thi đấu Vòng loại U23 châu Á 2018
40 đội bóng được chia làm 10 bảng. Các đội đứng đầu mỗi bảng cùng 5 đội xếp thứ nhì có thành tích tốt nhất sẽ giành quyền góp mặt ở VCK được tổ chức tại Trung Quốc. Do nước chủ nhà Trung Quốc vẫn đá vòng loại nên nếu họ đứng nhất bảng hoặc nằm trong nhóm 5 đội nhì có thành tích tốt nhất, thì đội có thành tích tốt nhất tiếp theo sẽ giành vé dự VCK.
|
Diễm Quỳnh
Thể thao & Văn hóa