(Thethaovanhoa.vn) - Sau 14 vòng đấu, mọi thống kê đều khẳng định sự vượt trội của Hải Phòng so với phần còn lại của V-League. Họ là đội dẫn đầu, nhiều hơn 5 điểm so với đội xếp nhì SHB Đà Nẵng.
Hải Phòng (32 điểm): Cô đơn trên đường đến ngôi vương?
Họ là đội sở hữu hiệu số tốt nhất (+14), có hàng phòng ngự chắc chắn nhất (chỉ thua 10 bàn sau 14 vòng). Hải Phòng có phong độ tốt nhất trên cả sân khách và sân nhà, sở hữu quyết tâm và khát vọng lớn nhất. Quan trọng hơn cả, không đối thủ nào tỏ ra xứng đáng là đối trọng của Hải Phòng trong cuộc đua đến chức vô địch.
Đội bóng đất Cảng hiện có 32 điểm, bỏ xa nhóm bám đuổi, hơn đội nhì bảng khoảng cách gần bằng 2 chiến thắng (5 điểm). Họ là đội thắng nhiều trận nhất V-League (10 chiến thắng), là đội duy nhất chưa để thủng lưới quá 10 bàn. Nhờ vậy, dù hàng công mới có 24 bàn, Hải Phòng vẫn dẫn đầu giải đấu.
Đội hình của Hải Phòng rất đồng đều với 8 vị trí đã ghi bàn kể từ đầu mùa. Điều đó khiến họ không bị phụ thuộc vào bất kỳ cầu thủ nào, kể cả Errol Stevens - người đã ghi 8 bàn từ đầu mùa.
Bất chấp những màn trình diễn kém ấn tượng trong quãng thời gian EURO, Hải Phòng vẫn thu về 7/12 điểm tuyệt đối sau 4 vòng gần nhất. Số điểm chấp nhận được ấy cộng với điểm số tích lũy trong giai đoạn đầu giúp họ tiếp tục vững vàng trên đỉnh.
Khác với những nhà vô địch trong quá khứ, Hải Phòng rất biết cách kiếm điểm trước các đội nhóm dưới. SLNA, Long An, XSKT Cần Thơ, HAGL, Đồng Tháp... đều từng là 'nạn nhân' của Hải Phòng. Đội bóng của HLV Trương Việt Hoàng cũng tỏ ra khá lỳ lợm trước các đối thủ nhóm trên. Họ thua SHB Đà Nẵng nhưng đã đánh bại Thanh Hóa, thất trận trước Hà Nội T&T nhưng biết cách cầm hòa Bình Dương.
Mùa trước, B.Bình Dương vô địch với 52 điểm. Hải Phòng chỉ còn kém cột mốc ấy đúng 20 điểm trong khi mùa bóng còn tới 12 vòng đấu. Nếu duy trì phong độ hiện tại, ngôi vô địch đang ở trong tầm tay thầy trò Trương Việt Hoàng.
SHB Đà Nẵng (27 điểm): Phụ thuộc vào Gaston Merlo
Trong nhóm bám đuổi, SHB Đà Nẵng là đội ở gần với Hải Phòng nhất. Đội bóng của Lê Huỳnh Đức đang có phong độ rất cao với 4 chiến thắng liên tiếp kể từ vòng 11.
Sau giai đoạn khởi đầu chệch choạc, Đà Nẵng đang trở lại với tư cách ứng cử viên vô địch. Ưu điểm lớn nhất nhưng cũng đồng thời là nhược điểm của họ nằm ở cái tên Gaston Merlo. Tiền đạo người Argentina đã ghi 11 bàn từ đầu mùa, chiếm 50% tổng số bàn thắng của toàn đội bóng. Sự phụ thuộc vào anh có thể buộc SHB Đà Nẵng phải trả giá.
Bản thân Đà Nẵng cũng chưa cho thấy sự vượt trội về thực lực trước các đối thủ. Trong 8 thắng lợi của họ từ đầu mùa, có 6 trận kết thúc với tỷ số cách biệt tối thiểu (1 bàn).
FLC Thanh Hóa (25 điểm): Chưa tìm được sự ổn định
Có 2 bằng chứng cho sự thiếu ổn định của FLC Thanh Hóa. Thứ nhất, họ vừa phải thay ngoại binh Ivan Firer hồi giữa mùa vì không hài lòng với phong độ của tiền đạo này. Thứ hai, hàng thủ của họ đã để thua tới 19 bàn, đứng thứ 5 từ dưới lên ở V-League.
Phong độ tồi tệ của hàng thủ là lý do Thanh Hóa không thể thăng hoa dù hàng công đã ghi tới 29 bàn (mạnh nhất giải đấu). Sự bất ổn ấy cũng là điều dễ hiểu khi Thanh Hóa đang trải qua một mùa giải với rất nhiều sự thay đổi mạnh mẽ. Họ được dẫn dắt bởi 1 HLV mới (Lê Thụy Hải), vừa mua về hàng loạt tân binh. Đội hình ấy cần thời gian để hòa nhập với nhau. Có lẽ, V-League 2017 mới là mục tiêu hợp lý với Thanh Hóa.
Hà Nội T&T (23 điểm): Mạnh nhưng không phải số một
Kể từ năm 2010 tới nay, Hà Nội T&T luôn nằm trong Top 2 đội dẫn đầu cuối mùa. Nhưng trong 6 mùa ấy, họ chỉ vô địch đúng 2 lần. Đội bóng Thủ đô là cái tên ổn định nhất của bóng đá Việt Nam nửa thập kỷ qua. Nhưng họ thường xuyên thiếu một chút nỗ lực cuối cùng để đứng trên đỉnh.
“Việc 2 đội đầu bảng SHB Đà Nẵng và FLC Thanh Hóa đại chiến ở Chi Lăng sẽ là cơ hội cho những đội xếp sau như Hà Nội T&T và Than Quảng Ninh vươn lên thu hẹp cách biệt với 2 đối thủ.
Mùa này cũng vậy, Hà Nội T&T tiếp tục đôn lên đội một rất nhiều cầu thủ trẻ như Quang Hải, Đức Huy, Văn Kiên... Họ trình làng một lứa trẻ rất chất lượng đồng thời tiếp tục giữ vững lối chơi bóng ngắn hấp dẫn. Nhưng đó có thể là tất cả những gì Hà Nội T&T làm được vào lúc này.
Than Quảng Ninh (23 điểm): Cần thêm thời gian
HLV Phan Thanh Hùng đến đất Mỏ hồi đầu mùa với nhiệm vụ nâng tầm Than Quảng Ninh thành “đại gia” có lối chơi kiểm soát đẹp mắt và hiệu quả. Đội bóng cũng đã đầu tư nhiều tiền của để đưa về những cái tên chất lượng.
Nhưng như mọi đội bóng chơi kiểm soát khác, Than Quảng Ninh cần có thời gian để từng bước xây dựng lối chơi. Phong độ của “Than” mùa này là hết sức bất ổn. Họ vừa thắng Bình Dương ở vòng 12 nhưng đã kịp thảm bại trước SLNA đêm 3/7. Một vị trí trong tốp 4 (như mùa giải trước) cũng là mục tiêu khó khăn đối với họ.
Ý kiến chuyên gia Vũ Mạnh Hải
Tôi nghĩ chúng ta cần phải chờ thêm vài vòng đấu nữa vì hiện nay, nhiều đột biến đang diễn ra. Hải Phòng tuy đang có dấu hiệu đi xuống như ở hiệp một trận gặp Đồng Tháp hôm qua, họ thua 0-2. Nhưng sang hiệp 2, họ thắng lại 3-2 khiến ta tin rằng họ thực sự có tham vọng và quyết tâm.
Đội sở hữu thực lực tốt nhất có thể bứt lên cạnh tranh với Hải Phòng là Hà Nội T&T. Họ có thể bắt kịp được nhóm đầu. Cùng với đó, FLC Thanh Hóa, SB Đà Nẵng cũng là những đội có thể cạnh tranh trực tiếp với Hải Phòng.
Riêng B.Bình Dương sa sút vì sự thiếu ổn định của đội bóng. Mùa vừa rồi, có một số cầu thủ rời B.Bình Dương làm lực lượng của họ suy yếu rõ rệt. Họ có vẻ không còn mạnh như năm ngoái. Nội bộ họ cũng có rạn nứt giữa một vài cầu thủ. Điều đó khiến phong độ của họ không còn ổn định.
Còn Than Quảng Ninh và Sài Gòn FC đã nỗ lực rất lớn nhưng năm nay, họ chơi chưa tốt, thực lực họ cũng chưa đủ để cạnh tranh tốp đầu. Năm sau có thể họ sẽ khá hơn. |
Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa