Chuyên gia Trịnh Minh Huế: 'Cầu thủ Thái Lan hiểu chiến thuật từ bé'

Thứ Hai, 26/10/2015, 5:10 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Chuyên gia Trịnh Minh Huế đã dành cho Thể thao & Văn hóa cuộc trò chuyện cởi mở xung quanh chủ đề vì sao bóng đá Thái Lan trên cơ bóng đá Việt Nam. Và Hội nghị Diên Hồng bóng đá Việt Nam do Tổng cục TDTT đứng ra tổ chức nên tiến hành như thế nào, khách mời là những ai...

Chúng tôi lấy câu chuyện U19 Việt Nam lứa Công Phượng 3 lần đánh bại Thái Lan để lý giải cho việc bóng đá Việt Nam vẫn có khả năng vượt qua Thái Lan. Chuyên gia Trịnh Minh Huế không đồng tình, bởi theo ông lối chơi tiki-taka là cách chơi chủ đạo của các đội bóng có thể hình thấp bé, nhưng U19 Việt Nam không có sự biến hóa khiến đối phương dễ bắt bài.

Việt Nam thua Thái Lan về bóng đá học đường

Ông Huế cho biết: “Thực tế cho thấy U19 Việt Nam lứa Công Phượng chỉ tạo ra được bất ngờ ở các giải U, còn vào đá V-League các đối thủ đã bắt bài lối chơi ấy nên HAGL phải rất khó khăn mới trụ hạng thành công. Lối chơi tiki-taka từng lên đỉnh thế giới cùng đội tuyển Tây Ban Nha và CLB Barcelona, nhưng bây giờ lối chơi ấy đã bị giải mã. Các đội bóng đó bây giờ họ vẫn chơi tốt, nhưng không vô đối nữa và chất tiki-taka của họ cũng trở nên đa dạng hơn.

Đội tuyển Thái Lan thắng chúng ta 3-0 tại Mỹ Đình vừa qua, cũng bằng lối đá tiki-taka đấy chứ. Nhưng vừa tiki-taka, vừa kết hợp cả những đường chuyền dài, những pha lật cánh, chuyển hướng tấn công chính xác, tốc độ cao. Con người của họ có năng lực để triển khai hiệu quả cách chơi ấy”.

Vậy cách chơi ấy khác với cách chơi của U19 Việt Nam như thế nào? Chuyên gia Trịnh Minh Huế lý giải: “U19 Việt Nam chơi tikia-taka, song sức rướn, tốc độ của họ còn hạn chế. Họ lặp đi lặp lại lối chơi ban bật ở khu trung tuyến, không có những sự sáng tạo, không có những con người đủ thể hình, sự mạnh mẽ, sức vọt như Thái Lan để kết liễu đối thủ bằng những đường bóng tầm xa.

Điều này cho thấy hạn chế trong công tác đào tạo trẻ của chúng ta, nhất là ở khâu đầu vào. Chúng ta chưa thật tỉ mỉ, chưa áp dụng khoa học thể thao vào việc tìm kiếm các tài năng,  vừa có tố chất kỹ thuật, vừa có nền tảng thể lực, thể hình, đặc biệt là sức nhanh, sức bền trong khối lượng vận động”.

Bóng đá Thái Lan (phải) trội hơn bóng đá Việt Nam nhờ làm tốt bóng đá học đường. Ảnh: VSI

Ông Huế nói tiếp: “Thái Lan và các nước có nền bóng đá tiên tiến họ làm tốt khâu này hơn ta vì bóng đá học đường của họ rất phát triển. Mỗi trường học ở Thái Lan đều có sân bóng đạt chuẩn, những em nào có năng khiếu và có niềm đam mê đá bóng sẽ được học bóng đá sau các giờ học văn hóa một cách nghiêm túc.

Tất nhiên, không phải mạnh ai nấy đá như học sinh ở các trường học của ta. Học sinh Thái Lan được đưa đón đến các trung tâm, hoặc các chuyên gia sẽ trực tiếp đến nhà trường để giảng dạy kỹ năng, chiến thuật. Cũng chính vì vậy, bóng đá Thái Lan luôn dồi dào tài năng, và tư duy chiến thuật của các tài năng ấy được hình thành, phát triển từ bé.

Không phải bóng đá Thái Lan đến thời Kiatisuk làm HLV mới có sự nhất thể về lối chơi, tư duy chiến thuật. Nền tảng của họ có từ lâu rồi và nó hình thành từ bóng đá học đường mà ra”.

Hội nghị Diên Hồng nên mời các nhà báo

Từ những phân tích của mình chuyên gia Trịnh Minh Huế cho rằng bóng đá Việt Nam thua Thái Lan là cả một quá trình chứ không phải một trận đấu. Thế nên, để đổi thay thực trạng ấy, điều cần thiết là phải đổi thay nền bóng đá, và Hội nghị Diên Hồng như ý định của Tổng cục TDTT chính là cơ hội để chúng ta thực hiện điều đó.

“Tôi nghĩ Tổng cục TTDTT thấy những bất cập của bóng đá nước nhà, nên họ tổ chức Hội nghị Diên Hồng để tìm cách giải cứu nền bóng đá là đúng đắn. Tuy nhiên, tôi kỳ vọng Hội nghị lần này phải tiến hành nghiêm túc, bài bản, cầu thị, giải quyết tận gốc rễ những tồn tại của bóng đá Việt Nam”, chuyên gia Trịnh Minh Huế chia sẻ.

Cũng theo ông Huế, bóng đá là để phục vụ công chúng, dư luận. Hay thì sẽ được bộ phận này khen, dở thì sẽ bị họ chê, nên khách mời của Hội nghị Diên Hồng bóng đá nhất định phải có các nhà báo và người hâm mộ.

“Thành phần chủ chốt của Hội nghị Diên Hồng bóng đá phải là các nhà báo và người hâm mộ có tình yêu, sự hiểu biết và trách nhiệm với bóng đá nước nhà. Sau nữa là các chuyên gia, HLV, cầu thủ chuyên nghiệp, các nhà khoa học, nhà quản lý thể thao…”, ông Huế kết luận.

2 Số trận thắng của Việt Nam trước Thái Lan trong các lần chạm trán giữa 2 đội tuyển tại các giải đấu chính thức kể từ khi thể thao Việt Nam hội nhập trở lại lại với đấu trường khu vực.

18 Số đội tham dự Giải bóng đá VĐQG Thái Lan, trong khi V-League chỉ có 14 đội.

6 Số cầu thủ từng khoác áo U19 Thái Lan bại trận trước U19 Việt Nam trong năm 2014, khoác áo đội tuyển U23 Thái Lan vô địch SEA Games 28.


Tuệ Chính
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến