Cựu tuyển thủ Nguyễn Việt Thắng: 'Đừng thần thánh hóa Công Phượng'

Thứ Năm, 12/11/2015, 11:49 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - “Nhiều người đã vội la toáng lên, rằng Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội bằng vàng để đổi màu huy chương môn bóng đá nam SEA Games 29, tức năm 2017, khi BTC SEA Games được AFF đề xuất giới hạn độ tuổi U21, tức là lứa những Công Phượng khi ấy đã quá tuổi.

Nói về tuổi trẻ tài cao, hay mỹ miều là “anh hùng xuất thiếu niên”, bóng đá Việt Nam thời nào chẳng có? Tôi không cho rằng những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…, là những người giỏi nhất ở tuổi của họ…”, Việt Thắng đề cập trực diện đến vấn đề đang dậy sóng.

“Tôi nghĩ nó bắt đầu từ những fan cuồng cuồng Công Phượng và “những đứa trẻ của bầu Đức”, sau đó là một số các tờ báo đẩy vấn đề đi quá xa mà thôi”, vẫn lời Việt Thắng.

“Dùng U21 đá SEA Games là hợp lý”

Về đề xuất giới hạn độ tuổi tham dự SEA Games môn bóng đá nam là dưới 21, quan điểm của Việt Thắng thế nào khi anh cũng đã từng tham dự nhiều kỳ Đại hội thể thao khu vực?

- Tôi nghĩ đây là một gợi ý, thậm chí là một phát kiến rất hợp thời, khả quan và có lợi cho tất cả. Nên nhớ rằng, ở độ tuổi 23, nhiều cầu thủ đã là thành viên ĐTQG rồi và sân chơi AFF Cup hay các giải đấu ở tầm châu lục, Asian Games, Asian Cup, vòng loại World Cup…, mới là cái đích mà chúng ta hướng tới cho họ. Lấy ví dụ như tôi, 17 tuổi đá giải VĐQG (V-League bây giờ), 18-19 tuổi lên Tuyển và từng được triệu tập chuẩn bị tham dự ít nhất 3 kỳ SEA Games, từ trước và sau khi giới hạn độ tuổi tham dự là U23.

Đấu trường SEA Games vẫn bị gọi là "hội làng", nhưng trên thực tế, đây là sân chơi dự bị lý tưởng cho các đấu trường cao hơn như ASIAD và thậm chí cho Olympic mùa hè. Việc duy trì SEA Games 2 năm một lần về cơ bản vẫn rất có lợi cho các nền thể thao kém hoặc chậm phát triển ở Đông Nam Á. Và bóng đá cũng không phải ngoại lệ.

Anh đã nói rằng, “anh hùng xuất thiếu niên” bóng đá Việt Nam thời nào chẳng có, nhưng đâu phải ai cũng là Nguyễn Việt Thắng, có giá chuyển nhượng 500 triệu đồng khi mới 21 tuổi và kể cả lứa Công Phượng hiện tại. Bóng đá Việt Nam dường như vẫn khan hiếm tài năng?

- Minh Chiến, người thầy đầu tiên của tôi ở trẻ Công an TP.HCM (cũ) giành cú đúp danh hiệu cá nhân “Vua phá lưới” và “Cầu thủ xuất sắc nhất” giải VĐQG ở tuổi 18. Đồng thời trong năm đó, Công an TP.HCM giành chức vô địch luôn. Sau thế hệ của chúng tôi, Văn Quyến thậm chí còn làm được nhiều điều thần kỳ hơn, ở tuổi 16-17 (VCK U16 châu Á năm 2000), có Qủa bóng Vàng Việt Nam ở tuổi 21 (năm 2003). Công Vinh thậm chí đã đoạt Qủa bóng Vàng khi mới 19 tuổi và 23 tuổi, anh ấy (cùng với chúng tôi) trở thành nhà vô địch Đông Nam Á. Rồi Thành Lương cũng có 3 Qủa bóng Vàngkhi chưa bước qua tuổi 27... Ở tuổi đôi mươi, chúng tôi đã “đánh Đông. dẹp Bắc”, tham gia hầu hết các sân chơi lớn nhỏ rồi.

Việt Thắng dự đoán "đàn em" Công Phượng sẽ gặp nhiều khó khăn khi thi đấu tại Nhật Bản trong năm tới. Ảnh: V.S.I

Chuyện tôi chuyển đến HAGL năm 2002 và nhận được 500 triệu tiền phí chuyển nhượng, cũng là chuyện hiếm. Nhưng, câu "hoạ từ phúc mà ra" dường như cũng từ đó mà vận vào tôi!.

Có rất nhiều trường hợp phát tiết sớm hoặc muộn, mà không cần thông qua SEA Games, với Việt Thắng hay Minh Phương là những điển hình. Vậy anh có cho rằng SEA Games là một chuẩn mực?

- Vì nhiều lý do, khách quan có mà chủ quan cũng có, khiến tôi không có duyên với SEA Games, trong đó phải kể đến các ca chấn thương dai dẳng. Song tôi khẳng định, việc khoác áo các ĐTQG ở cấp độ nào và sân chơi nào, cũng là vinh dự, thậm chí là nấc thang danh vọng.

Năm 2007, tôi đã từng ước lên Tuyển "xách nước, bổ cam" cũng được, nhưng điều ước ấy đã không thể trở thành hiện thực, khi đội tuyển Việt Nam dưới thời Alfred Riedl tập trung, chuẩn bị Asian Cup trên sân nhà. Bản thân tôi đã là nhà vô địch V-League 2006, á quân 2007, ghi trên dưới 10 bàn thắng/mùa giải, vậy tôi xứng đáng chứ? Nhưng bóng đá vốn dĩ là một cuộc chơi đầy khốc liệt và cả oan nghiệt.

Như đã nói ở trên, SEA Games vẫn là sân chơi bổ ích cho các cầu thủ trẻ triển vọng. Vì là sân chơi dành cho bóng đá trẻ, nên chúng ta không nên quá cay cú ăn thua, phải giành HCV bằng mọi giá. Thái Lan nhiều năm thống trị SEA Games, rồi họ đã làm được gì ở sân chơi lớn hơn đâu. Cho đến khi họ gần như quên chiếc HCV ấy đi, thì đó là bắt đầu của tham vọng chinh phục tầm châu lục.

“Đừng thần thánh hoá Công Phượng”

Ở đầu cuộc trao đổi, anh không đánh giá cao Công Phượng và lứa cầu thủ U19 của HAGL, tại sao thế? Và liệu việc Phượng, cùng với Tuấn Anh đi Nhật thi đấu, có phải là bước ngoặt trong sự nghiệp của họ và là biểu hiện tích cực cho cả nền bóng đá?

- Tôi không phủ nhận Học viện HAGL Arsenal JMG đã cho ra lò một lứa cầu thủ tốt, nhưng chỉ là tốt so với mặt bằng đào tạo trẻ chung thôi, chứ chưa phải ở một đẳng cấp khác, đẳng cấp châu Á hay World Cup mà nhiều người rao giảng. Về Công Phượng ư, tôi cảm giác cậy ấy là sản phẩm đặc thù của truyền thông, của những fan cuồng đồn thổi. Phượng chỉ có một cách chơi, nên dễ bị bắt bài. Chiến thuật bóng đá thuộc về những người không có bóng, tức là chạy chỗ, di chuyển lấy không gian, về điều này Phượng cũng không tinh.

Việc Công Phượng qua Nhật về mặt nào đó là tích cực, nhưng đừng kỳ vọng nhiều, rằng Phượng sẽ chứng minh được đẳng cấp chơi bóng đỉnh cao..

Công Phượng, Tuấn Anh quá tuổi dự SEA Games 2017?

Công Phượng, Tuấn Anh quá tuổi dự SEA Games 2017?

Nếu phương án mà AFF đề xuất với Hội đồng thể thao Đông Nam Á giới hạn độ tuổi cầu thủ dự SEA Games từ năm 2017 là U21 được thông qua thì những niềm hy vọng vàng Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường buộc phải làm khán giả khi quá tuổi.


Anh có vẻ hơi hà khắc với đàn em nhỉ, thay vì nên động viên họ, khuyến khích họ chơi bóng, tìm tòi những thách thức mới và sáng tạo ở mức tối đa?

- Bóng đá là cuộc chơi của những người đàn ông thông minh và dũng cảm. Nếu Công Phượng bảo anh ta không thể chú tâm vào trận đấu, vào các pha bóng, bởi sợ đối phương triệt hạ, thì có nghĩa rằng Phượng đã đầu hàng rồi. Họ đá xấu mình, mình phải quái hơn họ, vượt qua họ. Thời của chúng tôi và cả Văn Quyến, Công Vinh nữa, V-League khốc liệt hơn nhiều, đá xấu hơn nhiều. Rất thường xuyên, các sơ đồ bóng đá luôn chì xuất phát  với 1-2 tiền đạo và bạn phải vượt qua 3-4 hậu vệ để ghi bàn, thay vì chờ đồng đội hay đối phương biếu tặng. Đá tiền đạo, bạn phải giỏi hơn hậu vệ, bằng không thì nên nghỉ.

Tóm lại, có hay không có lứa Công Phượng đá SEA Games, không phải là vấn đề quá lớn, thưa anh?

- Nền bóng đá muốn phát triển bền vững, không thể kỳ vọng vào mỗi một lứa cầu thủ. Và tôi khẳng định một lần nữa, lứa của Công Phượng không phải những người giỏi nhất. Vậy có cần trả lời câu hỏi của anh không?!

Cảm ơn Việt Thắng về cuộc trao đổi thẳng thắn!

"Tôi biết là khi Công Vinh đi Bồ Đào Nha hay Nhật Bản, anh ấy đã được trang bị rất tốt về kỹ năng, cũng như kinh nghiệm chơi bóng, nhưng Vinh chưa thể nói là đã thành công ở nước ngoài. Công Phượng được ăn học bài bản, nhưng lại chơi bóng trong sự o bế, nuông chiều, tôi cho rằng đây là cái khó nhất mà có thể Phượng khó thể vượt qua được, khi đứng độc lập và đối chọi với những đối thủ cao lớn, quái" - Vẫn lời Việt Thắng khi nói về chuyến "Đông du" của Công Phượng


Nguyệt Bàn (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Lương Cao Dũng  (13/11/2015 08:42:34)
caodungvpcc@gamil.com
Xem bóng thì phải có cảm xúc khi theo dõi thì mới có ý nghĩa, không phải tự nhiên mà lứa Công Phượng chiếm đc cả hầu hết trái tim người hâm mộ. Có rất nhiều người cảm thấy khó chịu khi mà trái tim của người hâm mộ không thuộc về mình.
tran hao  (13/11/2015 03:54:26)
kyto951@gmail.com
Mình thích bài viết của vô danh tiền bối
Trần  (13/11/2015 09:27:25)
smallbim@yahoo.com
@Trung: thế trận chung kết U19 DNA với Myanmar thì ai thắng?
trung  (12/11/2015 09:00:37)
ductrung1988@gmail.com
cho hỏi trận U19 VN - U19 Myanmar trên sân mỹ đình vn thắng 4 -1 là trận gì.Trận U19 VN vs U19 Indonexia ở bruney Vn thắng 3-1 là chưa thắng hay sao.bạn ko xem thì tốt nhất ko nên phán
Anh Tuan  (12/11/2015 07:42:04)
tuanva83@gmail.com
Công phượng thì rõ quá rồi, hãy nói về Tuấn Anh, người mà ông Đức khen là hay nhất lứa. Hãy nhớ lại một Quốc Vượng ở lứa tuổi đó tỏa sáng trong màu áo HAGL ở V-league, ở các đội tuyển U23 và tuyển quốc gia (đỉnh cao là trận thắng Hàn Quốc 1-0). Quốc Vượng toàn diện và mạnh mẽ hơn Tuấn Anh rất nhiều. Nên những Fan phong trào, mới chỉ xem một vài trận bóng đá nên dừng tâng bốc mấy chú HAGL JMG.
Anh Khoa  (12/11/2015 05:19:27)
core_break@yahoo.com
lứa HAGL của bầu Đức chỉ là cá vàng trong chậu, là hoa trong tủ kính thôi. Làm sao mà sánh được với những cây tùng cây bách sống trên núi cao gió lớn được! Khi CP, TA ra gió rồi mới biết cần phải cố gắng nhiều!
Thao Thuong  (12/11/2015 04:04:02)
thaothuong13@yahoo.com
Ý kiến của Việt Thắng rất chính xác. Công Phượng được đào tạo bài bản, có nhiều trải nghiệm thi đấu trong nước và quốc tế nhưng những gì anh trình làng vẫn chỉ là một Công Phượng mờ nhạt. Nhiều nhà báo đã quá thần thánh hoá cầu thủ này và khiến không it người mắc bệnh ảo tưởng.
vmk  (12/11/2015 03:46:10)
vietmyca@yahoo.com
Cậu này nói đúng ghê. Còn hơn cả ông Hải. Nhất là dùng cụm từ "thần thánh hóa", của NB hay của VT mà chính xác dữ?
Nguyên  (12/11/2015 02:17:17)
nttlnguyen06@yahoo.com
Hay đấy Thắng! Dám nói về thần tượng của bao nhiêu người như thế thì cũng đáng mặt đàn ông lắm chứ. Có rất nhiều cầu thủ VN trước đây giỏi và thành công hơn CP ở độ tuồi này, Việt Thắng kể thiếu Hồng Sơn, Minh Phương, Huỳnh Đức...và xa hơn nữa là Cao Cường...Rất nhiều bạn trẻ bây giờ chưa từng xem những người này thi đấu nên cứ đang thần thánh hóa CP mà không biết. Nên nhớ lứa U19 này chưa thể thắng Indonesia và Myanmar đấy chứ đừng nói là Châu Á hay thế giới cho xa xôi.
Khang trong  (12/11/2015 02:15:04)
Nguyenthu2015vn@gmail.com
Ðã rất lâu rồi tôi mới đọc ďươc một phát biểu chính xác đến vậy.CP_TA hay XT tôi đều yêu mến.hy vọng họ tập ,luyện tập và tập luyện để tài năng ngày một phát triển và thi đấu ở môi trường tốt sẽ giúp ích cho bản.họ sẽ là những trụ cột cho ĐTVN trong tương lai
Hien  (12/11/2015 01:13:09)
levanhien.dqez@gmail.com
Mặc dù tôi không thích Việt Thắng, vì cậu này rất chân gỗ, không có kỹ thuật, chỉ có to khỏe, không hơn kém gì Mạc Hồng Quân. Nhưng những gì cậu ấy nói về Công Phượng thì tôi rất thích, hi vọng Phượng đọc được và tự rèn luyện để vượt qua chính mình.
Tư đá bóng  (12/11/2015 01:01:27)
thuydiem@yahoo.com
Chắc cựu tuyển thủ Nguyễn Việt Thắng này còn hậm hực chuyện bị HAGL gạch tên khỏi đội từ bấy lâu nay nên có những điều tỏ ra rất hằn học với gà nòi của bầu Đức.
Vô danh tiền bối  (12/11/2015 12:24:51)
thanhliemptit@gmail.com
Nói chung mỗi người có quan điểm và cách nhìn khác nhau. Tôi ko cuồng hay thần thánh hóa CP-TA, chỉ đánh giá các em tiềm năng phát triển vươn xa trong thời gian tới. Nhưng tôi chẳng đồng tình với quan điểm:"Thời của chúng tôi và cả Văn Quyến, Công Vinh nữa, V-League khốc liệt hơn nhiều, đá xấu hơn nhiều. Rất thường xuyên, các sơ đồ bóng đá luôn chì xuất phát với 1-2 tiền đạo và bạn phải vượt qua 3-4 hậu vệ để ghi bàn, thay vì chờ đồng đội hay đối phương biếu tặng. Đá tiền đạo, bạn phải giỏi hơn hậu vệ, bằng không thì nên nghỉ." Cho hỏi VT-CV-VQ đã bao nhiêu lần vượt qua được 3-4 hậu vệ và ghi bàn mà dám nói là thường xuyên? Còn nữa, nhưng hậu vệ đá láo đạp thẳng người mình mà trọng tài nương tay thì làm sao đây, đá láo lại họ sao? Né thế nào được khi mà đá từ sau tới, có mắt thần gắn phía sau à? ở V-League có khá nhiều tình huống bạo lực mà trọng tài ko dám mạnh tay
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến