(Thethaovanhoa.vn) - V-League 2015 đã chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt đội bóng trẻ, với rất nhiều cầu thủ trẻ mới lần đầu bước ra ánh sáng của sân chơi chuyên nghiệp. Có người thành công, có kẻ thất bại nhưng sự có mặt của cầu thủ trẻ đã mang tới một cơn gió lành tươi mát, đầy sinh khí cho giải đấu. Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, chuyên gia Vũ Mạnh Hải đã có những chia sẻ sâu sắc về đào tạo và sử dụng cầu thủ trẻ tại V-League 2015.
* Thưa ông, lý do nào khiến các cầu thủ trẻ có nhiều cơ hội ra sân thi đấu ở V-League 2015?
- Ông Vũ Mạnh Hải: Theo tôi, có 3 lý do chính. Thứ nhất, chúng ta hạn chế bớt cầu thủ nước ngoài và cầu thủ nhập tịch khiến các đội bóng phải đưa nhiều cầu thủ trẻ lên thi đấu hơn. Thứ hai, tài chính năm nay không bằng các năm trước, các CLB buộc phải liệu cơm gắp mắm đưa những cầu thủ trẻ có khả năng thi đấu lên đội một. Thứ ba, sự bùng nổ của các trung tâm đào tạo trẻ rất có uy tín, đang làm việc rất tốt, tạo được nhiều dấu ấn ở các giải U17, U18, U21 khiến cầu thủ trẻ trưởng thành nhanh hơn.
* HAGL đã có một mùa giải không thành công với các cầu thủ trẻ. Bài học rút ra là gì?
- Khi đưa các cầu thủ trẻ lên thi đấu ở V-League, bản thân các đội bóng phải chú ý phối hợp sử dụng ăn ý cầu thủ trẻ với những cầu thủ kinh nghiệm. Bài học HAGL là một ví vụ: đá tốt ở các U không có nghĩa là chơi V-League sẽ tốt. Chúng ta không thể đẩy ồ ạt các cầu thủ trẻ lên V-League được. Đá ở V-League, mọi thứ rất khác.
Bóng đá có tính kế thừa. Đội bóng muốn có sự ổn định trong lối chơi, muốn có kết quả tốt phải có sự kế thừa. Bản thân đội bóng luôn phải có những cầu thủ nòng cốt, kinh nghiệm, có chuyên môn. Họ sẽ nâng đỡ các cầu thủ trẻ tốt hơn.
* Cũng sử dụng nhiều cầu thủ trẻ nhưng S.Khánh Hòa lại thành công rực rỡ. Vậy họ có gì khác HAGL?
- Các cầu thủ trẻ thường yếu về thể lực và tinh thần, đặc biệt là thể lực. Cầu thủ S.Khánh Hòa chỉ hơn cầu thủ HAGL 2 tuổi nhưng họ cứng cáp hơn nhờ chuẩn bị kỹ về thể lực. Nếu HAGL chuẩn bị thể lực kỹ hơn, họ sẽ không vất vả đến thế ở V-League. Sự khác biệt giữa 2 đội bóng này nằm ở khâu chuẩn bị thể lực.
Có thể lực tốt, S.Khánh Hòa mới có cái nền để xây dựng, tổ chức và thực hiện đấu pháp. Nhiều trận, Khánh Hòa đã chơi sòng phẳng với các đàn anh. Sự chuẩn bị của họ tỏ ra rất phù hợp với môi trường cạnh tranh của V-League. Nhiều cầu thủ trẻ của S.Khánh Hòa chúng ta còn chưa biết tên nhưng họ đã chơi rất tốt.
* Vậy còn những đội bóng tốp đầu thì sao? Họ có sử dụng cầu thủ trẻ tốt không?
- Sau S.Khánh Hòa, đội bóng dùng cầu thủ trẻ hay thứ hai là Hà Nội T&T. Với lực lượng rất mạnh, họ vẫn biết cách cài cắm thêm cầu thủ trẻ vào các vị trí như Sầm Ngọc Đức, Duy Mạnh... Cách làm ấy tạo ra những kết quả rất tốt. Cầu thủ được trưởng thành qua từng trận đấu. Họ không bị khớp, không vất vả như các cầu thủ HAGL.
Sang năm, xu hướng sử dụng cầu thủ trẻ sẽ còn mạnh mẽ hơn. Chúng ta đã thấy rất nhiều cầu thủ triển vọng từ các đội U21, U19. Đó là cơ sở để các cầu thủ trẻ có nhiều cơ hội hơn ở mùa giải năm sau.
* Trong số các cầu thủ trẻ, ai là người để lại ấn tượng mạnh nhất với ông ở V-League vừa qua?
- Nếu hỏi ai là người có sự tiến bộ vững chắc nhất, tôi nghĩ đó là Duy Mạnh của Hà Nội T&T. Đây là cầu thủ được cài cắm trong một đội bóng mạnh, có chuyên môn và thành tích tốt. Nhưng bản thân anh ta cũng đã tiến bộ rất nhiều. Từ U23 tới ĐTQG, anh ta đều chơi tốt và cho thấy nhiều triển vọng. Trong hàng ngũ cầu thủ trẻ, Duy Mạnh là người để lại ấn tượng tốt nhất.
Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa