(Thethaovanhoa.vn) - Dự án “Bóng đá Cộng đồng tại Việt Nam” (FFAV) vinh dự được Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) trao giải thưởng Dream Asia Award (Giấc mơ Châu Á). Đây là hạng mục giải thưởng dành cho tổ chức phi Chính phủ hoạt động về bóng đá và phát triển tốt nhất châu Á.
Giải thưởng Giấc mơ châu Á nhằm thúc đẩy, nâng cao nhận thức về các vấn đề xã hội, xem thể thao như một công cụ tuyệt vời để tạo ra sự chuyển biến xã hội và đồng thời là cơ hội để AFC vinh danh những tổ chức, cá nhân đã có những đóng góp tích cực cho công tác phát triển bóng đá phong trào ở Châu Á.
Đây là lần thứ hai, FFAV có vinh dự nhận giải thưởng cao quý này từ AFC sau lần đầu tiên vào năm 2014.
“Sau hơn 14 năm triển khai và hoạt động, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) rất ghi nhận những đóng góp của FFAV cho hoạt động bóng đá phong trào ở Thừa Thiên Huế nói riêng và trên cả nước nói chung. Mô hình FFAV không chỉ thành công ở khía cạnh số lượng các câu lạc bộ được thành lập, số lượng trẻ em được tham gia cũng như số lượng lớn người được tập huấn mà thông qua những hoạt động kỹ năng sống được lồng ghép vào bóng đá đã góp phần tạo nên những tác động tích cực trong nhân cách của các em.
VFF tin tưởng rằng, thành công của FFAV sẽ là tiền đề để phát triển bóng đá học đường rộng khắp trong cả nước và cung cấp nhân lực cho bóng đá đỉnh cao”, Tổng thư ký VFF, Lê Hoài Anh cho biết.
“Chúng tôi cảm thấy rất vinh dự khi thêm một lần nữa nhận được giải thưởng này. Việc được AFC ghi nhận và trao giải thưởng Giấc mơ Châu Á khẳng định được những giá trị mà FFAV tạo ra trong việc phát triển bóng đá phong trào và vai trò của những người xây dựng nền tảng vững chắc cho bóng đá đã được biết đến và ghi nhận”, ông Anders Krystad – Cố vấn dự án vui mừng chia sẻ.
Bên cạnh giải thưởng mang tính tập thể dành cho tổ chức, ông Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc FFAV đã vinh dự được AFC trao giải thưởng Dream Asia Award dành cho cá nhân có đóng góp xuất sắc cho hoạt động bóng đá phong trào.
“Thật vinh dự khi được nhận giải thưởng danh giá này từ AFC. Đối với tôi, đây không chỉ là giải thưởng cho chính mình mà chính là giải thưởng cho những cá nhân, những người bạn đã đóng góp cho thành công của dự án trong thời gian qua. Nhân dịp này tôi xin chuyển lời cám ơn và ghi nhận đến những cá nhân, tổ chức, tất cả thành viên của gia đình FFAV đã đồng hành cùng chúng tôi trong những năm qua ở Việt Nam.
Nếu không có sự cam kết và đóng góp từ các cơ quan ban ngành, các đối tác, các nhà tài trợ, các công ty thương mại và các tổ chức phi Chính phủ Quốc tế thì điều này khó có thể đạt được.
Điều này chính là kết quả tất yếu trong môn thể thao vua “bóng đá”, bạn không thể chiến thắng một mình trong trận đấu mà bạn cần có những người đồng đội. Giải thưởng này sẽ là nguồn động viên to lớn để bản thân tôi cũng như FFAV cố gắng hơn nữa trong việc thúc đẩy sự phát triển của bóng đá phong trào, đem lại sân chơi cho các em thanh thiếu niên, nhất là các em nữ và trẻ em thiệt thòi”, ông Nguyễn Hoàng Phương – Giám đốc dự án bày tỏ.
Giải thưởng giấc mơ Châu Á sẽ được trao vào ngày 20/7 tới tại Hong Kong.
FFAV được Liên đoàn bóng đá Na Uy (NFF) khởi xướng và hiện đang hợp tác chặt chẽ với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) trong việc xây dựng mô hình bóng đá phong trào trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm phục vụ cho việc nhân rộng mô hình ra toàn quốc. Bên cạnh đó, FFAV còn hợp tác với các cơ quan, tổ chức, chính phủ trong và ngoài nước để tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động tại các trường học thông qua các câu lạc bộ bóng đá, áp dụng các phương pháp, giá trị và nguyên tắc của FFAV.
Tôn chỉ của FFAV là hướng đến phát triển hoạt động bóng đá phong trào, không cạnh tranh dành cho trẻ em từ 6 đến 15 tuổi. Đặc biệt, FFAV chú trọng đến nhóm trẻ thiệt thòi cũng như thúc đẩy sự phát triển của bóng đá nữ. Thông qua các hoạt động của dự án, FFAV lồng ghép giáo dục kỹ năng cho các em để tạo sân chơi bổ ích nhằm cân bằng giữa học tập và vui chơi, giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.
Kể từ khi bắt đầu thực hiện vào năm 2003 tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay, FFAV đã thành lập được 184 câu lạc bộ bóng đá với sự tham gia của hơn 17.000 trẻ tại 1541 đội bóng.