(Thethaovanhoa.vn) - HLV Park Hang-seo không phải người Hàn Quốc đầu tiên dẫn dắt một đội tuyển quốc gia tại Đông Nam Á. Thế nhưng, trong suốt tiến trình lịch sử, HLV Hàn Quốc chỉ là phương án của các nền bóng đá ở top dưới khu vực.
Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore, 4 đội tuyển hàng đầu khu vực luôn có hai phương án lựa chọn cho ghế nóng đội tuyển. Phương án thứ nhất là người bản xứ. Nếu không tìm được người ưng ý, các quốc gia trên đều nhắm tới những HLV ở châu Âu hoặc Nam Mỹ, những khu vực có nền bóng đá phát triển.
Thái Lan chia tay HLV Kiatisak và lập tức đưa HLV người Serbia Milovan Rajevac, HLV nước ngoài thứ 7 trong thiên niên kỷ mới. Indonesia chia tay HLV Alfred Riedl và xúc tiến đàm phán với HLV người Tây Ban Nha Luis Milla. Người thứ 8 đến từ Âu – Mỹ. Những HLV Nhật Bản hay Hàn Quốc đều không phải phương án khả thi dù họ đến từ những nền bóng đá thuộc top 3 châu Á.
Ngoài 4 quốc gia kể trên, Lào và Philippines cũng không mời những HLV Hàn Quốc và chỉ từng hợp tác với những HLV Nhật Bản. 5 quốc gia còn lại của khu vực thì khác.
Brunei là quốc gia đầu tiên mở cửa cho những HLV Hàn Quốc đến với khu vực Đông Nam Á. Giai đoạn 2001 – 2003, HLV Choi Yeong-joon bắt đầu làm việc với đội tuyển U20 và U23 nước này. Cựu hậu vệ LG Cheetahs (nay là FC Seoul – PV) khi ấy 36 tuổi, từng lọt vào đội hình tiêu biểu K-League năm 1990. Thế nhưng, sự nghiệp cầu thủ khác với nghiệp huấn luyện và HLV Choi không tạo được nhiều tiếng vang với một nền bóng đá có trình độ thấp như Brunei. Sau này, ông dẫn dắt Daegu FC và Jeju United ở K-League Classic nhưng cũng không thành công.
Tiếp theo, bóng đá Brunei bén duyên với HLV Kwon Oh-son trong 3 giai đoạn: 2008, 2012 – 2013 và 2016 cho đến nay. Ông Kwon dẫn dắt từ lứa U21, U23 cho đến đội tuyển quốc gia và là một trong những HLV Hàn Quốc gắn bó nhất với một quốc gia Đông Nam Á.
Theo cựu tuyển thủ QG Phan Thanh Bình, vấn đề quan trọng trong việc bổ nhiệm HLV trưởng cho đội tuyển Việt Nam ở thời điểm này là giải quyết bài toán về mặt tinh thần.
Năm 2007, Campuchia mời HLV Yoo Kee-heung về dẫn dắt nhưng chỉ sau 2 trận đấu, ông đã bị sa thải. HLV Lee Tae-hoon là người Hàn tiếp theo đến quốc gia này, dẫn dắt đội tuyển quốc gia 2 nhiệm kỳ 2010 – 2012 và 2013 – 2017. HLV Lee dẫn dắt 45 trận đấu, giành 16 chiến thắng, hòa 4 trận và thua 25 lần.
Myanmar cũng từng mời HLV Park Sung-hwa về dẫn dắt đội tuyển quốc gia từ năm 2011 – 2013. Và gần đây nhất, HLV Kim Shin-hwan về với U23 Timor Leste từ đầu năm nay.
Xét tổng thể, các HLV Hàn Quốc đều không thành công với những đội tuyển ở Đông Nam Á. Nguyên nhân cốt yếu nằm ở chỗ họ dẫn dắt những đội tuyển yếu của khu vực. Chính vì vậy, giá trị lớn nhất mà những HLV này để lại là cách làm việc chuyên nghiệp hơn cùng góp phần phát triển bóng đá ở vùng đất đó.
Quyết định để HLV Park Hang-seo dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, U23 Việt Nam và đội tuyển Olympic chắc chắn sẽ đọng lại những lăn tăn trong tâm trí nhiều người. Áp lực dành cho ông Park khi ngồi vào vị trí này chắc chắn không hề nhỏ và cách giải quyết của HLV 58 tuổi là điều rất đáng chờ đợi.
Hiếu Lương