HLV Hữu Thắng ký hợp đồng với VFF: Xay bột, bế em và mong làm nên lịch sử

Thứ Bảy, 5/3/2016, 6:17 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Cựu trung vệ xứ Nghệ sẽ được coi là thành công nếu giải quyết được câu đố LĐBĐVN (VFF) đặt ra khi trao ấn kiếm: xây dựng lối chơi thích hợp cho các ĐTQG. Trong ngắn hạn, đội tuyển Việt Nam cần vào tới trận chung kết AFF cup 2016, còn tuyển U23 phải đoạt HCV SEA Games.

Tuy nhiên, có những cơ sở để tin rằng tất cả những điều trên chưa đủ đảm bảo cho thành công trọn vẹn của cựu trung vệ xứ Nghệ, nếu Hữu Thắng không xây dựng được lối chơi/chiến thuật thích hợp để các cầu thủ HA.GL có điều kiện phô diễn.

Hoặc cũng có thể nói theo cách khác, để tạo dựng được “lối chơi thích hợp với bóng đá Việt Nam” theo yêu cầu của VFF, Thắng buộc phải sử dụng quân HA.GL

Nhanh nhất trong lịch sử

Ngày 28/1, tức chỉ 1 tuần lễ sau khi ông Toshia Miura cùng các học trò trở về nước sau VCK U23 châu Á (Doha, Qatar), BCH VFF đã tổ chức cuộc họp bất thường tại TP.HCM. Cuộc họp dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch Lê Hùng Dũng vắng mặt) đã rất nhanh chóng thông qua quyết định chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với nhà cầm quân người Nhật Bản.

Giới mộ điệu sẽ phải bất ngờ nếu biết rằng tại cuộc họp trên, HLV Miura thực chất không hề bị đánh giá là “không thành công” trong 2 năm cầm quân tại Việt Nam. Lý do thì rất rõ ràng, thành tích của các đội bóng Việt Nam dưới tay ông Miura tốt hơn nhiều so với các thời tiền nhiệm.

Thay vào đấy, HLV Miura bị đánh giá không xây dựng được lối chơi thích hợp cho đội tuyển Việt Nam. Đây có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam, 1 HLV nước ngoài bị sa thải vì lý do như trên.

Ở góc độ cá nhân, HLV Miura có vẻ cũng đã thấm mệt sau hơn 1 năm chịu sức ép khủng khiếp, gắn liền với việc sử dụng hay không các cầu thủ thuộc Học viện HAGL của bầu Đức. Từng có tin ông Miura nhờ cậy người quen chuẩn bị cho 1 công việc mới khi vẫn đang còn thời gian hợp đồng với VFF.

Người kế nhiệm ông Miura được BCH VFF xác định trong cuộc họp trên, là 1 HLV nội, xoay quanh 2 cái tên: Lê Huỳnh Đức (SHB Đà Nẵng) và Nguyễn Hữu Thắng. Những người thạo tin thì biết rằng, Lê Huỳnh Đức là phương án bất khả thi ở thời điểm hiện tại.

Khôn ngoan, kín tiếng, Lê Huỳnh Đức đã không phải 1 lần từ chối VFF để gắn với chiếc ghế đầy quyền lực ở đội bóng sông Hàn. Hữu Thắng mới là ứng viên tiềm năng thực sự, và gần như duy nhất.

Thực tế là gần như ngay sau đấy, Huỳnh Đức lên tiếng từ chối lời mời của VFF. Ngày 3/2, cựu tiền đạo đội tuyển Việt Nam chính thức khẳng định không thể chia tay Đà Nẵng.

Quyết định ký hợp đồng với Hữu Thắng được VFF thông báo công khai sau tết Nguyên đán 2016 ít ngày, nhưng được xác nhận rằng đã cơ bản đạt được thoả thuận với nhau từ trước đó. Vỏn vẹn chưa đến 1 tháng trời!

Vì bầu Đức yêu Hữu Thắng

Từng có chuyện ngay khi trở lại với bóng đá, Hữu Thắng đã nhận được đề nghị của bầu Đức, lên phố Núi để dẫn dắt HA.GL. Cựu trung vệ xứ Nghệ đã lắc đầu. Câu chuyện này được đem ra để làm minh chứng cho sự hâm mộ của bầu Đức đối với Hữu Thắng.

Người trong cuộc biết rằng trước khi nhận lời mời từ VFF, Hữu Thắng đã có những cuộc trao đổi với bạn bè thân hữu, và nhiều trong số đó thuộc giới truyền thông, để tìm kiếm sự ủng hộ. Trước nữa, cựu trung vệ SLNA đã gặp trực tiếp bầu Đức, và nhận được sự đảm bảo tuyệt đối của ông chủ HAGL.

Không lâu sau khi việc VFF ký hợp đồng với Hữu Thắng được chính thức xác nhận, đi kèm với chỉ tiêu giành HCV SEA Games 2017, bầu Đức đã đưa ra tuyên bố đòi 80% quan chức VFF phải từ chức nếu mục tiêu này không thành hiện thực. Với nhiều người, tuyên bố của bầu Đức có thể xem như một cách hoá giải áp lực lên vai cựu trung vệ xứ Nghệ.

Về lý thuyết, quyết định chọn HLV Nguyễn Hữu Thắng được VFF đưa ra dựa theo tư vấn chuyên môn của Hội đồng HLV quốc gia.

Ở đây thấy rất cần phải nói thêm rằng, trong lịch sử các lần thay đổi định hướng sử dụng HLV từ nội sang ngoại và ngược lại, VFF chưa từng một lần vấp phải sự phản đối của Hội đồng HLV quốc gia. Ở góc độ chuyên môn, VFF có lẽ đã may mắn. Nhưng điều này cũng khiến nhiều người đặt dấu hỏi về vai trò cũng như hiệu quả thực tế hoạt động của Hội đồng.

Hãy lấy luôn quyết định chọn Hữu Thắng lần này. Như một uỷ viên Hội đồng HLV quốc gia từng tiết lộ, cựu trung vệ xứ Nghệ vẫn được chọn “dù vẫn còn những băn khoăn”.

Người ta chưa thể tìm hiểu những băn khoăn của VFF ở đây là gì, nhưng nhiều người đã liên tưởng tới lối chơi của SLNA dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng, để so sánh với yêu cầu “hay và đẹp” VFF đặt ra đối với anh. Có một thực tế là ở SLNA, Hữu Thắng được nhắc tới nhiều hơn ở góc độ cái uy của một vị tướng cầm quân, thay vì lối chơi riêng tạo nên cho đội bóng.

Nếu nhìn vào cách bầu Đức buộc ông Toshiya Miura ra đi, Hữu Thắng hẳn biết công việc phía trước cần những gì. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ dẫn đến 1 vấn đề khác cần đặt ra lúc này, là liệu anh có phải thay đổi để thích nghi với các đòi hỏi của VFF và bầu Đức hay không.

VFF cần ủng hộ Hữu Thắng hơn cả Miura

Nhưng thay đổi của Hữu Thắng chỉ là một phần. Vấn đề là sự hậu thuẫn từ VFF. Sự ủng hộ về mặt tinh thần, hay nôm na là chống lưng từ bầu Đức cần được thể hiện bằng những cải cách trong cách sử dụng HLV trưởng.

Điều này dường như không mấy lạc quan, khi câu chuyện Hữu Thắng đưa ra như một bài toán cần phải giải vẫn là 2 trong 1, vừa làm HLV đội tuyển quốc gia, vừa làm HLV đội U23. Đành rằng mỗi năm chúng ta có một nhiệm vụ, 2006 là AFF Cup và 2007 là SEA Games, nhưng sự chồng chéo ở các giải đấu nhỏ (nếu không quy mô thì mục tiêu) khác cũng sẽ lấy đi sự tập trung cần thiết của HLV trưởng cho một đội tuyển.

Công Phượng vắng mặt ở lượt đi J-League 2, HLV Nguyễn Hữu Thắng tìm trợ lý

Công Phượng vắng mặt ở lượt đi J-League 2, HLV Nguyễn Hữu Thắng tìm trợ lý

Công Phượng không được đăng ký vào danh sách thi đấu của CLB Mito Hollyhock ở giai đoạn lượt đi J-League 2 vì chấn thương và thông tin liên quan đến đội tuyển bóng đá nam và nữ quốc gia có trong bản tin ngày 26/2.


Chúng ta đã trả giá cho những thất bại của cách làm này, kể cả khi có HLV ngoại tài năng. HLV Calisto chỉ thành công với đội tuyển quốc gia và thất bại với đội tuyển U23.

Mặt khác, có một hạn chế của HLV nội nói chung là ít khi đòi quyền lợi cho đội bóng. Vì sự cả nể, hoặc ngại va chạm. Thế nên không trông mong bất cứ HLV nội nào đòi hỏi về chất lượng sân bãi tập luyện, ăn nghỉ, di chuyển trong khi họ cũng đã thấy các vấn đề tương tự ở cấp CLB là bình thường.

Sẽ là dễ dàng hơn cả nếu VFF coi đó là vấn đề của VFF, chứ không phải của HLV trưởng, và từ đó quyết định rằng các sân tập của Trung tâm huấn luyện của VFF không còn là sân cho bóng đá phủi thuê nữ để bảo vệ mặt sân. Hoặc đội tuyển luôn được di chuyển trong những chặng bay ngắn nhất chứ không phải vé rẻ đường vòng.

Phải từ những cái nhỏ nhất như thế, trước khi nói chuyện giấc mơ lớn hơn.

Vĩnh Xuân
Thể thao & Văn hóa cuối tuần


GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến