(Thethaovanhoa.vn) - Khác với những đồng đội trong màu áo HAGL như Xuân Trường, Văn Toàn, Công Phượng tiếp tục chịu cảnh mài đũng quần trên băng ghế dự bị tại AFF Suzuki Cup. Với nhiều người, việc Công Phượng ít được sử dụng là một sự phí phạm. Thế nhưng trên thực tế, vị trí phù hợp với nhất Phượng lúc này là sắm vai kép phụ.
Vận đen bủa vây Công PhượngVới cá nhân Phượng, có lẽ năm 2016 thực sự là năm hạn của của cầu thủ người Nghệ An. Chấn thương hành hạ và sống “kiếp dự bị” theo kèm Phượng trong suốt 1 năm qua.
Công Phượng sang Nhật Bản với bao kì vọng của người hậm mộ nước nhà. Tuy nhiên, cầu thủ từng được xem là ngôi sao trẻ sáng giá nhất của bóng đá Việt Nam đã không được trọng dụng.
Theo thống kê, sau 36 vòng đấu của J-League 2 (tổng cộng 42 trận), Công Phượng chỉ được ra sân 5 trận (1 lần đá chính, 4 lần vào sân từ ghế dự bị) và thi đấu vỏn vẹn 80 phút. Trong 80 phút đó, tiền đạo xứ Nghệ chỉ tung được một cú dứt điểm.
Trận đá chính duy nhất của Công Phượng trên đất Nhật Bản diễn ra ở vòng 26 J-League 2 khi Mito thắng Zweigen Kanazawa 3-0. Mặc dù Mito chơi áp đảo và giành chiến thắng đậm nhưng tiền đạo này chỉ chạm bóng đúng 4 lần trước khi rời sân nhường chỗ cho đồng đội ở phút 53. Rõ ràng, những con số thống kế kể trên chỉ ra một thực tế, Phượng được gọi là tuyển có lẽ đã là 1 sự ưu ái và việc phải dự bị là điều hoàn toàn xác đáng.
Chính chấn thương nặng gãy xương ở vai sau phải tình huống va chạm mạnh với cầu thủ U23 UAE ở trận đấu cuối cùng vòng bảng VCK U23 châu Á 2016 đã cướp đi của Phượng phong độ, thể lực và cảm giác bóng.
Bóng đá là môn thể thao đối kháng. Khi Phượng chơi bóng mà tâm lí tự ti, nơm nớp lo sợ thì thử hỏi làm sao có thể tự tin làm chủ trái bóng, làm chủ tình hình.
“Sau chấn thương đó, thực sự tôi không dám va chạm mạnh nữa. Vì thế, nên thời gian đầu tập luyện ở Mito Hollyhock không thật sự tốt. Đó cũng là lý do vì sao tôi không được ra sân nhiều. Ngoài ra, thể lực của cầu thủ Việt Nam cũng chưa thể đá được ở môi trường Nhật Bản. Nền tảng thể lực của tôi chưa đủ để đảm bảo cường độ để thi đấu tại Nhật Bản”. Chính Công Phượng cũng đã thẳng thắn chia sẻ lí do vì sao anh “mất hút” tại CLB Mito Hollyhock (Nhật Bản).
Tại đấu trường AFF Suzuki Cup 2016, không phải HLV Hữu Thắng không trao cơ hội cho Công Phượng thể hiện tài năng. Tuy nhiên, vì những lí do chủ quan đến từ Phượng và khách quan từ diễn biến trận đấu khiến người hâm mộ không khỏi cám cảnh cho cầu thủ người Nghệ An.
Công Phượng góp mặt khoảng 30 phút ở trận Việt Nam đối đầu Malaysia. Phượng có 2 cơ hội đối mặt với thủ môn nhưng sự kém sắc sảo và thiếu đi một chút may mắn đã khiến Phượng thất bại.
Chiến lược gia Hữu Thắng tiếp tục trao thêm cơ hội để Phượng chứng tỏ khả năng khi sử dụng anh trong đội hình xuất phát trận đấu với Campuchia. Ngỡ tưởng, trước một Campuchia còn thua kém khá xa về trình độ với đội tuyển Việt Nam, Công Phượng sẽ có đất để vùng vẫy chứng tỏ bản thân. Nhưng một lần nữa, vận may lại ngoảnh mặt với cầu thủ sinh năm 1995. Ngay phút thứ 7 của trận đấu, trung vệ Đình Luật có pha phạm lỗi khiến anh phải nhận thẻ đỏ. Không còn cách nào khác, HLV Hữu Thắng phải rút Công Phượng ra để thế chân bằng một cầu thủ chơi phòng ngự.
Còn ở trận bán kết lượt đi với Indonesia, Công Phượng tiếp tục được tung vào sân từ băng ghế dự bị. Với khoảng thời 2 phút ngắn ngủi và gần như chưa một lần được chạm bóng thì thật khó cho cầu thủ quê Đô Lương (Nghệ An) có thể để lại dấu ấn đặc biệt.
Công Phượng mất gì và được gì?
Thật khó để có thể rạch ròi Công Phượng được gì và mất gì tại AFF Suzuki Cup 2016, thế nhưng với một cầu thủ tuổi 21 như Phượng, những trải nghiệm trong màu áo đội tuyển quốc gia, ở một giải đấu khắc nghiệt bậc nhất ở khu vực Đông Nam Á là vô giá. Phượng không được đá chính có thể khiến nhiều fan nữ bớt yêu anh hơn, giá trị thương hiệu bản thân thấp xuống nhưng những yếu tố như kinh nghiệm, bản lĩnh, kiến thức mà Phượng thu lượm được khi lần đầu tham dự AFF Suzuki Cup là không thể đong đếm.
Phượng có thể là ngôi sao sáng nhất ở cấp độ U19 hay U23 Việt Nam. Thế nhưng, cấp độ đội tuyển quốc gia lại là môi trường hoàn toàn khác. Khi Phương chưa chứng tỏ được giá trị và tầm quan trong như những người đồng đội Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn thì vị trí của Phượng đương nhiên phải là người đóng thế.
Có thể, những màn trình diễn kém cỏi của Công Phượng tại AFF Suzuki Cup 2016 có thể khiến Công Phượng cảm thấy đau lòng, thất vọng với bản thân nhưng đổi lại, cầu thủ sinh năm 1995 sẽ có cái nhìn đúng đắn về giá trị thực của mình trong một tập thể nhiều ngôi sao trên tuyển.
Từ đó, Công Phượng sẽ tự biết cách điều chỉnh yếu tố kĩ, chiến thuật sao cho phù hợp, thích nghi tốt nhất với ý đồ, lối chơi của HLV Hữu Thắng đang dày công xây dựng cho đội tuyển Việt Nam.
Nhiều nhà chuyên môn như HLV Nguyễn Thành Vinh, cựu cầu thủ Thể Công Vũ Mạnh Hải từng chia sẻ rằng, điều đáng sợ nhất đối với cầu thủ trẻ là họ thường hay bị ảo tưởng sức mạnh, nghĩ mình ngôi sao nên không cần phấn đầu, nỗ lực rèn luyện chăm chỉ. Bóng đá Việt từng chứng kiến những ngôi sao sớm nở chóng tàn vì thói tự cao. Điều quan trong nhất là sau những va vấp, trải nghiệm, cầu thủ biết bỏ lại sau lưng thất bại để cố gắng, nỗ lực vươn lên.
Công Phượng khẳng định anh và các đồng đội sẽ cố gắng hết sức để giúp Việt Nam lật ngược thế cờ ở trận bán kết lượt về gặp Indonesia lúc 19h00 tối nay 7/12.
Hiện tại Công Phượng chỉ là sự lựa chọn số 2, thậm chí là số 3 ở vị trí hàng công trên tuyển nhưng tương lai anh có thể là số 1. Phượng là người cầu toàn và ham học hỏi như cái cách anh từng chia sẻ sẽ tự nguyện xin ở lại Nhật Bản thêm một năm nữa dù phải đá dự bị. AFF Suzuki Cup 2016, Công Phượng nhạt nhòa nhưng không đồng nghĩa tương lai Phượng sẽ mất hút. Với một cầu thủ trẻ mà tài năng đã được khẳng định, nếu họ có thêm vốn liếng trải nghiệm trong tay, vấn đề tìm lại phong độ chỉ là chuyện thời gian mà thôi.
Chuyên gia Vũ Mạnh Hải: “Công Phượng cần có thêm thời gian”
“Tôi không hề cảm thấy bất ngờ trước sự sa sút của Công Phương bởi cậu ta đang phải chịu sức ép tâm lý cực lớn sau thời gian dài chấn thương và dự bị. Tại AFF Suzuki Cup 2016, mỗi lần tung vào sân, Phượng thi đấu rất hăng hái, nhiệt tình nhưng lại chưa đạt được sự hiệu quả.
Phượng vẫn khỏe, vẫn xông xáo nhưng cảm giác bóng của anh không tốt dẫn đến việc đỡ hỏng, chuyền sai, dứt điểm không tốt. Vị trí dự bị là phù hợp với Công Phượng trong thời điểm này. Tôi vẫn tin rằng, với tài năng của em, Phượng vẫn là thứ vũ khí nguy hiểm, có tính đột biến cao của đội tuyển Việt Nam. Trong tương lai, nếu nỗ lực trui rèn hơn nữa, Phượng hoàn toàn có thể đảm nhiệm vị trí mà những Công Vinh hay Văn Quyết để lại”. |
Huy Hùng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần