(Thethaovanhoa.vn) - Lịch sử bóng đá TP.HCM đã có một thời hào hùng với những cái tên, mà nếu nhắc tới thì người dân nơi đây không khỏi tự hào: Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Công an TP.HCM, Công nghiệp Thực phẩm...
Tuy nhiên, khi thời bao cấp qua đi, thì bóng đá thành phố lại trở nên gập ghềnh, trắc trở. Nhiều đội bóng gắn với cái tên Sài Gòn - TP.HCM như Xuân Thành Sài Gòn, Navibank Sài Gòn - những đội bóng của các ông bầu tư nhân đến nơi này rồi lại ra đi, theo nhiều cách khác nhau.
Hôm qua, một lãnh đạo không muốn nêu tên của Sở Văn hóa- Thể thao TP.HCM đã cho biết Công ty Bình Minh - đơn vị giữ vai trò bảo trợ, làm “bầu sữa” nuôi CLB TP.HCM - vừa đưa ra thông điệp bất ngờ: Trong vòng 30 ngày, tính từ ngày 17/5/2018, đơn vị này sẽ gửi văn bản đến VFF và xin giải thể CLB TP.HCM, một khi không được hỗ trợ cơ chế giải cứu.
Có thể nói đội bóng mang tên TP.HCM đã bị đem ra để làm “con tin” với chính quyền thành phố một khi nhà bảo trợ không được đáp ứng yêu cầu. Công ty Bình Minh còn nêu rõ, ngoài bảo trợ đội bóng TP.HCM, họ còn xã hội hóa các hoạt động văn hóa như: Trang trí ánh sáng nghệ thuật đường phố, chương trình đếm ngược chào mừng năm mới… tóm lại là nhiều quyền lợi đổi lấy việc đổ tiền cho bóng đá.
Có thể Công ty Bình Minh đã có công rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu. Cái mà họ cần là sau khi “nhận nuôi” CLB TPHCM, Bình Minh được chấp thuận khai thác các bảng biển quảng cáo tại một số địa bàn ở TP.HCM nhằm bù đắp cho kinh phí bỏ ra nuôi đội bóng. Tuy nhiên, Bình Minh chưa khai thác được một xu nào từ các bảng biển quảng cáo, dù đã được hứa hẹn hỗ trợ.
Có lẽ, ít có ông bầu bóng đá nào “bạo tay” chi cho đội bóng như Công ty Bình Minh, thắng thưởng tiền cầu thủ thì dễ giải thích nhưng thua cũng thưởng thì chỉ có tại CLB TP.HCM. Thời của Quyền Chủ tịch Lê Công Vinh, ở trận khai mạc dù hòa 1-1 với Quảng Nam, Công Vinh thưởng cho đội 350 triệu đồng dù khung thưởng chỉ là 250 triệu cho một trận hòa. Ở vòng 9, số tiền thưởng tương tự cho trận hòa 3-3 trên sân của Đà Nẵng. Thậm chí, khi CLB TP HCM thua 0-2 trước Quảng Ninh ở vòng 2, Công Vinh vẫn quyết định thưởng cho toàn đội 200 triệu đồng, điều chưa từng thấy trong lịch sử bóng đá nội.
Nâng cấp phòng thay đồ khang trang nhất V-League, xây dựng phòng truyền thống, lắp đặt dàn quảng cáo đèn led hiện đại, tậu cầu thủ xịn… những hoạt động này đã “ngốn” 150 tỷ/2 mùa bóng của nhà bảo trợ… nhưng thành tích của CLB thì cứ lẹt đẹt, nhất là sau 3 trận thua liên tiếp gần đây nhất khiến dư luận thấp thỏm về tương lai của đội bóng. Thông tin chính thức từ đội bóng, trước trận gặp Than Quảng Ninh, CLB TP.HCM chỉ còn 16 cầu thủ khỏe mạnh (trong đó có 3 thủ môn). Nhiều khả năng sẽ là trận thua thứ 4 với lực lượng mong manh như thế này.
HLV Hữu Thắng khen Công Vinh chuyên nghiệp, CLB TP.HCM phủ nhận thông tin giải thể là những thông tin chính có trong chuyển động bóng đá Việt tối ngày 24/5.
Để dập tắt dư luận, Công ty Bình Minh thông báo bổ nhiệm bà Mae Mua làm Giám đốc điều hành và cựu HLV trưởng ĐTQG Nguyễn Hữu Thắng làm Chủ tịch CLB từ hôm qua. Tân Chủ tịch CLB, ông Nguyễn Hữu Thắng lý giải đại ý rằng không một CLB nào sắp giải thể mà lại bổ nhiệm nhân sự (cỡ như ông) về nắm CLB…
Lẽ thường, “con có khóc thì mẹ mới cho bú”, nên Bình Minh cứ kể công và kể khổ thế thôi, chứ chắc chắn công ty này sẽ vẫn phải “nghiến răng” để bảo trợ đội bóng, dù có lỗ lã. Bởi trong một lần tiếp cận với thông tin xây dựng Khu Liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, người viết đã thấy cái tên Bình Minh là một cái tên hàng đầu trong thể thức đổi đất lấy hạ tầng (hình thức hợp đồng BT) tại khu đất vàng rộng 222ha.
Đó mới là cái gốc của vấn đề “tồn tại hay không tồn tại” của đội bóng này. Nhưng, trên cả, các vị đừng biến bóng đá TP.HCM thành “con tin” như lâu nay.
Đỗ Hải Âu