(Thethaovanhoa.vn) - Dù chưa một lần lên đỉnh Đông Nam Á, nhưng đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) của những Hồng Sơn, Công Minh, Huỳnh Đức… vẫn để lại nhiều cảm xúc trong lòng người hâm mộ, và được xem là “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam. Sau nhiều năm chia tay đội tuyển, các cựu tuyển thủ năm xưa bây giờ mỗi người một công việc, nhưng hễ mỗi lần nhắc đến ĐTVN, những ký ức “một thời oanh liệt” trong họ lại ùa về.
Với cựu đội trưởng Trần Công Minh, ký ức không thể nào quên về ĐTVN của anh luôn gắn liền với 2 giải đấu là SEA Games 18 (Chiang Mai, Thái Lan, 1995) và Tiger Cup 1998 diễn ra trên sân nhà.
Tinh thần vì màu cờ sắc áo
* Anh Công Minh, trong sự nghiệp thi đấu của mình, anh tâm đắc với điều gì nhất?
- Sự nghiệp cầu thủ trải qua không ít thăng trầm, có nhiều thứ để chia sẻ lắm, nhưng để nói về điều tâm đắc nhất, theo tôi đấy là việc được chơi trong màu áo ĐTVN, ở thế hệ có nhiều cầu thủ xuất sắc, được người hâm mộ bóng đá Việt Nam yêu mến xuyên thời gian.
* Đúng vậy, người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã dành cho ĐTVN thế hệ các anh “tình yêu xuyên thời gian”, và ưu ái gọi các anh là “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam, nhưng có lẽ để có được điều này chắc chắn các anh cũng đã phải nỗ lực rất nhiều?
- Trước hết, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến người hâm mộ bóng đá Việt Nam vì họ đã dùng cụm từ “thế hệ vàng” để gọi chúng tôi, đến bây giờ cụm từ ấy vẫn nguyên giá trị, dù cho thế hệ chúng tôi chưa bao giờ giành được HCV cả.
Để “thế hệ vàng” có sức sống bền bỉ trong lòng người hâm mộ như thế, tôi nghĩ yếu tố thời thế, nhân hòa là rất quan trọng. Năm 1995, bóng đá Việt Nam sản sinh ra lứa cầu thủ, trong đó có anh em chúng tôi, đã chơi rất ăn ý với nhau qua nhiều năm.
Mặt khác, vào thời điểm ấy, bóng đá ở mình chưa có chuyên nghiệp, còn bao cấp, nên anh em ra sân luôn thi đấu hết mình, rất máu lửa, không toan tính thiệt hơn. Bóng đá có thắng, có thua, nhưng khi mình chơi bóng bằng tinh thần trong sáng và quyết tâm như vậy thì sẽ để lại nhiều ấn tượng với người hâm mộ.
Tất nhiên, chẳng bao giờ quan trọng tiền thưởng, hay những giá trị vật chất, thế hệ chúng tôi luôn ra sân bằng niềm tự hào dân tộc, niềm vui được chơi bóng, niềm vui vì được phục vụ người hâm mộ, và để được người hâm mộ yêu mến.
Ngoài ra, cảm xúc cũng là một yếu tố rất quan trọng, điều này thì chúng tôi luôn dư thừa, nhìn anh em nhiều khi thấy giống nghệ sỹ hơn là cầu thủ đá bóng. Tâm hồn phiêu lãng, ra sân đá bóng vì nghệ thuật, luôn hướng đến cái đẹp, khán giả thích thú lắm.
* Anh nói rất nhiều đến yếu tố tinh thần trong thi đấu, vậy cho hỏi thật, có khi nào gia đình, vợ con các anh phàn nàn về chuyện lương bổng của các anh không?
- Như tôi đã nói ở trên, bóng đá Việt Nam thời đó còn bao cấp, nên cầu thủ chúng tôi chỉ ăn lương cơ bản, năm thì mười họa, có nhà hảo tâm nào đó xem đá hay, hào phóng ủng hộ thì anh em có thêm tí chút.
Đời sống vật chật nói chung không thể so sánh được với các cầu thủ chuyên nghiệp khoác áo đội tuyển hôm nay, nhưng khi đó gia đình, vợ con rất tự hào vì mình khoác áo ĐTVN, xuất hiện trên TV trong sự hò reo của hàng triệu người hâm mộ. Chắc có lẽ giá trị tinh thần mang lại rất lớn, nên mọi người đã quên hết những khó khăn, thiếu thốn về vật chất.
Chính sự ủng hộ của gia đình cũng là một yếu tố góp phần giúp chúng tôi yên tâm cống hiến hết mình cho đội tuyển, tạo nên “thế hệ vàng” trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Ký ức buồn vui
* Trong 8 năm khoác áo ĐTVN, đâu là kỷ niệm khiến anh không thể nào quên?
- Với tôi, SEA Games 18 (Chiang Mai,Thái Lan) năm 1995 và Tiger Cup 1998 diễn ra trên sân nhà là 2 kỷ niệm vui buồn không thể nào quên.
Trước năm 1995, bóng đá Việt Nam có nhiều thăng trầm, nhưng từ năm 1995 trở đi, ĐTVN đã lấy lại niềm tin từ người hâm mộ, với bước ngoặt là SEA Games 18.
ĐTVN đã vượt qua nhiều đội tuyển mạnh để vào chơi trận chung kết với chủ nhà Thái Lan. Dù chúng tôi thua cuộc trong trận chung kết, nhưng niềm vui có được là rất lớn, nhất là khi những năm đó, bóng đá Việt Nam vừa mới hội nhập trở lại đấu trường khu vực đã ngay lập tức giới thiệu cho bạn bè thế hệ cầu thủ xuất sắc, khiến họ bất ngờ, và nhìn mình bằng ánh mắt khâm phục.
Từ thành công của ĐTVN tại SEA Games 18, suốt một thời gian dài sau đó, người hâm mộ đã dành rất nhiều tình cảm cho chúng tôi, giúp chúng tôi có động lực để thi đấu tốt ở các giải đấu tiếp theo.
Còn Tiger Cup 1998, dù lúc đó ĐTVN cũng đã lọt vào tới trận chung kết, nhưng với thế hệ chúng tôi đó lại là một kỷ niệm buồn. Được thi đấu trên sân nhà, sau khi xuất sắc đánh bại Thái Lan ở bán kết, chúng tôi rất có niềm tin sẽ lần đầu đưa ĐTVN lên đỉnh Đông Nam Á, nhưng… trận chung kết khép lại, Singapore trở thành nhà vô địch, chúng tôi hoàn toàn sụp đổ, bởi quá đáng tiếc, bởi đó là cơ hội ngàn năm có một.
Dẫu vậy, cùng với độ lùi thời gian, nhìn lại, chúng tôi thấy mình không có gì phải hối hận, nuối tiếc, vì đã chiến đấu hết sức mình, đồng thời khách quan mà nói đội tuyển Singapore lúc đó vừa mạnh, vừa có may mắn đồng hành.
* Thời còn khoác áo ĐTVN, anh được đánh giá là một hậu vệ cánh phải xuất sắc của khu vực, vậy anh có kinh nghiệm nào muốn truyền đạt cho các tuyển thủ ĐTQG khi họ sắp bước vào giải AFF Cup 2014 không?
- Theo tôi, hậu vệ biên ngoài việc phòng thủ là vấn đề chính, cần có những đợt leo biên tấn công nhằm tạo ra uy lực bên phần sân đối phương. Khi tấn công, các hậu vệ biên phải chắt chiu từng cơ hội, từng đường chuyền, từng quả tạt, để có độ sát thương cao, bởi mỗi lần leo biên từ sân nhà sang phần sân đối phương tốn rất nhiều năng lượng, nếu làm không tốt phần việc ấy, đội bạn phản công, hậu vệ biên rất dễ đuối sức.
Ngoài ra, hậu vệ biên cần phải làm chủ được vị trí của mình, có tính nhạy cảm cao để biết được đâu là tình huống cần phải dâng lên, đâu là thời điểm chủ động cố thủ. Bên cạnh đó, trong tham gia phòng thủ, có lúc hậu vệ biên cũng phải tích cực hỗ trợ cho các trung vệ, nhất là khi đội bạn phản công trực diện, các hậu vệ biên đứng gần vị trí cần nhanh chóng ập vào.
* Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi!
Tuệ Chính (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa