(Thethaovanhoa.vn) – Việc Cerezo Osaka chiêu mộ Đặng Văn Lâm sẽ là bước tiến tiếp theo của J-League trong việc hướng tới các cầu thủ ở Đông Nam Á, cụ thể là những cầu thủ Việt Nam.
Thủ môn đội tuyển Việt Nam Đặng Văn Lâm sẽ trở thành tân binh của Cerezo Osaka tại J League 1 trong mùa giải 2021. Hợp đồng vừa mới được hoàn tất.
Thủ môn đội tuyển Việt Nam Đặng Văn Lâm sẽ trở thành tân binh của Cerezo Osaka tại J League 1 trong mùa giải 2021. Hiện tại phía Cerezo Osaka và Muangthong United đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng của thương vụ chuyển nhượng này.
Thông tin chi tiết và chính thức liên quan đến hợp đồng của Văn Lâm với Cerezo Osaka sẽ được công bố trong thời gian tới.
Việc chiêu mộ Đặng Văn Lâm sẽ là bước tiến tiếp theo của J-League trong việc hướng tới các cầu thủ Việt Nam, sau Thái Lan. Có một điều thú vị rằng vào tháng 8/2020, nhà báo Akitomo Kishina của tờ Nikkei Asia đã đề cập tới việc J-League muốn mở rộng thị trường ở Đông Nam Á, sau thành công vang dội ở Thái Lan.
Vào thời điểm đó, J-League đang gây cơn sốt ở Thái Lan khi các tuyển thủ của “Voi chiến” như Teerasil Dangda, Chanathip Songkrasin và Theerathon Bunmathan đang thi đấu cho các CLB ở Nhật Bản.
Akitomo Kishina đã lấy ví dụ về trận đấu giữa Shimizu S-Pulse và Consadole Sapporo để minh chứng cho sức nóng của J-League ở Thái Lan. Đây là trận đấu giữa 2 đội bóng mà hai tuyển thủ Thái Lan khoác áo: Teerasil Dangda (Shimizu S-Pulse) và Chanathip Songkrasin (Consadole Sapporo).
Trận đấu này đã được gọi là “derby Thái Lan” vì sự góp mặt của Dangda và Chanathip. Thậm chí Akitomo Kishina còn so sánh trận đấu này với “derby Nhật Bản” ở Serie A trong quá khứ, khi AC Milan của Keisuke Honda đối mặt với Inter Milan của Yuto Nagatomo.
“Trận Derby Thái Lan được diễn ra tại SVĐ IAI Nihondaira, sân nhà của S-Pulse ở Shimizu, tỉnh Shizuoka. Các cầu thủ đều mặc trang phục với tên của họ được viết bằng tiếng Thái. Bảng LED ở sân vận động cũng hiển thị tên các cầu thủ bằng tiếng Thái mỗi khi có bàn thắng được ghi.
Các khán giả còn được khuyến khích tải một ứng dụng điện thoại mà họ có thể gửi lời cổ vũ cho các cầu thủ yêu thích của mình thông qua hệ thống loa của sân vận động.
Shimizu thắng 3-1 ở trận này và trong khi các cầu thủ Thái Lan tỏ ra im hơi lặng tiếng trên sân thì trận derby này được coi như một trận đấu giới thiệu của J-League ở một khu vực của Đông Nam Á, nơi mà thế giới bóng đá coi là “mỏ vàng”.
“Các CĐV ở Đông Nam Á luôn cuồng nhiệt với bóng đá, đặc biệt là với các giải đấu lớn ở châu Âu và World Cup.
Giờ đây, với việc nhiều nền kinh tế ở các nước trong khu vực này phát triển vượt bậc, Đông Nam Á giờ không chỉ sản sinh ra những cầu thủ có thể trở thành ngôi sao ở nước ngoài, mà còn là một thị trường cho các giải đấu ngoài châu Âu bán bản quyền phát sóng”.
Bằng chứng là các trận đấu ở J-League đã được phát sóng ở Thái Lan qua các nền tảng TV, You Tube hay các mạng xã hội…Kéo theo đó, J-League có thêm nguồn thu từ việc bán bản quyền phát sóng giải đấu ở nước ngoài.
Trong bài báo của mình, nhà báo Akitomo Kishina của tờ Nikkei Asia cũng cho biết tham vọng của J-League là mở rộng thị trường ở Đông Nam Á, sang cả Việt Nam và Indonesia: “J-League không chỉ muốn tăng cường phát triển ở Thái Lan mà còn muốn có thêm các fan ở Việt Nam và Indonesia”.
Trong khi đó, ông Kei Koyama, đại diện của J-League, cũng khẳng định: “Chúng tôi muốn tạo ra một thị thường thứ 2 như Thái Lan”.
Nhà báo Akitomo Kishina phân tích: “Thành công hiện tại của J-League tại Thái Lan là nhờ CLB Sapporo chiêu mộ Chanathip và biến cầu thủ này thành trụ cột của đội bóng. Trong khi đó, có nhiều cầu thủ Việt Nam đã chuyển đến chơi bóng ở Nhật Bản nhưng không thể tạo ra tiếng vang lớn như Chanathip tại Thái Lan”.
“Lê Công Vinh là cầu thủ Việt Nam đầu tiên chuyển sang J-League vào năm 2013. 3 năm sau đó, Nguyễn Công Phượng, giống như Công Vinh, cũng là một tuyển thủ quốc gia, chuyển tới Mito HollyHock, đội bóng hạng 2 của Nhật Bản”.
Sự thực là ngoài J-League, K-League (Hàn Quốc) cũng rất quan tâm tới việc chiêu mộ các cầu thủ từ Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam. Thậm chí, ở mùa bóng 2020, K-League đã cho 1 suất ngoại binh cho các CLB ở Hàn Quốc là các cầu thủ Đông Nam Á. Thậm chí có 1 bài báo trên mục Thể thao của Naver đã có dòng tít rằng: “Liệu chúng ta có thể nhìn thấy các cầu thủ Đông Nam Á ở K League 1 trong mùa giải 2021?”
Tác giải bài báo, cây bút Seo Ho-jeong cho biết K-League muốn mở rộng thị trường ở Đông Nam Á và hối thúc các CLB ở Hàn Quốc cần mạnh dạn chiêu mộ thêm cầu thủ ở khu vực này, sau trường hợp của Lương Xuân Trường và Công Phượng, những cầu thủ Việt Nam từng khoác áo Incheon United.
Với việc Văn Lâm chuyển tới Cerezo Osaka, rất nhiều CĐV Việt Nam sẽ chuyển hướng chú ý tới J-League. Đây cũng là kỳ vọng của đội bóng Nhật Bản cũng như giải đấu hàng đầu xứ sở hoa anh đào.
"Đặng Văn Lâm là người gác đền số 1 của Việt Nam, anh từng ghi dấu ấn khi liên tiếp từ chối những cơ hội ghi bàn trong trận gặp Nhật Bản ở Asian Cup 2019. Nếu vụ chuyển nhượng thành hiện thực, Văn Lâm sẽ trở thành cầu thủ Việt Nam thứ 4 đến với J League", trang Hochi News (Nhật Bản) đăng thông tin liên quan đến vụ chuyển nhượng Văn Lâm.
Rõ ràng, tài năng của Văn Lâm cũng là yếu tố quan trọng thu hút sự chú ý của CLB Nhật Bản. Màn trình diễn của thủ môn này ở Asian Cup 2019 cũng như ở Thai League chắc chắn đã gây ấn tượng với Cerezo Osaka.
Văn Lâm chuyển sang thi đấu ở Nhật Bản có thể mở ra một chương mới cho bóng đá Việt Nam, khi mà các CLB ở J-League chuyển sự chú ý từ Thái Lan sang Việt Nam.
Phía trước Văn Lâm có thể sẽ là nhiều thử thách, nhưng với một thủ môn có khao khát mãnh liệt, đây là cơ hội để anh thể hiện bản thân.
Văn Lâm đã chinh phục được Thai League và mục tiêu tiếp theo của anh sẽ cao cấp hơn, J-League.
Sơn Tùng