(TT&VH Cuối tuần) - Hơn 18 năm theo nghiệp cầm còi, giờ ngồi ghế giám sát, nguyên “Còi Vàng” Dương Văn Hiền tâm sự rằng tiếng còi vẫn “ám” ông trong những giấc ngủ. “Nhớ tiếng còi lắm, như người mắc nghiện vậy”, trọng tài họ Dương chia sẻ.
“Tôi muốn trở thành một giám sát cá tính”
* Gần 20 năm rong ruổi khắp sân cỏ cả nước, dù sao anh cũng hạnh phúc vì đã đi trọn đam mê với nghiệp của mình, kể cả đang ngồi ghế giám sát...
- Tới thời điểm này, tôi còn đam mê nghề trọng tài lắm. Tiếc rằng mình đã quá tuổi, chứ được đặc cách, tôi còn thổi tốt vài năm nữa. Chấn thương trước thềm SEA Games 25 khiến tôi phải “về hưu” non, nhiều lúc cứ bần thần, nhớ nghề da diết.
Nghề trọng tài không cho tôi tiền bạc, nhưng có uy tín và sự nghiệp. Giờ đây, khi đã có tất cả, kể cả một gia đình hạnh phúc, cả khi vợ bảo tôi nên chia tay nghề, tôi vẫn “trái lệnh” vì máu nghề vẫn còn sôi sục. Tôi nhớ tiếng còi, nhớ những nơi mình đi qua, lại xách cặp đi học giám sát. Năm tháng làm trọng tài đã trang bị cho tôi nhãn quan tốt hơn khi làm giám sát, nhất là trong việc nhận xét, chấm năng lực trọng tài.
* Công việc của một giám sát khác hoàn toàn với trọng tài. Anh nghĩ thời gian hơn 1 năm giám sát đã đủ để mình làm tốt công việc mới?
- Thực ra, công việc đào tạo trọng tài hay giám sát cũng có nhiều điểm tương đồng. Trọng tài thường phải vận động và di chuyển liên tục ở trên sân, xử lý các tình huống nóng và đưa ra quyết định ngay tức khắc. Giám sát phải có năng lực bao quát và đưa ra những quyết định “nguội” hơn. Giám sát là người giám sát, đánh giá và điều chỉnh trọng tài sau mỗi trận đấu kết thúc. Nhìn thế, giám sát vừa phải có chuyên môn, cái nhìn thấu tình, đạt lý chứ không phải cảnh “ngồi mát, ăn bát vàng”. Dù tôi nhiều năm làm trọng tài, nhưng 1 năm qua cũng phải liên tục đi học các lớp đào tạo của FIFA tại Việt Nam, Philippines, Indonesia... Thời điểm hiện tại, tôi đã đủ tự tin làm công việc của mình một cách suôn sẻ nhất.
Cựu trọng tài Dương Văn Hiền từng 3 lần giành giải “Còi Vàng”. Ảnh: VSI
* Vậy các giám sát thường dựa vào những “chuẩn” gì để đánh giá năng lực trọng tài?
- Bình thường, giám sát thường dựa vào mức độ của trận đấu từ khó tới dễ, năng lực điều khiển, khả năng thích ứng của các trọng tài để đánh giá. Dù gì đi nữa, giám sát trọng tài cũng phải có cái nhìn bao dung, nhằm hoàn thiện và phát triển trọng tài. Người ta thường nói trọng tài là “vua sân cỏ”, nhưng vai trò giám sát là định hướng và điều tiết trọng tài trong chừng mực. Ngay cách chấm điểm, nhận xét thế nào để các trọng tài tiếp tục phát triển và không bị ức chế cũng rất quan trọng. Chưa kể việc nâng cấp, bình chọn trọng tài lên FIFA, người có tiếng nói quyết định là giám sát.
* Lâu nay vai trò giám sát vẫn còn rất “nhạt”. Liệu anh còn giữ được hình ảnh cứng rắn và quyết đoán như từng thể hiện ở V-League nữa hay không?
- Cổ nhân thường nói: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Tôi vốn là con người như thế nào, thì có ở môi trường khác tố chất ấy vẫn vậy. Ngay công việc này, tôi cũng chỉ mới là người học việc. Nhưng tôi khẳng định đã làm nghề phải chuyên tâm thật sự. Nhất là việc chống tiêu cực trong lực lượng trọng tài luôn được tôi tôn trọng. Tôi không thích mẫu giám sát trọng tài cầu toàn và không giúp các trọng tài có bước phát triển trong sự nghiệp lẫn nhân cách. Tôi muốn trở thành trọng tài có cá tính chứ không phải hiền lành và cầu an.
“Vui buồn với nghề”
* Anh đã có gặp sự cố gì trong thời gian làm giám sát trọng tài trong gần 2 năm qua chưa?
- Mới vào nghề, tôi mới chủ yếu làm giám sát trọng tài tại các giải hạng Nhất, giải trẻ... Có lẽ, kỷ niệm kém vui nhất chính là giải futsal quốc tế tổ chức ở Đắk Lắk cách đây 1 năm. Trong một trận, trọng tài không sai nhưng đội bóng này bỏ ra sân đòi nghỉ thi đấu nếu trọng tài không thay đổi quyết định. Giải đấu có khách mời quốc tế, sự cố này có thể làm hỏng uy tín về lâu về dài. Tôi phải xuống sân nhắc nhở, lý giải tình huống và sẵn sàng loại đội bóng ra khỏi giải nếu họ không vào sân đúng thời gian.
* Bây giờ nhiều đội sẵn sàng bỏ ra sân để gây sức ép như anh vừa nói. Mới đây nhất là cảnh lãnh đạo VFF, các giám sát phải năn nỉ gãy lưỡi đội nữ Than khoáng sản vào sân ở giải VĐQG nữ.
- Cảnh ban huấn luyện lôi kéo cầu thủ ra sân để gây sức ép chỉ xứng đáng xuất hiện ở giải đấu mang tính phong trào, nhưng giờ xảy ra ở những giải chuyên nghiệp. Thực ra, một phần là nhiều cầu thủ, đội bóng còn kém trong việc nắm luật. Xảy ra tranh cãi, đội bóng thường chuyển sang “cãi cùn” khi đuối lý. Mà ngay cả việc VFF lẫn giám sát đứng ra năn nỉ đội bóng trên sân tới hơn 20 phút cũng không nên tái diễn. Cứ chiếu theo luật mà làm, khi đội bóng bỏ ra sân quá 15 phút, giám sát lập biên bản hủy trận đấu do một đội bóng bỏ cuộc. Có xử nghiêm trường hợp ấy mới khiến các đội bóng còn lại đi vào nề nếp. Nói chung, giám sát cần phải có bản lĩnh.
“Trọng tài cũng cần may mắn”
* Anh từng 3 năm liên tiếp đoạt danh hiệu “Còi Vàng”. Nhưng có lúc nào anh phải dựa vào may mắn để thoát hiểm?
- Có chứ. Còn nhớ năm 1996, khi tôi cầm còi trận mở màn U18 Hà Tĩnh - U18 Quảng Nam, ở VCK U18 quốc gia tổ chức tại Hà Tĩnh. Trận ấy, đội chủ nhà bất ngờ thua đối thủ dưới cơ Quảng Nam 0-1. Trong đó, tôi không công nhận 3 bàn thắng của đội chủ nhà. Cổ động viên ném đồ như mưa xuống sân, nhiều anh còn đòi “thịt” tôi. Mà tôi thổi 3 tình huống ấy đâu sai, hai bàn thắng của U18 Hà Tĩnh việt vị, một bàn cầu thủ cố tình ghi bàn trực tiếp, dù tôi đưa tay báo hiệu đá phạt gián tiếp. Tan trận cuộc họp mổ băng kỹ thuật căng như dây đàn, nếu chiếc máy quay duy nhất không quay đủ 3 tình huống, số tôi coi như đứt. May cho tôi, cái máy quay hôm ấy thế nào, lại quay đủ cả 3 tình huống tôi không công nhận. Nếu không, có lẽ sau này tôi đã chuyển nghề và chẳng còn đoạt “Còi Vàng” ấy chứ (cười).
Giờ đây, ông Dương Văn Hiền đã chuyển sang làm giám sát trọng tài. Ảnh: VSI
* Anh nghĩ sao khi các đồng nghiệp cũ như Minh Trí, Quốc Hoài, Quốc Hưng đều gặp sự cố ở mùa giải này?
- Trọng tài có lúc đúng, lúc sai, miễn sao đừng ảnh hưởng kết quả trận đấu. Như trọng tài hàng đầu thế giới người Italia, Colina, cũng mắc sai sót đó thôi, nhưng ông ấy không bao giờ thổi sai ở những tình huống nhạy cảm, quan trọng cả. Đời trọng tài nghiệt ngã, đôi khi người trong nghề muốn tránh cũng không được bởi có những tai nạn kiểu “ma làm”.
* V-League càng về cuối, chuyện trọng tài càng nóng. Ngay trọng tài FIFA Võ Minh Trí còn mắc sai sót, nói gì những trọng tài đàn em vốn chưa nhiều kinh nghiệm trong những trận cầu “đinh”?
- Tôi không nghĩ như vậy. Bởi Hội đồng trọng tài quốc gia còn có những trọng tài chất lượng như Hoàng Anh Tuấn, Phùng Đình Dũng, Võ Quang Vinh. Ngay trọng tài Nguyễn Phi Long cũng đang lên tay trông thấy vào năm nay. Tùy vào tính chất địa phương, độ nóng bỏng và độ lạnh cầm còi, các trọng tài sẽ được phân công thích hợp. Ngay trận đấu chung kết mùa giải giữa SLNA - Hà Nội.T&T cũng đã được tính toán từ sớm. Thế nên, công tác V-League ở 4 vòng cuối không thật sự đáng lo. Mà cái đáng lo hơn là các đội bóng có chơi fair-play hay không? Bản thân giới trọng tài, giám sát sẽ theo sát trận đấu và đưa ra quyết định công minh nhất. Nhưng chuyện đá “bóng bàn” xưa nay đâu hiếm và đôi khi trọng tài lại là “cái bia” để các đội chối bỏ trách nhiệm.
* Dù thế, việc bổ sung trọng tài trẻ có chất lượng cần phải thực hiện. Bao lâu nữa, công tác đào tạo trọng tài mới giúp V-League an tâm không thiếu đi người cầm còi có năng lực?
- Trình độ phát triển bóng đá thế nào, trình độ trọng tài tương thích tới ấy. Nhưng tôi nghĩ trong vài năm tới, lực lượng trọng tài cũng cần tự vận động để theo kịp đà tăng tốc của V-League. Hiện tại anh Đoàn Phú Tấn đang liên tục có mặt ở khắp sân cỏ cả nước, tìm kiếm những trọng tài trẻ có năng lực mà chưa được rèn giũa. Với tài năng và kinh nghiệm nhiều năm huấn luyện, anh Tấn sẽ cho ra lò những trọng tài có trình độ ở vài năm tới. Tôi nghĩ 2 năm nữa, V-League sẽ không còn lo cảnh thiếu trọng tài giỏi.
* Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi và chúc anh sẽ tạo dựng được hình ảnh mới - một giám sát khả kính và được tôn trọng cả tư cách lẫn chuyên môn!
Mộc Miên (thực hiện)