EURO trong bệnh viện

Thứ Năm, 23/6/2016, 5:48 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Bóng đá không có những tiếng reo hò cổ vũ, không còn là bóng đá. Nhưng ở bệnh viện, đấy là một điều xa xỉ. Ở đó, người ta xem bóng đá để giết thời gian và vơi nhẹ đi những nỗi lo bệnh tật của người thân, về cơm áo gạo tiền hay đơn giản để có một vài tiếng ngủ ngon giấc.

20h00, ngày 16/6, tại Bệnh viện tim Hà Nội, hơn 20 người đang theo dõi trận đấu giữa ĐT Anh và ĐT Xứ Wales trên một chiếc TV 21 inches gắn trên tường khu nhà D, Khoa Chẩn đoán hình ảnh.

“Xem để bớt nghĩ đến bệnh tật của con”

Trong số những người đang theo dõi, chủ yếu là người nhà của bệnh nhân đang nằm tại viện. Không có nhiều lời bình luận, không có tiếng nói to, tất cả gần như chỉ chăm chú theo dõi trận đấu. Tình huống G.Bale sút phạt thành bàn mở tỉ số trận đấu, một vài tiếng “ồ” vang lên rồi im bặt, một vài lời bàn tán về bàn thắng đẳng cấp qua nhanh rồi lại nhường cho âm thanh trên TV.

Anh Lê Văn Thắng, 32 tuổi, ở Nghệ An bảo: “Ở bệnh viện họ cho xem bóng đá nhưng cũng không được hét to. Mình cũng tự ý thức có pha bóng hay thì cũng chỉ dám hô be bé để không ảnh hưởng đến người bệnh”.

Anh Thắng ở viện cùng vợ đã được gần 1 tháng để chăm sóc con mới mổ tim. Đứa con thứ 3 của vợ chồng anh bị hở van tim 3 lá. Anh tâm sự rằng “Cháu mổ rồi nhưng vẫn chưa chắc chắn về sức khỏe. Bác sĩ bảo phải mổ thêm mấy lần nữa vì van hở nhiều quá chưa vá được hết. Sau này khi cháu có sức thì mổ tiếp”.

Con bị bệnh, nhưng một ngày anh Thắng chỉ được vào thăm một khoảng thời gian nhất định. Còn lại anh cũng chỉ đi loanh quanh, xem các chương trình trong đó có bóng đá. Anh Thắng thích bóng đá, thích xem EURO, thích ĐT Anh và Bồ Đào Nha nhưng lúc này xem bóng đá với anh chỉ để bớt nghĩ đến nỗi lo suốt gần 1 tháng qua.

“Mình cũng thích bóng đá. Khi xem thì tâm lý cũng đỡ hơn, gánh nặng nghĩ về con cũng vơi đi. Nhưng khi nào rảnh thì lại nghĩ, mệt mỏi cũng nhiều. Ở nhà, mình xem vì có những trận ham, còn ở đây tâm lý mệt mỏi quá thì mình xem để giải trí, thoải mái hơn. Có những lúc mình được lên phòng thăm con nhưng thời gian còn lại có được đâu. Chỉ có lang thang ngồi chỗ này chán xong lại ngồi chỗ khác hoặc xem TV”, anh Thắng tâm sự.

Cùng cảnh ngộ với anh Thắng, anh Nguyễn Đình Khanh (Nghệ An), có con trai mới 4 tháng tuổi bị bệnh tim bẩm sinh. Hôm đó là ngày đầu tiên anh được bác sĩ cho vào thăm con sau 11 ngày mổ. Anh mừng, nhưng đôi mắt không giấu nổi những lo toan.

Anh chia sẻ: “2 vợ chồng lên đây chăm con. Chúng tôi đều là nông dân ở quê thôi. Nhờ có EURO tôi xem để bớt đi căng thẳng, bớt suy nghĩ về chuyện con cái ốm đau một chút. Có những hôm xem xong ngủ được vài tiếng ngon giấc, có hôm thì không được thế”.

Bệnh viện cần sự yên tĩnh

Khi hiệp 2 trận đấu giữa Anh và Xứ Wales chuẩn bị bắt đầu, bảo vệ của Bệnh viện tim Hà Nội bất ngờ đi đến và tắt TV với lí giải chỉ bật TV đến 21h00 là nguyên tắc của Bệnh viện.

Anh Nguyễn Đình Khanh bảo rằng: “9h tối là họ tắt TV rồi. Mình cũng có nói với bảo vệ, nhiều người cũng nói là cho xem nốt đến 10h tối để cho hết 1 trận nhưng bảo vệ không cho”.

Lịch thi đấu EURO 2016 hôm nay

Lịch thi đấu EURO 2016 hôm nay

Lịch thi đấu EURO 2016 hôm nay.


“Không phải TV của mình nên mình cũng không thể bật suốt được. Mình cũng phải hiểu cho bảo vệ, cũng muốn xem thật nhưng đó là nguyên tắc của Bệnh viện”, anh Lê Văn Thắng thêm lời.

Trao đổi với nhân viên bảo vệ của Bệnh viện tim, anh cho biết: “Chúng tôi chỉ làm theo chỉ đạo của lãnh đạo Bệnh viện. TV chỉ được bật đến 21h00 vì đây là thời gian để các bệnh nhân nghỉ ngơi. Mọi người có thể xem lại trận đấu vào ngày hôm sau”.

Khảo sát ở nhiều Bệnh viện khác trên địa bàn TP Hà Nội, Bệnh viện tim là trường hợp cá biệt khi còn chiếu bóng đá vào buổi tối. Các Bệnh viện khác như Việt Đức, viện K (quận Hoàn Kiếm), viện 108 (quận Hai Bà Trưng), viện 103, viện K (quận Hà Đông) chỉ bật TV buổi sáng, tuyệt đối không bật TV vào buổi tối, trừ các phòng bác sĩ, nhân viên bệnh viện, hay phòng tự nguyện cho bệnh nhân nhưng cũng giữ âm lượng hạn chế.

Bảo vệ ở Bệnh viện Việt Đức khẳng định: “Lãnh đạo bệnh viện yêu cầu tuyệt đối không chiếu TV buổi tối để giữ yên tĩnh cho các bệnh nhân. Các phòng tự nguyện thì có, chỉ 2, 3 người có thể xem và tất cả cũng phải giữ ý thức chung cho cả bệnh viện”.

Anh Hùng, ở Hòa Bình, có người thân nằm viện Việt Đức. Anh thích xem EURO nhưng cũng thừa nhận: “Nếu mở TV tường thuật bóng đá tập trung vào buổi tối như vậy thì người ta hô to làm ảnh hưởng đến các bệnh nhân khác. Mỗi một người sống một kiểu khác nhau, có tính cách khác nhau. Không phải ai cũng có ý thức giữ gìn trật tự chung cả”.

Xem EURO “ké”

Cũng tối hôm đó (16/6), chúng tôi qua Bệnh viện Việt Đức và bắt gặp hình ảnh một người đàn ông đang theo dõi trận đấu giữa Anh và Xứ Wales qua cửa sổ phòng điều hành xe cứu thương của Bệnh viện. Tay anh chống hông, còn đôi mắt thì dí sát vào cửa kính.

Một người nhà bệnh nhân xem “ké” bóng đá trước phòng điều hành xe cứu thương bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Linh Lam

Lân la lại gần hỏi chúng tôi biết được anh thích bóng đá, nhưng khi đề đạt được phỏng vấn thì anh từ chối với lí do bây giờ bận lên chăm sóc người thân, chỉ tranh thủ xem “ké” được một chút khi xuống căng tin mua đồ.


Linh Lam
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến